Thung lũng hoang vắng là bộ phim Việt Nam của đạo diễn Phạm Nhuệ Giang với sự tham gia của các diễn viên Hồng Ánh, Tuyết Hạnh, Nguyễn Hậu,… Chuyện phim kể về một ngôi trường vùng cao - nơi chỉ có 3 thầy cô giáo sống và làm việc. Đó là thầy Tành - Hiệu trưởng (diễn viên Nguyễn Hậu đóng), cô Giao (diễn viên Hồng Ánh đóng) và cô Minh (diễn viên Tuyết Hạnh đóng). Kể chuyện đời sống của các thầy cô giáo cắm bản, với những chi tiết rất “đời” như: mâu thuẫn tâm lý, xung đột, yêu thương, hờn giận… phim không nằm ngoài mục đích ca ngợi tấm lòng tận tụy trong việc trồng người nơi vùng cao của những thầy cô giáo tâm huyết.
Sản xuất từ năm 2001, bộ phim Thung lũng hoang vắng từng gặt hái nhiều thành công. Phim đã tham dự nhiều Liên hoan phim ở Trung Quốc, Singapore, Úc, Hàn Quốc, đồng thời nhận giải Fipresci dành cho phim châu Á tại Liên hoan phim ở Melbourne, giải A của Hội Điện ảnh Việt Nam, giải Bông sen bạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 13. Phim cũng đã góp phần đưa tên tuổi của nữ đạo diễn Phạm Nhuệ Giang và nữ diễn viên Hồng Ánh đi xa hơn.
Thung lũng hoang vắng như một án thơ trữ tình pha lẫn giá trị nhân văn của những người thầy giáo, cô giáo mang con chữ nơi miền xuôi đến vùng cao hẻo lánh. Phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và gian khổ nhưng các thầy giáo cô giáo vẫn tận tuỵ với nghiệp trồng người. Họ đã cố gắng bám trụ lại vùng thung lũng hoang vắng để gieo con chữ, giúp các trẻ em vùng cao biết đọc, biết viết và có hành trang để bước vào đời. Và sự kỳ diệu đã xảy ra đó là cậu bé dân tộc Thào A Dê, diễn viên nhí được chọn đóng phim này nhờ được ekip đoàn làm phim gieo vào lòng sự quan trọng của “cái chữ” mà sau này cậu đã quyết tâm thi đỗ bằng được vào khoa Quản lý Giáo dục Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Dê là người đầu tiên cũng là duy nhất của xã Tả Giàng Phìn đỗ đại học.
Không đơn thuần dừng lại ở ý nghĩa ấy, bộ phim còn khắc họa tình yêu của họ với số phận đầy ngang trái. Cô Minh có tình cảm với thầy Tành, nhưng ông lại yêu cô Giao, còn cô Giao lại có mối tình đắm say với anh địa chất tên Hùng. Điều oái oăm thay, Mị - cô học trò nhỏ của Giao cũng đem lòng thương Hùng và vô tình chứng kiến cảnh ái ân của 2 người nơi bờ suối. Đứng trước cú shock tâm lý ấy, Mị nghỉ học.
Cô Giao đến khuyên nhủ nhưng Mị cho rằng đó là lời dối trá. Người dân trong làng biết chuyện và không cho con cái của mình theo học ở ngôi trường ấy nữa. Cùng lúc đó, Hùng bỏ đi, trường đóng cửa vì không còn học viên khiến cô Giao suy sụp. Dẫu không thương mình, thế nhưng thầy giáo Tành vẫn một mực chăm sóc, động viên cô Giao vượt qua những khó khăn đó. Ấy vậy mà, người suy sụp hơn ai hết chính là ông. Những tình tiết phức tạp ấy khiến tác phẩm có chiều sâu, đồng thời chạm đến cảm xúc của khán giả quốc tế qua các Liên hoan phim.
