Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Thông điệp của Me Before You - #SốngMạnhMẽ hay #ChếtNhanhHơn?

Tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết bán chạy của Jojo Moyes cùng hai ngôi sao Emilia Clarke và Sam Claflin đang nhận nhiều chỉ trích từ những nhà hoạt động vì quyền người khuyết tật.

Khi đội ngũ truyền thông đứng sau Me Before You xây dựng chiến dịch #LiveBoldly (sống mạnh mẽ) để quảng bá câu chuyện về chàng trai bị liệt tứ chi, đáng ra họ phải lường trước việc nó sẽ gây nhiều tranh cãi. “Mấy người muốn chúng tôi #SốngMạnhMẽ hay là #ChếtNhanhHơn?“, một bình luận được đăng tải trong sự kiện trả lời trực tuyến với Twitter của nam diễn viên Sam Claflin.

Được chuyển thể bởi chính nữ tác gia Jojo Moyes, phim là chuyện tình cháy bỏng của hai tâm hồn tưởng chừng không thể đồng điệu. Nhưng sự khác biệt của họ không chỉ là vẻ bề ngoài. Lou có một cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh, còn Will đã bị liệt sau tai nạn giao thông hai năm về trước. Trước lúc Lou nhận làm công việc chăm sóc cho anh, Will đã quyết định sẽ tự sát. Bạn sẽ cần cân nhắc trước khi xem tiếp bài viết nếu chưa từng đọc qua cuốn tiểu thuyết vì nó sẽ tiết lộ trước nội dung phim.

MeBeforeYou

Cái tên “Will” (ý chí, di chúc) chỉ trở nên trớ trêu hơn sau khi anh chết và để lại cho Lou số tiền cô chưa từng dám mơ tới. Chừng đó tiền là đủ, để biến cuộc sống vốn dè dặt nghèo khó của cô trở thành một chuyến phiêu lưu mới. Những nhà hoạt động nhân quyền nhận ra rằng, mô-típ này chỉ áp dụng thành công cho một người khỏe mạnh, và trả bằng cái giá mạng sống của một người khuyết tật, một mạng sống “ít giá trị” hơn. Nhiều ý kiến đồng tình đã nở rộ trên Twitter.

Những hashtag như #MeBeforeEuthanasia (anh trước cái chết êm ái) được tài khoản @grindmastrgrant sử dụng: “Tôi không phải là một màn giải trí truyền cảm hứng cho họ và tôi cũng không phải một vật đáng bị thương xót rồi giết chết để mua nước mắt khán giả,” trong khi người dùng @JohnBrianKelly viết: “Tôi cũng bị liệt như Will vậy. Đừng có giết tôi trên phim kiểu đó! #Sốngmạnhmẽ, hãy chống lại loại phim sát nhân đó.”

me1

'Me Before You' từng được quảng bá như một thông điệp sống mạnh mẽ và có ý nghĩa.

Theo số liệu thống kê chính thức của Hà Lan (một trong những nước cho phép an tử - “cái chết êm dịu” được thực hiện nếu bệnh nhân tự nguyện), 3-6% số bệnh nhân mỗi năm tử vong nhờ sự can thiệp của bác sĩ để được giải thoát khỏi đau đớn trong những năm qua. Đây vốn là một tư tưởng cấm kỵ đối với hầu hết nền luân lý tôn giáo như Phật giáo và Thiên Chúa giáo.

Cái ý tưởng rằng thà chết còn hơn bị khuyết tật đã được đưa lên màn ảnh rất nhiều lần. Trong Million Dollar Baby, nó được diễn tả như một cái chết ân huệ. Trong Whose Life Is It Anyway?The Sea Inside, nó ngụy trang dưới bóng câu chuyện một người đàn ông bị liệt cố gắng đấu tranh với luật y tế để được quyền chết, được thoát khỏi nỗi sợ hãi một cơ thể vô dụng bất động nằm ẩn phía sau những vùng vẫy tuyệt vọng của ông trước chính quyền bang.

me2

'Million Dollar Baby' từng khuấy đảo một làn sóng phản đối tương tự về 'cái chết dịu êm'.

Đương nhiên, sẽ là sai lầm nếu nghĩ rằng việc tự sát và việc bị khiếm khuyết là hai vấn đề không liên quan mật thiết. The Sea Inside được phỏng theo cuộc đời của Ramón Sampedro, trong khi Me Before You lấy cảm hứng từ cầu thủ rugby 23 tuổi, tên Daniel James, người đã tự sát sau một chấn thương cột sống nghiêm trọng. (Ba mẹ anh kể lại rằng anh “không sẵn sàng để sống tiếp trong trạng thái như vậy”.) Nhưng khi những câu chuyện như thế được đưa lên màn ảnh rộng, nó đã gieo mầm trong đầu khán giả một tư tưởng rằng sống mà cơ thể không toàn vẹn thì chẳng còn đầy đủ ý nghĩa nữa.

“Chúng ta có quá ít cơ hội tìm hiểu về người tàn tật trong xã hội truyền thông ngày nay,” diễn viên kiêm nhà hoạt động Liz Carr, người cũng tham gia phản đối phát biểu. “Nhưng mà có nhiều câu chuyện về cái 'vấn đề' khuyết tật được giải quyết bằng cái chết. Truyền hình với phim ảnh luôn tỏ ra thích thú trước những con người thích tự sát. Họ chẳng buồn quan tâm tới những người còn lại trong chúng ta, những người đang vật lộn với sức khỏe và sự quan tâm của cộng đồng để được sống tiếp.”

me3

Những cảnh quay đẹp hớp hồn biến 'Me Before You' trở thành câu chuyện mộng mơ rực rỡ đối với cô gái trẻ Lou.

