Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Tình phụ tử trong phim 'Mặt trời, con ở đâu?' của Việt Hương và Huỳnh Đông lấy cạn nước mắt của khán giả

Bộ phim "Mặt trời, con ở đâu" khiến người xem không khỏi nghẹn ngào khi khai thác đề tài tình cảm cha con.

Là một bộ phim hiếm hoi của màn ảnh Việt trong thời gian gần đây nói về tình cảm cha con, Mặt trời, con ở đâu? thuộc thể loại gia đình, hài, phiêu lưu,… với sự tham gia của các diễn viên Huỳnh Đông, Việt Hương, Huỳnh Tuấn Anh cùng bé Bảo Bảo, bé Cát Vi, Lê Giang, Hoàng Rapper

Poster “Mặt trời, con ở đâu?”.

Được “nhào nặn” dưới bàn tay của đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn, Mặt trời, con ở đâu? nhanh chóng thu hút số lượng lớn khán giả bởi những giá trị cốt lõi, thông điệp mà bộ phim mang lại.

Đề tài phim tuy quen mà lạ…

Bộ phim nói về đề tài tình cảm cha con.

Đối với điện ảnh Việt Nam, khi nhắc về phim tình cảm gia đình, bằng một sự hiển nhiên nào đó người ta thường nghĩ ngay đến tình mẫu tử. Cũng phải thôi, bởi lẽ hình tượng người mẹ tần tảo, chịu khó luôn là đối tượng sáng giá và dễ dàng đánh trúng tâm lý người xem nhất, tiêu biểu ta có phim Nắng, Nắng 2, Có căn nhà nằm nghe nắng mưa,…Vậy nên, ngay từ khi tung trailer chính thức, với bối cảnh nơi xóm nhỏ nghèo khổ cùng người cha “câm” một mình nuôi con, Mặt trời, con ở đâu? khiến nhiều người không khỏi đặt câu hỏi: Liệu đây có phải là một phiên bản 2018 của hình tượng người mẹ đơn thân bị thiểu năng trong Nắng?

Song, với một cái nhìn khách quan hơn, ta có thể thấy mạch cảm xúc trong Mặt trời, con ở đâu? được khai thác trên nhiều bình diện hơn cả. Cùng là tình cảm cha con nhưng cái cách mà A Tẻo (Huỳnh Đông) săn sóc Á (bé Bảo Bảo) với cách mà ông Vượng (Huỳnh Anh Tuấn) chăm lo Xuka (bé Cát Vi) hoàn toàn khác nhau. Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn đã khắc họa thành công một hiện thực giữa các tầng lớp trong xã hội, bất kì người cha nào trên cuộc đời này cũng đều thương yêu con nhưng giữa vòng xoay của tiền tài, danh vọng, người ta vô tình lãng quên đi những hạnh phúc thực giản đơn cạnh bên mình…

Gửi gắm nhiều thông điệp…

Hai cha con A Tẻo và Á mưu sinh bằng nghề bán trái cây dạo.

Càng giàu có về vật chất bao nhiêu, con người lại càng nghèo về tâm hồn bấy nhiêu. Khán giả có lẽ sẽ dễ dàng bật cười khi Á dắt Xuka vào chùa và cô bé nói nơi này im lặng giống như nhà mình vậy. Nhưng ngẫm lại, sự so sánh này đáng thương hơn đáng cười. A Tẻo sẽ về ngay sau một ngày bán buôn tất bật còn ông Vượng thỉnh thoảng mới về lại nơi có cô con gái mình ở đó. “Tiểu thư” Xuka có cuộc sống sung túc, đầy đủ ngỡ như chẳng thiếu thứ gì, nhưng điều cô bé thật sự cần không phải những thứ xa hoa, hào nhoáng kia mà đó là tình cảm, là sự quan tâm, thấu hiểu của người cha khi mẹ mất.

Còn với Á, lớn lên giữa cuộc sống lăn lộn mưu sinh của những kiếp người tàn, thiếu thốn đủ điều, ấy vậy mà Á lại có được “tài sản” không phải ai muốn cũng có được, không thể dùng tiền hay bất cứ loại vật chất nào có thể đổi chác được, đó là tình yêu thương lớn lao của cha mình. Nhà Á nghèo thật, nhưng cái nghèo đó đôi khi lại khiến người ta phải ghen tị, phải khao khát có được. Á được sống đúng với tuổi thơ của mình, được trải nghiệm, được vui chơi thỏa thích như bao đứa trẻ khác. Cái va chạm sớm với đời và sự thấu hiểu cho những bươn chải nhọc nhằn của người cha khiến em lớn hơn, biết quan tâm đến người khác hơn. Cuộc sống bình dị dạy cho Á những điều mà phía sau cánh cổng cao rộng của thượng lưu không thể mang lại cho đứa trẻ lớn lên ở đó.

“Tiểu thư” Xuka từ nhỏ đã được sống trong sung túc.

