Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

'The Invisible Man' và sự mong manh của mô hình vũ trụ điện ảnh

Xây dựng nhân vật người vô hình trong một bộ phim độc lập, gọn gàng có vẻ như là một quyết định sáng suốt của Universal.

Bộ phim The Invisible Man, biến tấu từ nguyên liệu kinh dị cổ điển cài cắm thông điệp #MeToo mới đây đã có màn ra mắt trọn vẹn tại rạp với 90% “tươi” chứng nhận trên Rotten Tomatoes và hơn 30 triệu USD doanh thu mở màn. Thắng lợi này là nhờ khả năng “biết mình biết ta”, xây dựng một phim giật gân từ kinh phí nhỏ xinh 7 triệu đô la đúng bài của Blumhouse, thay vì gõ mõ khua chiêng rầm rộ quảng bá kiểu bom tấn.

Bộ phim là phiên bản khoa học giả tưởng, làm mới lại từ cốt truyện gốc trong đó nhân vật Ceicilia là nạn nhân của một người chồng vũ phu, thao túng độc hại, đồng thời cũng là một nhà khoa học thiên tài. Cô cố gắng chạy trốn trước khi phát hiện ra anh ta đã tìm ra cách biến thành người vô hình, tiếp tục săn đuổi và khủng bố người vợ tội nghiệp.

Thành công của The Invisible Man đã một lần nữa dấy lên hy vọng hồi sinh những đồng đội quái vật. Thế là dàn quái cũ kỹ của Universal tưởng như đã nằm chết ngắc sau bom xịt The Mummy nay lại rục rịch ngóc đầu trở lại.

Có vẻ như nhà sản xuất đã nắm được công thức làm ăn sau khi rút kinh nghiệm xương máu: những Frankenstein hay Wolfman có thể trở lại bằng các phiên bản kinh phí thấp, cốt truyện riêng như kiểu The Invisible Man. Kế hoạch phát triển Dark Universe ăn theo vũ trụ điện ảnh Marvel có lẽ đã chính thức xếp xó.

Sự đối lập giữa The Mummy và The Invisible Man cũng đã phần nào nói lên cái khó của việc chạy theo mô hình vũ trụ điện ảnh. DC, Sony, Universal đều bị cuốn vào trò chơi mà Marvel khởi xướng. Trong khi họ không có đủ thời gian để chuẩn bị cho nội dung, các phim ăn theo kiểu vũ trụ điện ảnh thường cố nhồi nhét các “trứng phục sinh” không liên quan, nhằm hé lộ cho phần phim tiếp theo. Kết quả là cốt truyện trở thành thứ yếu.

Giới hạn sáng tạo của một câu chuyện liên kết không phải là thứ dễ dàng để giải quyết. Một trong những nhược điểm lớn nhất của các phim Marvel nằm ở chỗ phim sau thường đạp lên thành quả của phim trước. Thor: Ragnarok trở nên lạc quẻ khỏi phần lớn các phim còn lại thuộc MCU là bởi tầm nhìn sáng tạo của Taika Waititi. Đã từng có một Thor rất độc đáo như thế trước khi nhân vật này bị cào bằng khi trở lại với Avengers: Infinity War.

Chúng ta không cần quái vật học đòi theo trò làm siêu anh hùng, khi mà màn ảnh đã nhan nhản những kẻ đeo mặt nạ mà không đeo khẩu trang tưởng thế là ngầu. Ý tưởng tập hợp những con quái già nua của Universal trở thành anh hùng chống lại một kẻ thù chung nghe chẳng có gì thuyết phục. Hãy để chúng trở thành chính diện, phản diện, phản anh hùng hoặc bất cứ thứ gì khiến chúng thành ngôi sao trong câu chuyện của riêng mình, mà không phải chia sẻ một tông giọng chung trong đội nhóm.

Warner Bros. đã chứng minh điều này có thể dẫn đến thành công vang dội thế nào. Sau khi “đú trend” rồi ngã đau với Justice League, ông lớn này đã quyết định thả rông các nhân vật của mình. Joker đã trở thành phim mác R có doanh thu cao nhất mọi thời đại, càn quét các giải thưởng điện ảnh. Trong khi đó, The Rise of Skywalker - vắt sữa thương hiệu Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao - thì héo hon vì không ai buồn để ý.

Sẽ thật thú vị chứng kiến Universal tiếp tục làm gì với đám quái vật trong tay họ. Sau The Invisible Man, bộ phim tiếp theo dự kiến sẽ ra rạp là Dark Army do Paul Feig (Ghostbusters) đạo diễn. Tiếp đó là phim riêng về phụ tá của Dracula tên Renfield, rồi Frankenstein hay The Invisible Woman (vâng, bạn không nghe nhầm đâu).

Không có gì đảm bảo cho tất cả hoặc ít nhất một phim trong số này sẽ đạt được thành công tương tự như The Invisible Man. Tuy nhiên bài học về việc xây dựng vũ trụ điện ảnh có lẽ đã được rút ra một cách nghiêm túc. Người xem hẳn sẽ tiết kiệm được công sức đỡ phải ngồi lại xem after-credit để biết liệu cái phim mệt mỏi họ vừa xem có cái gì trong phần hai.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Ngọc King.

Được quan tâm

Tin mới nhất