Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

'The End of the Fucking World 2' - Sự trưởng thành kỳ quặc

Hành trình điên rồ của James và Alyssa đã trở lại, vừa dữ dội mà dịu êm vừa hài hước lẫn kinh dị. Hai đứa trẻ nổi loạn giờ đã trưởng thành để đi đến cái đích cuộc đời.

The End of the Fucking World (Hành Trình Chết Tiệt) là series hài kịch đen nổi tiếng do Netflix sản xuất vào năm 2017. Sự tưng tửng, lạ đời cùng quái dị của phim đã khiến khán giả “phải sốc”, ấn tượng với hai dân chơi tuổi còn teen đưa nhau đi trốn. Sau hai năm, mùa thứ hai của loạt phim đình đám này đã quay về “ám ảnh” giới mọt phim lần nữa khi để cặp đôi dở hơi James và Alyssa lên đường, đào tẩu khỏi thế gian lắm sự nhuyễn nhương này.

Câu chuyện được kể tiếp nối phần một sau khi James bị trúng đạn và Alyssa gào khóc trong đau đớn. Họ trở lại với cuộc sống nhàm chán, tẻ nhạt mà cuộc đời vốn vậy, Alyssa cùng mẹ chuyển đến nơi khác, làm phục vụ trong quán cà phê ven đường của người dì. Cô đã quen người mới, yêu đương, hẹn hò và kết hôn.

Còn James, cậu đã thoát khỏi lưỡi hái Tử thần, bị trọng thương ở phần hông, được tha tội rồi cùng bố điều trị bệnh tật, hòa nhập với cuộc sống mới. Hai đứa trẻ dần học cách chịu đựng, chấp nhận không còn là của nhau, cách biệt, cô đơn và day dứt về cái xác chết chảy đầy máu nơi căn nhà gỗ.

Thời gian cứ vô tình trôi đi, cho đến ngày Alyssa trở thành cô dâu, bước vào lễ đường kết hôn với người ta. Lúc đó, James đã ôm theo bình tro cốt của bố cậu và đến tìm gặp Alyssa. Người cũ gặp lại, tình cảm khi xưa tưởng đã nguội lạnh nay chợt cháy lên âm ỉ, thiêu đốt con tim lẫn lý trí dại khờ của người trẻ. Alyssa mặc áo cưới và bỏ trốn cùng James, hành trình chết tiệt lại khởi động nhưng lần này có thêm một người thứ ba, đó là Bonnie, chị gái có nụ cười quỷ dị. Chuyến phiêu lưu của Alyssa và James rồi sẽ đi đến đâu? Đích đến cuối cùng sẽ là hạnh phúc hay khổ đau?

Khác với mùa thứ nhất, The End of the Fucking World phần mới lại ít điên và không còn nhiều chất hài độc lạ nữa mà thay vào đó là sự căng thẳng, u ám đầy kinh dị đến từ suy nghĩ, tâm lý phức tạp của mỗi nhân vật. Cặp đôi chính giờ đây đã khác, hai người đã đi qua đau thương, mất mát để từng trải, biết cách chấp nhận sự đời. Suy nghĩ, hành động của James, của Alyssa đã chín chắn; chúng không còn là những đứa trẻ ngây ngô, khờ dại đi theo bản năng để làm nên điều khác biệt nữa. Chúng muốn được yêu, được an yên và hạnh phúc.

Nhưng cuộc sống an toàn, vốn đã an bài liệu có hạnh phúc? Khi Alyssa chỉ là một cái xác vô hồn và James thì sống không mục đích, không dám đối diện với hiện thực phũ phàng, nhìn những người mình yêu thương dần biến mất. Cô gái mặc váy cưới, chàng trai bận vest cầm bình tro cốt ngồi trong chiếc xe màu đỏ rong ruổi trên con đường hoang vắng, lạnh lẽo đó đã tìm thấy chính mình, giải thoát cho bản thân khỏi những đau đớn, dằn vặt để tìm thấy nhau giữa những điều không bình thường từ cuộc sống.

