Tới nay, dù đã 4 tháng trôi qua nhưng dư âm của series truyền hình Game of Thrones (Trò Chơi Vương Quyền) vẫn còn mạnh mẽ đối với khán giả, cả tích cực lẫn tiêu cực. Trong suốt 9 năm lên sóng, Game of Thrones được xem là một trong những series nổi tiếng nhất màn ảnh nhỏ, với cốt truyện trung cổ đầy gay cấn, hấp dẫn, cùng những cảnh phim vô cùng quy mô. Tuy nhiên, mùa cuối cùng khép lại cả series lại là một “trái đắng” đối với người hâm mộ với những tình tiết thiếu hợp lý, xây dựng gấp gáp.
Đặc biệt, tập 3 của season 8 với tiêu đề The Long Night (Đêm Trường) đã được quảng bá mạnh mẽ từ nhiều tháng trước khi lên sóng. Nhà sản xuất tuyên bố đây là trường đoạn đánh trận dài nhất trong lịch sử phim ảnh, với khoảng thời gian quay kỷ lục và mức độ đầu tư cao chót vót. Game of Thrones vốn nổi tiếng với những trận đánh vô cùng hoành tráng, quy mô như trận Blackwater (tập 9 season 2), trận Tường Thành (tập 9 season 4), trận Hardhome (tập 8 season 5), trận Con Hoang (tập 9 season 6) hay trận Rồng tấn công đoàn xe (tập 4 season 7). Thế nên, khi nghe những tiết lộ của nhà sản xuất HBO về The Long Night, trận đánh hoành tráng nhất từ trước đến nay, các fan của Game of Thrones đều vô cùng ngóng đợi.
Thế nhưng khi phim phát sóng thì bao nhiêu kỳ vọng đã được đổi lại bằng thất vọng. Trận đánh đúng là được dàn dựng rất mãn nhãn, rất kịch tính, đặc biệt với những cảnh quay rồng giao chiến giữa không trung đều nhận về vô vàn lời tán dương. Tuy nhiên, toàn bộ tập phim bị chê là… tối mò, khiến người xem chẳng thể nhìn thấy các chi tiết trên phim. Tiếp theo, nội dung của The Long Night cũng có nhiều điểm ngớ ngẩn như một loạt chiến binh xông lên dù chưa thấy kẻ thù ở đâu, để rồi bị tàn sát toàn bộ, hay cô bé Arya Stark tiêu diệt trùm ác nhân Night King vô cùng dễ dàng, trong khi nhân vật Jon Snow được xây dựng là kình địch của Night King lại chẳng thấy đâu.
Bất chấp nhiều chỉ trích của fan, nhưng The Long Night mới đây vẫn được vinh danh đầy ấn tượng tại Emmy - lễ trao giải danh giá nhất đối với các bộ phim truyền hình. Cụ thể, trong lễ trao giải Creative Arts vừa diễn ra, tập phim này đã “giắt túi” 5 giải gồm phối âm (sound mixing), hòa âm (sound editing), nhạc phim (musical score), đóng thế (stunt performance) và hiệu ứng kĩ xảo xuất sắc nhất.
Đây đều là những chiến thắng xứng đáng do về những khía cạnh kĩ thuật, The Long Night được nhào nặn vô cùng hoàn hảo. Đặc biệt, bản nhạc nền The Night King do nhà soạn nhạc Ramin Djawadi sáng tác đã được rất nhiều khán giả mê mẩn. Phát biểu về chiến thắng này, Matthew Waters - trưởng đội ngũ phối âm của Game of Thrones cho biết: “The Long Night là thử thách rất lớn, do cả tập phim là một đại cảnh, hơn nữa nó là đại cảnh lớn nhất mà series này từng có. Rất khó để duy trì nhịp điệu gay cấn trong suốt gần 90 phút”.
Bên cạnh 5 giải đạt được nhờ The Long Night, Game of Thrones season 8 cũng thắng thêm 5 giải Emmy Creative Arts nữa gồm các hạng mục Trang Phục, Hóa Trang, Diễn viên quần chúng, Biên tập và Đoạn giới thiệu mở đầu xuất sắc nhất. Với 10 tượng vàng, Game of Thrones đã trở thành series thắng lớn nhất đêm trao giải. Một series khác của HBO là Chernobyl cũng xuất sắc về đích thứ nhì với 7 tượng vàng.
Lễ trao giải Creative Arts là “một nửa” của giải Emmy thường niên, tập trung vào những hạng mục phụ liên quan đến kỹ thuật, dựng phim, chỉ đạo nghệ thuật… Đêm trao giải chính thức (Primetime Emmy Awards) sẽ diễn ra vào cuối tuần này (sáng thứ Hai tuần sau theo giờ Việt Nam) và trao những giải chính về diễn xuất, kịch bản, đạo diễn và chương trình truyền hình xuất sắc nhất.
Bất chấp sự chê bai của người hâm mộ, Game of Thrones season 8 đã xuất sắc giành tới 32 đề cử tại kỳ Emmy năm nay, nâng tổng số đề cử của toàn series lên con số kỷ lục 137. Và với chiến thắng sớm tại Emmy Creative Arts, bộ phim sử thi kỳ ảo này đang giữ ghế đầu trong cuộc đua hướng tới giải Primetime Emmy sắp tới. Có vẻ như dù bị người hâm mộ la ó về nội dung, nhưng những giám khảo cầm trịch ngành truyền hình vẫn rất ưu ái Game of Thrones - series không ngừng gây bão màn ảnh nhỏ suốt nhiều năm qua.