Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Review 'The Lion King': CGI mãn nhãn, là phiên bản live-action bám sát nguyên tác nhất của Disney từ trước đến nay

The Lion King là phiên bản live-action được chuyển thể dựa trên bộ phim hoạt hình cùng tên ra mắt năm 1994- tuyệt phẩm đã trở thành một phần tuổi thơ của biết bao thế hệ 9x.

Bộ phim hoạt hình thành công nhất mọi thời đại của Disney không chỉ là một cuộc hành trình thú vị tràn đầy tiếng nhạc mà còn là một câu chuyện mang đậm tính nhân văn với nhiều bài học ý nghĩa. Phiên bản năm 2019 tuy không lột tả được hoàn toàn sự nhiệm màu của bản gốc nhưng dù sao cũng đã tiến đến rất gần tiêu chuẩn hoàn hảo. Một điểm sáng không thể không nhắc tới của The Lion King chính là phần hiệu ứng hình ảnh hết sức mãn nhãn, ảo diệu đến mê hoặc lòng người. Khán giả nói chung và thế hệ trẻ em ngày nay nói riêng chắc chắn sẽ vô cùng ấn tượng với phiên bản live-action sở hữu kỹ xảo CGI bậc thầy của đạo diễn Jon Favreau.

Cốt truyện của bộ phim tương đối bám sát với bản gốc năm 1994. Lấy bối cảnh trên vùng xavan hoang dã của Châu Phi, vị vua sư tử đáng kính và quyền lực nhất vương quốc- Mufasa (James Earl Jones)- tự hào thông báo với muông thú về sự ra đời của đứa con trai đầu lòng Simba (JD McCrary). Tuy nhiên, không phải ai cũng hạnh phúc về sự ra đời của Simba, và một trong số đó chính là người anh trai xảo trá của Mufasa - Scar (Chiwetel Ejiofor) - kẻ đã bị tước quyền thừa kế từ lâu. Lợi dụng bản tính ưa tò mò của Simba, Scar lừa cậu vào tròng, thao túng tâm lý khiến cậu nghĩ rằng mình chính là nguyên nhân cho sự qua đời của vua cha.

Simba trách cứ bản thân, rời bỏ quê nhà rồi may mắn gặp gỡ những người bạn đồng hành mới. Về phần Scar, hắn tranh thủ liên kết với băng đảng linh cẩu và một bước chiếm lấy cơ đồ của em trai. Câu chuyện dõi theo Simba đến khi trưởng thành và quay về vạch trần sự thật với sự giúp đỡ của mẹ ruột (Alfre Woodard) và người bạn thời thơ ấu Nala (Beyoncé).

Tuy không tới mức chính xác tới từng cảnh quay, nhưng sự tương đồng đáng kinh ngạc trong The Lion King của đạo diễn Jon Favreau so với tác phẩm kinh điển năm 1994 đã làm nổi bật một bài học đối với tất cả phiên bản làm lại của Disney trong tương lai. The Lion King có thời lượng kéo dài hơn nửa tiếng so với bản gốc. Đạo diễn Jon Favreau và biên kịch Jeff Nathanson vẫn giữ nguyên những thước phim kinh điển, ví dụ như cảnh giới thiệu đỉnh Pride Rock, cảnh Simba lần đầu gặp gỡ hai người bạn chí cốt Timon và Pumbaa,… được các nhà làm phim ra sức đầu tư chăm chút kỹ lưỡng đến từng ngóc ngách. Có thể nói Disney đã nỗ lực rất nhiều trong việc bảo vệ thanh danh lừng lẫy đó giờ của siêu phẩm gốc.

Dự án live-action này được Disney ưu ái đầu tư CGI khá mạnh nên màu sắc và chuyển động của những nhân vật trong phim cũng trở nên vô cùng sống động và chân thực, chính vì thế mà những pha chạm trán giữa các loài vật phần nào trở nguy hiểm và bạo lực hơn. Ví dụ như trận chiến đỉnh điểm giữa sư tử và linh cẩu được khắc họa theo phong cách đậm chất hoang dã, khá “man rợ” so với bản gốc nhưng đương nhiên là không máu me (để phù hợp với dãn PG của bộ phim). Một điểm cộng nữa dành cho Disney vì đã không “tô hồng” mọi thứ. Hơn nữa, mặc dù CGI “lồng lộn” nhưng The Lion King vẫn đảm bảo được phần kịch bản chất lượng, hài hòa với yếu tố nhạc kịch của bộ phim.

Bên cạnh đó, phản hồi từ giới phê bình dường như được chia thành hai luồng ý kiến. Một bên bị “thổi bay” bởi những hình ảnh hùng vĩ, hoành tráng đáng kinh ngạc, bên còn lại thì than phiền vì thấy bộ phim của Jon Favreau thất bại trong việc đẩy đưa câu chuyện gốc theo những hướng mới hơn, thử thách hơn.

Trong khi James Earl Jones đem đến sự uy nghi và phong thái vương giả của một bậc đế vương cho Mufasa, thì màn góp giọng xuất sắc đến từ Donald Glover và Beyoncé đã góp phần không nhỏ trong việc tạo nên cái chất riêng của bộ phim. Đồng thời, màn thể hiện tếu táo của dàn diễn viên phụ John Oliver, Seth Rogen và Billy Eichner dễ dàng đưa khán giả qua các tràng cười liên tiếp. Có thể nói tất cả các nhân vật từ Simba, Mufasa, Nala, Zazu, Timon, Pumbaa,… đều giữ nguyên sự đáng mến không thua kém gì bản hoạt hình.

Nhà soạn nhạc tài năng Hans Zimmer một lần nữa trở lại với The Lion King, cùng với phiên bản mới của “Can You Feel the Love Tonight” và “Hakuna Matata” từng được sáng tác bởi Elton John và Tim Rice, những khán giả đã quá quen với hai bài hát này sẽ lại có cơ hội được “phiêu” trong những ký ức tuổi thơ một lần nữa. Đồng thời, phần giai điệu vui tươi cũng sẽ góp phần làm dịu đi phần nào khía cạnh đau buồn và nặng nề của bộ phim. Ngoài ra, Beyoncé, Elton John và Tim Rice còn đóng góp thêm hai bài hát là “Spirit” và “Never Too Late”. Cả hai bài này đều được phát ở phần credit nên nhìn chung không ảnh hưởng mấy đến phần nhạc nền chủ đạo.


The Lion King lần này được đông đảo người yêu điện ảnh dự đoán sẽ khuynh đảo phòng vé, và xô đổ hàng loạt các kỷ lục không thua kém gì đàn anh đàn chị đi trước. Dựa vào những phản hồi khá tích cực từ giới chuyên môn trong những ngày gần đây, bản live-action của Jon Favreau sẽ dễ dàng chiếm được trái tim người xem nói chung và chinh phục được cả những fan khó tính nhất nói riêng.

Bộ phim đang được công chiếu tại các cụm rạp trên toàn quốc từ 19/07/2019.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Anh Anh

Được quan tâm

Tin mới nhất