Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

'Thương nhớ ở ai': Bức tranh làng quê bị 'vấy bẩn' bởi tai tiếng hiện đại?

Liệu "Thương nhớ ở ai" có thể vượt qua những tai tiếng không đáng có, thành công truyền tải thông điệp đến người hâm mộ, giúp họ đón nhận tác phẩm một cách tự nhiên, trọn vẹn nhất?!

Thương nhớ ở ai là dự án phim do đạo diễn Lưu Trọng Ninh và Bùi Thọ Thịnh thực hiện, lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Bến không chồng của nhà văn Dương Hướng. Mang bối cảnh làng Đông - một làng quê Bắc Bộ điển hình, phim khắc họa rõ nét số phận bi kịch người phụ nữ nông thôn thời hậu chiến. Trải qua hai cuộc kháng chiến, ngôi làng vắng bóng đàn ông, những người đàn bà phải sống trong cảnh lẻ loi, bị trói buộc bởi các định kiến, luật lệ cổ hủ, hà khắc, chôn vùi khao khát hạnh phúc bản thân. Từ đó, họ trở nên khắt khe, làm khổ nhau hơn…

Phim quy tụ dàn diễn viên được đánh giá cao từ ngoại hình cho đến khả năng diễn xuất như Thanh Hương, Lâm Visay, Ngọc Anh, Hồng Kim Hạnh…

“Thương nhớ ở ai” là bức tranh làng quê xưa sống động, chân thực

Với mong muốn mang cái nhìn chân thực nhất về một thời kỳ lịch sử Việt Nam xưa, Thương nhớ ở ai được đầu tư chỉn chu từ nội dung cho đến hình thức. Đạo diễn Lưu Trọng Ninh là người luôn sống theo tôn chỉ, không bao giờ chấp nhận đưa vào tác phẩm những thứ giả lả, hời hợt. Do đó, trước khi lồng các hình ảnh, chi tiết trong bộ phim là cả một quá trình nghiên cứu, tìm hiểu và chuẩn bị cẩn thận, kỹ lưỡng. Theo đoàn làm phim, Thương nhớ ở ai là công sức mà ekip nỗ lực, cố gắng và mong chờ suốt 3 năm ròng rã.

Kể câu chuyện về làng quê Việt Nam xưa, Thương nhớ ở ai được kì vọng trở thành tác phẩm mang giá trị hiện thực, đồng thời truyền tải ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Để làm tròn nhiệm vụ tự đặt ra ấy, trước tiên, tác phẩm phải vẽ nên bức tranh chân thật, đầy đủ về một giai đoạn lịch sử khó khăn mà đất nước từng trải qua. Thời điểm ấy, những luật lệ hà khắc vẫn trói buộc khao khát, mưu cầu hạnh phúc nhân dân, đặc biệt là người phụ nữ.

Với quan niệm: “Nỗi đau của thời đại in hằn lên số phận phụ nữ rõ nét hơn đàn ông”, đạo diễn Lưu Trọng Ninh khắc họa rõ nét vấn đề thời đại khi xoáy sâu vào cuộc đời những người đàn bà làng Đông. Đó là Nhân (Ngọc Anh) - người đàn bà góa chồng nhẫn nhục, không dám đến với tình yêu, hạnh phúc vì định kiến xã hội; Nương (Thanh Hương) - cô đào nổi tiếng bởi nhan sắc, từ tỉnh về quê; nàng dâu nhà địa chủ chịu nỗi đau mất chồng tên Hơn (Hồng Kim Hạnh) hay cô gái chửa hoang bị bắt cạo đầu bôi vôi. Ngoài ra, Thương nhớ ở ai còn thẳng thắn đề cập đến các vấn đề nhạy cảm như: phong trào cải cách ruộng đất, đấu tố địa chủ,…

Nữ diễn viên Thanh Hương trong vai Nương.

Hồng Kim Hạnh vào vai Hơn.

Nỗi đau thời đại in hằn lên số phận, những người phụ nữ cam chịu, oằn mình dưới định kiến, luật lệ hà khắc, cổ hủ. Ngoài ra, phim trở nên chân thực, đầy sống động nhờ phông nền mang đậm hơi thở làng quê từ hình ảnh: cây gạo, chiếc cầu tre, bến nước; đến âm thanh: làn điệu chèo, quan họ, xẩm,… Không đi ngược lại với cái nền ấy là trang phục của dàn diễn viên nữ: mảnh yếm mong manh, áo cánh hay chiếc áo sờn vai.

