Làng phim Việt vào mùa hè 2019 khá nhộn nhịp khi chào sân hàng loạt các tác phẩm lấy nền tảng từ chủ đề LGBT. Từ Thưa mẹ con đi đến Ngôi nhà bươm bướm, mỗi phim đều có cho mình những giá trị riêng, nhưng nếu xét về vị thế của thị trường phim LGBT Việt so với châu Á hay rộng ra viễn cảnh thế giới, thì chúng ta đang ở mức nào và thiên hướng ra sao, đang phát triển và đột phá hay vẫn còn quanh quẩn và phần nào bế tắc?
Nhìn chung, Thưa mẹ con đi và Ngôi nhà bươm bướm đều có những điểm mạnh và điểm yếu riêng, giống như bất cứ bộ phim nào khác. Nhưng xét ở sự hài hòa về tổng thể, thì Ngôi nhà bươm bướm lại ghi điểm nhiều hơn khi làm tốt vai trò của một phim giải trí đơn thuần, trong khi Thưa mẹ con đi lại gồng mình quá sức, bị nhiều khán giả gán cho cái mác “nghệ thuật” nặng nè, dẫn đến có kha khá những vấn đề còn bỏ ngỏ, khiến phim như một hộp sôcôla trông ngon lành bị tan chảy giữa thời cuộc.
Xét riêng về yếu tố LGBT, rõ ràng Ngôi nhà bươm bướm chính là hiện tại và tương lai, còn Thưa mẹ con đi thì vẫn còn lạc lối trong quá khứ. Quá khứ không xấu, nhưng cứ mãi nhìn về sau lưng, nhìn về những đau thương mà quên đi phía trước có hạnh phúc đang chờ đón là có lỗi với nghệ thuật thứ bảy. Thưa mẹ con đi không khác gì một Nhất thụ nhân sinh với khuynh hướng khai thác sâu vào màn ra mắt và “come out” với gia đình, nhưng thay vì độc đáo và sâu xa như tác phẩm truyện trên của Đại Lục, thì Thưa mẹ con đi lại làm khá chắp vá và lủng củng, hiện thực không ra hiện thực, mà điện ảnh cũng không ra điện ảnh.
Nhiều khán giả vốn nhìn nhận Thưa mẹ con đi nghiêng về phía nghệ thuật hơn là giải trí đơn thuần, thậm chí nhận định phim có nhiều giá trị thuộc thể loại art house (phim nghệ thuật). Tuy nhiên, với một phim art house như vậy thì vẫn còn quá nhiều thiếu sót, vì dù muốn dù không, một bộ phim hay cơ bản phải có một kịch bản tốt, và Thưa mẹ con đi rất tiếc không có được điều đó. Ngược lại, ở mặt này thì Ngôi nhà bươm bướm làm tốt hơn rất nhiều, dù cho vẫn chưa phải tuyệt hảo, nhưng chí ít là trọn vẹn và liền mạch, cách gỡ rối và xử lý vấn đề tình huống đều tốt và chấp nhận được.
Nhìn xa ra thế giới, Brokeback Mountain hay The Love of Siam cũng chưa bao giờ được đánh giá đến mức art house, nhưng một bên là phim từng thắng giải Oscar, một bên là chủ nhân của bốn giải Phim hay nhất tại Thái Lan. Phim LGBT được nhìn nhận “nghệ thuật” thì không thể thiếu Xuân quang xạ tiết hay Bá Vương biệt Cơ, nhưng điều làm cho những tác phẩm này xếp vào hàng kinh điển là đến từ kịch bản hoàn chỉnh, được viết chắc tay chứ không chỉ riêng một số khung hình bắt mắt hay tạo hình thiết kế ấn tượng, hấp dẫn ánh nhìn.
Trái lại, tuy chú trọng tính giải trí đơn thuần, nhưng fan của Ngôi nhà bươm bướm không việc gì phải tự nhận phim xếp sau Thưa mẹ con đi chỉ vì cái mác “giải trí”. Phim có kịch bản tốt, có dàn diễn viên đầy thực lực cùng một thông điệp văn minh, tiến bộ và đáng học hỏi. Nhất là với riêng mảng phim LBGT, bộ phim mới nhất của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh đã hoàn toàn chiến thắng khi bứt phá ra khỏi guồng quay quen thuộc về những câu chuyện yêu đương thiếu niên đầy bi kịch và nước mắt. Điều đáng khen ngợi hơn cả, phim đã có một cái kết có hậu, lan tỏa năng lượng tích cực đến với khán giả.
Ai nói phim giải trí, phim rom-com (romance comedy) là yếu thế? Crazy Rich Asians cũng là một phim đô thị tình duyên, mang yếu tố hài-lãng mạn, nhưng đã gây ấn tượng hoàn toàn với giới phê bình với một kịch bản không có nhiều bất ngờ, nhưng rất cố kết và bổ trợ hoàn hảo bởi dàn diễn viên. Love, Simon năm 2018 cũng đã đi đầu trong xu hướng mang đến một góc nhìn tích cực vô cùng cần thiết cho câu chuyện tình yêu đồng tính, và Ngôi nhà bươm bướm chính là tác phẩm đầu tiên mạnh dạn đứng lên và tiếp lấy ngọn đuốc rực sáng này.
Như vậy, những phim có ẩn chứa đề tài về đồng tính đang đứng ở đâu trên bình diện phim Việt Nam nói chung? Đúng là đang có ngày càng nhiều tựa phim mạnh dạn lồng ghép yếu tố LGBT, dù ít hay nhiều nhưng tất cả đều hướng về một cái nhìn đa dạng và cố gắng nhất có thể.
Tuy nhiên, cần hiểu rõ LGBT không phải là điều cần phải được tách ra như một thể loại riêng, giống như hành động hay kinh dị. Cái đích đến mà làng phim Việt cần đạt được đó chính là bình thường hóa đồng tính trong một kịch bản viết chắc tay, coi đó như một trong những chất xúc tác khác giúp phim đạt đến độ thăng hoa cần thiết về mặt cốt truyện, đồng thời nên bỏ ngay những yếu tố sáo rỗng luôn bám víu và giết chết bất kì thể loại phim nào khác, cụ thể là những trò đùa lả lơi về “trên, dưới” hay những cảnh nóng nếu không cần thiết.
Ngôi nhà bươm bướm và Thưa mẹ con đi, cũng giống như vô vàn những tựa phim khác, đều sẽ có người thích và có người không. Nhưng, cùng với những Song Lang, Lô Tô, Chơi vơi hay Hotboy nổi loạn, những tựa phim có yếu tố LGBT tại Việt Nam đang không ngừng phát triển, từ từ chuyển mình sang hướng tích cực hơn, thậm chí lan rộng khắp các nước trong khu vực và quốc tế. Và từ đây, phim Việt nên có nhiều tác phẩm mang lại năng lượng tích cực, mà trong đó các nhân vật, dù đồng tính hay dị tính, đều nên được đánh giá dựa trên chính cách xây dựng và tài năng của người nghệ sĩ khi hóa thân.