Ngày 20/12 vừa qua, Netflix đã trình làng “đứa con cưng” mang tên The Witcher, bom tấn hứa hẹn là phiên bản nâng cấp của Game of Thrones và những gì bộ phim này thể hiện khiến dư luận dậy sóng với các luồng ý kiến trái chiều, có kẻ khen hay người chê dở. Trên trang đánh giá phim thì The Witcher đạt 8.9 điểm IMDb, một con số ấn tượng cho mùa phim đầu tiên, mùa bắt đầu của câu chuyện rất dài về thế giới quái vật và phép thuật.
Phim được chuyển thể từ loạt tiểu thuyết và truyện ngắn cùng tên của tác giả Andrzej Sapkowski, trước đó đã từng được biết đến qua tựa game đình đám The Witcher sản xuất năm 2007. Kịch bản miêu tả về cuộc đời của nam chính Geralt xứ Rivia, một Witcher (Thợ Săn Quái Vật); định mệnh đã gắn kết chàng phải lên đường tìm gặp công chúa Ciri - Đứa trẻ của Số Phận, người nắm giữ sức mạnh ảnh hưởng đến sự diệt vong của Lục Địa. Trong chuyến phiêu lưu nơi vùng đất ngự trị của những điều huyền bí cùng các sinh vật chỉ có trong truyền thuyết như: yêu tinh, phù thủy, quái vật, người lùn… thì Geralt, người được gọi là Sói Trắng đã chiến đấu và tìm thấy lý tưởng cho cuộc đời mình.
Huyễn hoặc và thần bí, The Witcher đã lôi cuốn khán giả bước vào một mê cung kỳ ảo để tò mò khám phá về những thần thoại, truyền thuyết đậm chất châu Âu; nơi con người sống, tồn tại trên vùng đất giả tưởng, đấu tranh chống lại bóng tối, nơi phép thuật và sức mạnh siêu nhiên sẽ quyết định đến sự sinh tồn của nhân loại. Thế nên nội dung của phim chứa đựng số lượng nhân vật, tình tiết đồ sộ mà thông tin về họ chỉ được giới thiệu sơ qua bởi vài lời thoại đơn giản, điều đó khiến người xem choáng ngợp và khó hiểu khi bắt đầu dõi theo chuyến đi ly kỳ của Geralt.
Phim mở đầu với diễn biến khá chậm rãi, chủ yếu tập trung giới thiệu về diễn biến cuộc đời của các nhân vật chính như nữ pháp sư Yennefer, công chúa Ciri, cuộc chiến của Nữ hoàng Calanthe kết hợp việc Geralt đi tìm, tiêu diệt quái vật với cách sắp xếp thời gian, bối cảnh lộn xộn, đan xen giữa quá khứ và hiện tại. Hồi sau của chuyện, khán giả mới dần được “khai thông bế tắc” và hiểu rõ phim đang kể với các dòng thời gian khác biệt; ba nhân vật chính: Geralt, Ciri và Yennefer xuất hiện ở các thời điểm khác nhau, Yennefer là quá khứ, Geralt hiện tại và Ciri tương lai.
Dần về sau các dòng thời gian mới bắt kịp lẫn nhau và hài hòa vào đoạn kết của phần 1. Có lẽ đây là dụng ý của nhà sản xuất phim và đánh đố khán giả phải tinh ý, theo dõi từng tình tiết mới thấu hiểu rõ như ở tập cuối ba biểu tượng: chim nhạn của Ciri, ngôi sao của Yennefer và con sói của Geralt trộn lẫn, hòa thành một khối thống nhất để ám chỉ đến cuộc gặp gỡ định mệnh báo hiệu những điều kinh thiên động địa sẽ xảy ra tại phần tiếp theo của câu chuyện. Điểm đặc biệt này khiến The Witcher tạo nên nét đặc sắc riêng nhưng cũng là một cái dở của phim khi hầu hết khán giả phải bắt đầu xem phim với tâm trạng hoang mang, đau đầu suy nghĩ và cuối cùng mới vỡ lẽ, phát hiện ra sự hấp dẫn, điểm thú vị của tác phẩm viễn tưởng đậm chất thần thoại này.
Bối cảnh phim được dựng với hai gam màu trái ngược đan xen giữa âm u lạnh lẽo và tươi sáng ấm áp như truyền tải, diễn tả bản chất của mỗi sự kiện xảy ra trong cuộc đời mỗi nhân vật. Phần phụ trang, tạo hình chưa để lại ấn tượng hay tạo nên bản sắc riêng; kỹ xảo hay phần xử lý CGI cũng không có gì đặc biệt để người xem phải trầm trồ. Bù lại phim có những phân cảnh hành động rất chân thực, sống động và đầy quyết liệt với các màn đấu kiếm kịch tính, mãn nhãn.
Về diễn xuất thì đáng chú ý và được “mổ xẻ” phần tích nhiều nhất chính là nam chính Geralt do Henry Cavill. Henry được đánh giá là “khá hiền” chưa truyền tải được thần thái, khí chất “cool ngầu”, từng trải của Geralt trong bản game; thậm chí Geralt của Henry còn thấp thoáng hình bóng của Superman, nhân vật mà anh đã từng ghi dấu ấn trước đó. Tuy nhiên “đường dài mới biết ngựa hay” The Witcher cũng chỉ mới khởi động, những diễn biến gay cấn tiếp theo sẽ có thêm “đất diễn” để Henry Cavill thể hiện tài năng của mình. Bên cạnh đó, nam diễn viên đã phần nào thể hiện tròn vai nhân vật Geralt qua những màn đấu kiếm đỉnh cao, chất giọng trầm ấm, quyến rũ và thân hình lực lưỡng, nóng bỏng đúng chuẩn một chiến binh khiến hội chị em mê mẩn.
Đồng hành cùng Henry Cavill là dàn cast chất lượng, trong đó nổi bật chính là các mỹ nhân Anya Chalotra vai Yennefer và Freya Allan vai Ciri. Anya Chalotra với nhan sắc trông giống nàng ca sĩ s.exy Camila Cabello đã thể hiện xuất sắc hình ảnh Yennefer từ lúc chập chững đến với phép thuật và thoát xác biến thành nữ pháp sư gợi cảm, quyền năng. Còn thiếu nữ 18 tuổi Freya Allan lại khắc họa thành công một Ciri bé nhỏ, ma mị, ẩn chứa sức mạnh khủng khiếp hủy diệt thế gian. Ngoài ra sự xuất hiện của anh chàng lắm lời, hay hát Jaskier do Joey Batey đóng cũng khiến không khí của phim trở nên vui tươi, hài hước hơn.
The Witcher là sự pha trộn của Game of Thrones và Lord of the Rings, hội tụ mọi yếu tố để thu hút khán giả dõi theo như: cốt truyện gốc nổi tiếng, dàn diễn viên ngôi sao, cảnh nóng “bỏng mắt”, hành động mãn nhãn… Netflix sẽ tạo nên dấu ấn và thương hiệu riêng cho “đứa con tinh thần” của mình? Câu trả lời có lẽ công chúng phải chờ đợi vào những mùa phim tiếp theo về hành trình trừ yêu diệt ma của Geralt xứ Rivia còn hiện tại The Witcher mùa đầu tiên đã đem đến những trải nghiệm điện ảnh thú vị và mới mẻ.
Trailer “The Witcher”