Trong phim Mẹ chồng, vấn đề ” sinh con nối dõi” là nguồn cơn dẫn đến mọi mâu thuẫn trong nhà. Năm xưa, bà Hai Lịnh (Diễm My 6x) đã đay nghiến Ba Trân (Thanh Hằng) là “Cây độc không trái, gái độc không con” khi cô làm mất đứa cháu duy nhất của dòng họ Huỳnh, để rồi sau đó, khi con trai Hai Nhứt của bà Hai chết do tai nạn, bà lại đau đớn mắng nhiếc nàng dâu: “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại” (Trong 3 tội bất hiếu, không có con nối dõi là tội nặng nhất). Để rồi sau này, khi Ba Trân trở thành mẹ chồng, cô cũng dùng câu nói ấy làm gia quy để răn dạy các nàng dâu trong nhà.
Thế thì, ý nghĩa và xuất xứ của câu nói ấy là gì? Trong thiên Ly Lâu Thượng (離婁上), khúc thứ 26, Mạnh Tử viết: “Bất hiếu hữu tam , vô hậu vi đại. Thuấn bất cáo nhi thú, vi vô hậu dã, quân tử dĩ vi do cáo dã” (不孝有三,无后为大。舜不告而娶,为无后也。君子以为犹告也). Dựa theo giải nghĩa của Mạnh Tử Toàn Văn Bạch Thoại, tạm dịch nghĩa là: “Có ba tội bất hiếu, trong đó không có người nối dõi là tội lớn nhất. Thuấn [tôi ngờ là vua Thuấn] sợ mang tội này nên cưới vợ mà không nói với cha mẹ, nhưng cũng không có người nối dõi, người quân tử cho rằng như vậy thì nói hay không nói cũng vậy mà thôi.”
Sách “Minh Tâm Bảo giám” (Gương quý soi lòng) nói về 3 bất hiếu như sau:
- A ý khuất tòng, nhất bất hiếu giả (阿意曲從,陷親不義.)
- Gia bần thân lão, bất vi lộc sĩ, nhị bất hiếu giả (家貧親老,不為祿仕.)
- Vô thú, bất tử, tuyệt tiên tổ tự, tam bất hiếu giả (不娶無子,絕先祖祀)
Nghĩa là:
- Điều bất hiếu thứ nhất: Hùa theo ý kiến của cha mẹ một cách thụ động, không cần biết phải, trái (A tòng).
- Điều bất hiếu thứ hai: Nhà nghèo, cha mẹ già mà không lo kiếm việc làm để có tiền củạ (vi lộc sĩ có nghĩa đi làm có tiền để nuôi cha mẹ).
- Điều bất hiếu thứ ba: Không cưới vợ (vô thú), không có con làm đứt (tuyệt) dòng nối tiếp của tổ tiên.
“Tuyệt tiên tổ tự” thường nói tắt là “tuyệt tự” nghĩa là “đứt dòng”. Chữ Thú: nguyên nghĩa là lấy vợ.
Trong ba điều trên, không lấy vợ để nối tiếp dòng họ ở các đời sau được xã hội Trung Hoa và Việt Nam xem là trọng đại nhất. Ngày xưa, người ta không biết đến vấn đề khiếm khuyết sinh lý trong cấu tạo cơ thể, cho nên cứ người nào không có con đều bị đánh giá là vô phúc. Người đàn bà lấy chồng mà không sinh đẻ thường bị rủa là “Cây độc không trái, gái độc không con” ít ai nghĩ đến lỗi và khuyết sinh lý của người đàn ông “vô sinh” trong vấn đề vợ chồng không có con nối dòng cho gia tộc.
Sách Minh Đạo Gia Huấn của Trình Di (1032-1085) đã viết về đạo hiếu như sau:
“Bất hiếu giả tam - Vô hậu vi đại
Hữu thân bất ái - Hữu huynh bất kính
Cầu tha ái kính - Khởi khả đắc hổ”
Dịch nghĩa:
Bất hiếu có ba điều lỗi - Không có con là lớn nhất
Có cha mẹ chẳng yêu mến - Có anh chẳng kính trọng
Lại mong được người ngoài yêu kính - Làm sao mà có được?
Mẹ chồng lấy bối cảnh giả định vùng Đại Điền ở miền Nam Việt Nam vào những năm 50, khi mọi người vẫn còn ảnh hưởng bởi những định kiến thời phong kiến. Vì lẽ đó, từ bà Hai Lịnh - người nắm mọi quyền hành trong nhà họ Huỳnh cho đến nàng dâu Ba Trân khi trở thành mẹ chồng, cũng không thoát khỏi những tư duy cũ ấy. Cũng chính bởi lối suy nghĩ ấy mà không chỉ riêng trong phim Mẹ chồng, mà những nàng dâu ngày xưa đã phải chịu mọi hà khắc, đòn roi mắng nhiếc từ gia đình chồng khi về nhà làm dâu mà mãi vẫn chưa sinh con nối dõi.
Xem phim Mẹ chồng, ta dễ dàng nhận ra sự tìm tòi học hỏi của đạo diễn Lý Minh Thắng và ekip sản xuất trong việc đưa những quan điểm xưa để phản ánh, nêu lên thực trạng về mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu, nguồn cơn sinh ra những mâu thuẫn ấy. Trải qua bao đời, cho đến nay vẫn còn không ít gia đình giữ lấy những tư duy “bất hiếu hữu tam” kia, xem việc “có con nối dõi”, “trọng nam khinh nữ” là quan trọng nhất khiến cho nhiều đôi vợ chồng phải lao đao khổ sở vì chuyện hiếm muộn. Hy vọng rằng, với những bi kịch đã được xây dựng trong phim Mẹ chồng, khán giả hiểu ra về giá trị đích thực của hai từ “gia đình”. Nó không còn phụ thuộc vào việc có con nối dõi hay không, mà chính là từ tình cảm yêu thương của mọi người trong nhà.
Trailer phim Mẹ chồng.
Phim Mẹ chồng hiện đang trình chiếu trên toàn quốc.