Ánh mắt trống rỗng của nữ chính hay gương mặt như chực khóc của nam chính khiến nỗi buồn trong phim cứ chảy dài miên man để đến khi họ tự tìm cách đánh bại con quái vật đang cư ngụ trong sâu thẳm tâm hồn thì ánh sáng chợt bừng lên ấm áp trong từng khung hình, để cái kết sẽ mở những hy vọng, niềm tin mới nơi họ được yêu thương và tự do sống theo cách mà mình đã lựa chọn. Bối cảnh trong phim như miêu tả cảm xúc, tâm trạng của mỗi nhân vật.

Những màu sắc, thước phim nghệ thuật gây hiệu ứng thị giác đầy xúc cảm, khán giả như cảm nhận được nỗi buồn man mác, niềm vui bất chợt hay sự sợ hãi, hoang mang rất con người. Hòa quyện trong đó là chất nhạc cổ điển, du dương, ma mị lôi cuốn mọi người bước vào chuyến đi huyền bí, lẩn khuất những bóng ma, xác chết dính đầy máu rùng rợn mà thê lương.

Cốt truyện phim tuy có phần đơn giản nhưng tình tiết khác lạ, lời thoại “cực chất” cùng phong cách xây dựng nhân vật lại độc đáo, lạ lùng và đầy ngẫu hứng. Không ai biết nhân vật sẽ làm gì tiếp theo, họ sẽ sống hay chết, họ sẽ vượt qua hay chìm dần trong màn đêm u tối; điều đó làm nên sự thú vị đầy tính bất ngờ của The End of the Fucking World 2. Một tác phẩm giàu tính nhân văn, lấy sự bi quan, chán nản để khởi nguồn cho niềm tin, hy vọng. Khi con người bị cái xã hội khuôn mẫu, nguyên tắc dồn ép đến tận cùng mà gặp gỡ “chiến hữu”, kẻ cùng cảnh ngộ để được chia sẻ, thấu hiểu chúng ta sẽ có sức mạnh để sống tiếp, tồn tại và mong ước về những điều tốt đẹp. Như Alyssa đã có James trong đời.

Jessica Barden vai Alyssa và Alex Lawther vai James đã tạo nên cặp đôi dị biệt, độc lạ ở xứ sương mù. Hai diễn trẻ đã lột tả hoàn hảo cái gai góc, ngây dại và điên loạn của những người trẻ đang vật vã trưởng thành, hòa nhập với xã hội. Đôi mắt, cử chỉ, biểu hiện gương mặt của Jessica Barden và Alex Lawther đều chứa đựng những diễn biến cảm xúc đầy sống động, tự nhiên mà chân thực để hóa thân thành công cô gái Alyssa không sợ chết và chàng trai James không sợ đau. Một bộ đôi đáng yêu và đáng thương.

Bên cạnh đó là sự xuất hiện nhân vật mới là Bonnie do Naomi Ackie thủ vai, cô nàng bí ẩn và nguy hiểm, sát hại tất cả những ai có liên quan đến cái chết của bạn trai. Bonnie được giới thiệu là điểm chính, tạo sức hút, phát triển tình tiết phim lên phần cao trào nhưng đáng tiếc cô gái này lại không tỏa sáng, gây thất vọng vì cách thể hiện nhân vật thiếu chiều sâu. Hành động giết người chỉ vì mê muội, điên cuồng vì tình được cho là khá ấu trĩ và suy nghĩ, hành động của cô được xây dựng hời hợt, như kiểu cho có để thêm vào cho phần hai thêm kịch tích, có chút trinh thám hình sự.

The End of the Fucking World 2 là một tác phẩm hay, hài hước mang tính châm biếm sâu cay, lãng mạn mà thiết thực. Phim cho ta nhìn thấu sự đáng sợ của nỗi cơ đơn và khao khát kiếm tìm một người bạn lạ lùng như James hay Alyssa để biết là mình đang sống, đang tồn tại.

Trailer “The End of the Fucking World 2”

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Vô Diện

Được quan tâm

Tin mới nhất