Vai diễn thầy Tành trong Thung lũng hoang vắng là vai chính đầu tiên, cũng là cuối cùng, của diễn viên Nguyễn Hậu. Hình ảnh người thầy hiền lành, chất phác, bỏ hết mọi thứ để đến vùng non cao với nghiệp trồng người… khiến người xem cảm thấy khắc khoải. Những cái nhìn đau đáu của ông về những đứa trẻ miền núi, về tình yêu của ông dành cho cô Giao, và sự từ chối ước lệ đối với tình cảm của cô Minh đã giúp Nguyễn Hậu có được một vai diễn để đời.
Bộ phim Thung lũng hoang vắng.
Bắt đầu khởi nghiệp với nghề diễn viên vào năm 1974, trong hơn 40 năm qua, Nguyễn Hậu đã tham gia hơn 200 bộ phim với vai trò diễn viên và rất nhiều công việc khác trong đoàn. Năm 1995, vai diễn Hai Gọn của Mảnh đất tình đời đã giúp ông mang về giải thưởng Diễn viên xuất sắc nhất (Giải thưởng Hội điện ảnh Việt Nam 1995). Sau đó, anh tiếp tục tạo dấu ấn trong Người đẹp Tây Đô, Đất phương Nam (vai diễn ba của bé An), Mẹ con Đậu Đũa, Đất khách. Cho đến những năm sau này, ông chỉ đóng vai phụ nhưng vẫn tự hào vì mình là “diễn viên phụ được khán giả nhớ mặt nhiều nhất”. Sự lạc quan, tận tâm với nghề của người diễn viên có nụ cười hiền như bụt ấy khiến khán giả không thể nào quên.
Đóng hàng trăm vai phụ, Nguyễn Hậu từng dấn thân cho nhiều cảnh nguy hiểm mà không cần cascaduer. Ông bị kiếm đâm sượt má, rách da trong phim Kỳ tích núi bà Đen, bị thương vì cảnh nổ mìn trong phim Vùng gió xoáy. “Trong phim Lệnh truy nã 2, đạo diễn muốn tôi chạy theo xe ô tô rồi mở cửa phóng lên. Tôi vừa chui đầu vào xe thì bị cành cây ven đường gạt ngang khiến cửa đóng sập lại. Anh lái xe mà không dừng kịp là tôi bị gãy cổ ngay lúc đó”, Nguyễn Hậu kể.
Năm 2010, khi quay phim Hai gia đình, nam diễn viên gặp phản ứng phụ với thuốc viêm gan C. Chân tay sưng phù, nứt nẻ, chảy máu, ông vẫn giữ nguyên thể trạng như vậy đóng phim suốt một tháng. Đến cảnh thì ra quay, hết cảnh ông lại vào nằm dưỡng bệnh. Thời gian gần đây, Nguyễn Hậu càng ít đóng phim vì lý do sức khỏe. Tuy nhiên, ông sẵn sàng thế vai, lãnh vai khó cho đoàn phim khi diễn viên được chọn không đủ sức lột tả nhân vật.
Dành trọn gần cả đời cho phim ảnh, không thuộc biên chế bất cứ cơ quan nghệ thuật nào, danh hiệu cũng không nhưng Nguyễn Hậu luôn tự hào mình là diễn viên phụ được nhiều người nhớ mặt. “Tôi chỉ sợ bị khán giả chê. Danh hiệu, vinh quang với tôi không là gì nếu ra đường khán giả không biết mình là ai, từng đóng phim gì”.
Vào lúc 4h20 sáng ngày 14/02/2018 (nhằm ngày 29 Tết Mậu Tuất), diễn viên Nguyễn Hậu đã qua đời vì căn bệnh ung thư mà ông phải chịu đựng trong nhiều năm qua. Được biết, linh cữu của ông được đặt tại Q.7 (TP.HCM). Lễ động quan sẽ diễn ra vào ngày 15/02 (tức 30 Tết Mậu Tuất). Vĩnh biệt ông, thầy giáo Tành của Thung lũng hoang vắng.