Bởi mới nói, đôi khi giàu có cũng là một sự bất hạnh. Xuka là một cô bé ngoan, tốt bụng, em còn quá nhỏ để phải gánh chịu những nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần không đáng có. Tính nhân văn của bộ phim càng được nâng cao khi Xuka quyết định giải thoát cho các bạn dù em biết điều đó đồng nghĩa với việc bệnh tình của mình sẽ không cứu chữa được nữa. Đó không đơn thuần là hành động non nớt mà sâu bên trong chính là tấm lòng lương thiện, giàu yêu thương của một đứa trẻ khao khát được yêu thương. Việc tạo đối lập về hoàn cảnh của các nhân vật đã đẩy giá trị của phim lên cao hơn cả đồng thời nó như một hồi chuông cảnh tỉnh cho các phụ huynh về cách quan tâm, giáo dục con cái sao cho hợp lý giữa cuộc sống bộn bề.

Vai diễn đặc biệt nhất của Việt Hương

Việt Hương trong vai bác sỹ Kim lạnh lùng.

Trước đây, nhắc đến Việt Hương người ta liền nghĩ ngay đến những vai diễn hài hước, tạo tiếng cười. Nhưng lần này, đến với Mặt trời, con ở đâu?, khán giả sẽ được thấy một Việt Hương hoàn toàn khác, một bác sĩ Kim lạnh lùng, đầy mưu mô nhưng sâu bên trong là nỗi niềm của người mẹ, làm bác sĩ, nhưng lại không thể cứu được con của mình. Có thể nói, Việt Hương đã lột tả thành công nhân vật này với nỗi đau giày xéo tâm can, không còn là một nghệ sĩ hài trên sân khấu nữa, lúc này đây khán giả đồng cảm với cô, khóc cùng cô, cùng người phụ nữ đáng thương hơn là đáng trách…

Thích thú với dàn diễn viên nhí và tình bạn của những đứa trẻ…

2/3 thành viên của phim là các diễn viên nhí.

Là bộ phim dành cho thiếu nhi, với hơn 2/3 thành viên là các diễn viên nhí, Mặt trời, con ở đâu? đã khắc họa thành công tình bạn rất đáng yêu của những đứa trẻ nơi xóm lao động nghèo. Ở đó có Á, Lũ, Tí Lác, Bảo Lé,… với ánh mắt trong trẻo và nét diễn tự nhiên, ngô nghê, khiến khán giả không khỏi bật cười thích thú trước những khoảnh khắc nô đùa hay tranh giành “địa bàn” bán giấy dò. Nhưng cũng chính cái sự ngây thơ, hồn nhiên của các em khiến người xem không khỏi chua xót trước số phận của những đứa trẻ lang thang, sớm nặng gánh mưu sinh ngay từ nhỏ. Ở cái tuổi đó, các em lẽ ra phải được tới trường, được đùm bọc yêu thương chứ không phải lo nghĩ về cơm, áo, gạo, tiền. Tuy nghèo thật nhưng các em không vì thế mà hư hỏng, quậy phá. Các em ngoan, đoàn kết, biết phân biệt tốt xấu và luôn sẵn lòng giúp đỡ bạn bè. Cuộc sống quẩn quanh khiến các em trưởng thành hơn trong suy nghĩ, hơn cái tuổi mình có.

Bé Bảo Bảo và bé Cát Vi.

Thằng anh Bảo Lé lớn nhất, luôn bảo vệ mấy đứa nhỏ hơn mình. Tí Lác thông minh, tinh nghịch, đáng yêu trong khi Lũ láu cá, ỷ lớn hiếp bé nhưng lại sợ máu và cũng hết lòng tương trợ “anh em” khi Á gặp khó khăn. Á có phần chững chạc nhưng một đứa trẻ hiểu chuyện cũng chỉ là đứa trẻ mà thôi. Á hiếu động, thương cha, vì muốn dành dụm mở sạp trái cây cho cha đỡ khổ mà lén đi bán giấy dò. Và hơn cả, cậu bé có một tấm lòng nhân hậu không ngại đau đớn, sẵn sàng phẫu thuật hiến tủy sống cho Xuka. Bộ phim nhân văn và tinh tế ở chỗ kết phim, cái nắm tay của hai đứa trẻ được chèn giữa chú gấu bông, một thước phim rất đáng yêu, nhẹ nhàng và thuần khiết đúng với cái tuổi mà các em đang có…

Bé Bảo Bảo một lần nữa khẳng định được khả năng diễn xuất của mình.

Kết thúc bộ phim, khán giả ai nấy cũng “sụt sùi nước mắt”. Không quá gay cấn, không quá bi kịch, Mặt trời, con ở đâu? cứ nhẹ nhàng, chậm rãi chạm vào trái tim người xem và đọng lại cho ta nhiều nghĩ suy, trăn trở về giá trị thực, hạnh phúc thực của cuộc sống…

Bộ phim được công chiếu tại các hệ thống rạp trên toàn quốc kể từ ngày 07/12/2018.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Mỹ Khanh

Được quan tâm

Tin mới nhất