Kịch bản đã truyền tải một thông điệp gián tiếp tới những người tàn tật. “Anh hiểu rằng cuộc sống có rất nhiều điều tươi đẹp.” Will nói. “Nhưng những điều đó không dành cho anh của hiện tại. Anh không thể sống như thế này.” Chính bởi Will mạnh mẽ và kiên định, nên những người bị liệt tứ chi đều cảm thấy liên kết với anh. Tác động tiêu cực này có thể được giải quyết dễ dàng, nếu như phim thêm vào một nhân vật khuyết tật khác đối lập lại và cho khán giả thấy tự sát không phải là lối thoát duy nhất. Nhưng “nhân vật thứ hai” đó không hề tồn tại. Me Before You đã cô lập Will hoàn toàn, thêm dầu vào lửa để cái kết phải chết là lựa chọn hợp lý nhất dành cho anh.

“Khi một người bình thường nói rằng mình sẽ tự sát, thì họ đương nhiên sẽ được khuyên nhủ và can ngăn.” Liz tiếp lời. “Dù cho việc đó không phạm pháp, nhưng mọi người đều biết là nó không đúng đắn. Vậy mà nếu một người tàn phế muốn chết, tự nhiên người ta sẽ nghĩ tới những 'lựa chọn' và 'động cơ', và họ sẽ cân đo đong đếm những tiêu chí này mà hiếm khi quan tâm cho sức khỏe tinh thần của người bệnh. Will không hề được hỗ trợ chuyên nghiệp về tâm lý. Chúng ta đang cố mang lại thông điệp gì tới khán giả thế?”

me4

Will đã hòa nhập với gia đình nghèo khó của Lou mặc cho xuất thân của mình.

Về mặt chia cách tầng lớp xã hội thì Me Before You đã truyền tải khá trung thực. Dù cùng Will đến dự tiệc cưới xa hoa của bạn gái cũ, Lou vẫn khẳng định rằng nếu nàng không phải là người chăm sóc cho chàng, Will sẽ chẳng bao giờ bận tâm nói chuyện với Lou. Suy xét kỹ lưỡng, cô phải là người hầu gái bưng đồ uống cho bữa tiệc mới đúng. Một phụ nữ lao động như cô cũng vô hình trong mắt Will và đám bạn, như cách người khuyết tật vô hình với phần còn lại của xã hội. Chàng Will-bị-liệt giờ đây đã cùng giai cấp với Lou-nhà-nghèo và nhìn thấy nàng.

Người khuyết tật tồn tại trong văn hóa đại chúng như một phương tiện để “những người lành lặn” có thể khai mở hết tiềm năng của mình. Lou được lợi rất nhiều từ cái chết của Will. Câu chuyện về Lou như là một giấc mơ lý tưởng màu hồng phấn, vì Will cũng chẳng đòi hỏi nhu cầu nào về tình dục với cô. Giống với người bạn trai đau ốm nhưng hoàn hảo của The Fault in Our Stars, chàng cũng không bám dính quá lâu để mà già đi hay nhăn nheo xấu xí. Lou có thể nâng niu gương mặt trẻ trung của chàng bạn trai “soái ca” đại gia tới mãi về sau. Phim mang chút cảm giác đáng sợ như Pretty Woman của năm 1990, một bom tấn hứa hẹn rằng gặp gỡ gái gọi chính là con đường ngắn nhất để tìm thấy tình yêu đích thực.

me5

'Of Gods and Men' là thông điệp mà Will dùng để dẫn dắt Lou cũng như người xem đến với sự hy sinh của anh.

Một trong những bước tiến mà Will khiến cuộc đời của Lou thay đổi là giới thiệu với cô những bộ phim nước ngoài - cho cô xem Of Gods and Men (tựa gốc Des hommes et des dieux), một bi kịch của đạo diễn Xavier Beauvois, dựa trên sự kiện có thật về những tu sĩ người Pháp tại Tibhirine, Algeria, từ chối bỏ trốn dù biết sẽ bị tra tấn và sát hại vì những kẻ Hồi giáo cực đoan. Lựa chọn của Will hoàn toàn có ý đồ: nó chuẩn bị trước tâm lý cho Lou, và cho khán giả, để đón nhận sự hy sinh của anh.

Me Before You cũng vay mượn hầu hết những yếu tố trốn tránh từ phim của Beauvois. Một phút trước anh còn nằm cạnh Lou trên chiếc giường ở Dignitas, ngay cảnh sau ta đã thấy Lou ngồi đọc lá thư tại quán cà phê giữa lòng Paris. Bộ phim tưởng như kiêu hãnh cổ vũ cho quyết định mạnh mẽ của Will, lại hối hả bỏ qua và kết thúc chóng vánh cái chết đang được chờ đợi. Cái chết, hay việc người khuyết tật chọn sống một cách hạnh phúc, đều không được tìm thấy trong phim.

Me Before You đang được chiếu rộng rãi tại các cụm rạp trên toàn quốc.

Xem thêm

Me Before You - Quyền được chết, tình yêu vật chất và hàng chân mày của Emillia Clark

Định nghĩa về ‘trước ngày em đến’ của Will Traynor và Lou Clark

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Tổng hợp

Được quan tâm

Tin mới nhất