Để bảo đảm tính chân thực của phim, người phụ trách phần phục trang - họa sĩ Nguyễn Dũng Minh cẩn thận đi tìm tư liệu, những bức ảnh cũ về thời kỳ ấy, thậm chí, anh hỏi chuyện các cụ cao tuổi ở vùng quê, từ đó biết về công dụng chiếc yếm: các bà, các mẹ mặc yếm ở nhà, lúc bắt cá, gánh nước hay làm đồng; họ chỉ khoác thêm áo cánh khi tiếp khách, hay đi đến chốn đông người. Đặc biệt, ngày đó, chiếc yếm được coi như một loại nội y. Do vậy, dàn diễn viên phải đóng phim mà không mặc nội y, theo lời đạo diễn Lưu Trọng Ninh: “Ngày xưa các cụ mặc như thế nào thì mình mặc như thế”.

Trước khi đưa ra quyết định về trang phục mà nữ diễn viên sẽ mặc trong phim, đoàn làm phim Thương nhớ ở ai nảy sinh nhiều ý kiến trái chiều. Bản thân Hồng Kim Hạnh - người đảm nhận vai diễn Hơn, cũng đắn đo do cô là người rụt rè, từng từ chối vai diễn chính ở Trái tim bé bỏng vì không đóng cảnh hở hang. Vì vậy, nhận được lời đề nghị không mặc nội y lúc đóng phim, ban đầu, Kim Hạnh thuộc nhóm người nhất quyết phản đối. Tuy nhiên, theo lời đạo diễn Lưu Trọng Ninh: “Vẻ đẹp và sự chân thực là cái đích của bộ phim mong đạt tới”, đoàn làm phim nhận thấy không chỉ đảm bảo tính thật cho Thương nhớ ở ai, “mặc giống các cụ từng mặc” còn là cách làm thể hiện thái độ tôn trọng lịch sử. Sau khi bất chấp đồng ý, càng nhập vai sâu vào nhân vật, Kim Hạnh càng quên đi nỗi ngại ngùng, không còn lo lắng vấn đề ngoại hình, mà hóa thân trọn vẹn thành người phụ nữ thôn quê mang nhiều bi kịch.

Bức tranh làng quê bị “vấy bẩn” bởi những tai tiếng hiện đại?

Sau mấy năm trời chuẩn bị và mong chờ, Thương nhớ ở ai lên sóng như một điểm sáng trên màn ảnh nhỏ Việt Nam. Khắc họa bức tranh làng quê Việt ở một giai đoạn lịch sử đáng chú ý, bộ phim nhận nhiều quan tâm từ phía khán giả. Không ít người xem thể hiện sự trân trọng với tác phẩm mang đậm hơi thở quá khứ. Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng phim quá táo bạo khi để dàn diễn viên không mặc nội y xuất hiện trên truyền hình, và có những lời thoại nhạy cảm, không thích hợp.

Trong một số phân cảnh, cơ thể đầy đặn của nhân vật ẩn hiện qua lớp yếm mỏng manh nhận nhiều ý kiến trái chiều từ phía người hâm mộ. Thậm chí, không ít bình luận cho rằng đây là chiêu trò của nhà làm phim. Bên cạnh đó, mỗi tập Thương nhớ ở ai đều bị cắt từ năm đến bảy phút, đây là mất mát to lớn của đoàn làm phim khi bộ phim khó có thể truyền tải hết thông điệp, ý nghĩa do không được phát sóng đầy đủ.

Trailer “Thương nhớ ở ai”.

Trước những lùm xùm, rèm pha từ khán giả, đặc biệt là trên các trang mạng xã hội, bức tranh làng quê xưa có thể bị “vấy bẩn” bởi tai tiếng hiện đại, khi cứ nhắc đến cái tên Thương nhớ ở ai, người ta lại nghĩ đến bộ phim có dàn diễn viên mang trang phục phản cảm, dùng lời nói thiếu tế nhị? Theo diễn viên Hồng Kim Hạnh, sự soi xét về các vấn đề này làm mất đi giá trị nhân văn của phim. Uổng phí công sức, mồ hôi và nước mắt đoàn làm phim suốt ba năm trời ròng rã, người xem chỉ chú ý đến trang phục, mà không để ý đến ý nghĩa Thương nhớ ở ai muốn truyền tải.

Hướng đến mục đích khắc họa chân thực bức tranh làng quê Việt Nam thời kì hậu chiến, từ đó phản ánh nỗi đau thời đại qua bi kịch người phụ nữ, Thương nhớ ở ai mong muốn người xem, đặc biệt là khán giả trẻ biết đến, hiểu hơn về một giai đoạn lịch sử đất nước. Chính vì thế, mong rằng, vượt qua những tai tiếng không đáng có, bộ phim thành công truyền tải thông điệp đến người hâm mộ, giúp họ đón nhận tác phẩm một cách tự nhiên, trọn vẹn nhất!

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Phương Thảo

Được quan tâm

Tin mới nhất
Giới trẻ nghĩ gì về Yamaha Janus hoàn toàn mới, nâng cấp có xứng đáng?
Lee Hooyeon kể trải nghiệm thú vị khi cùng Wukong hẹn hò tại New World Phu Quoc