Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

‘The Ballad of Buster Scruggs’ và những huyền thoại Miền Tây đẫm máu

Bộ phim "The Ballad of Buster Scruggs" làm theo hình thức hợp tuyển, gồm sáu câu chuyện về con người và cách họ cố gắng tồn tại trong trò chơi khăm của cuộc đời.

The Ballad of Buster Scruggs là tác phẩm mới nhất của Ethan Coen Joel Coen - Hai anh em đạo diễn đạt đến tầm tác gia của điện ảnh đương đại. Họ nổi bật với những kịch bản bạo lực và kỳ quặc, khai thác những mặt tối của con người, đồng thời khơi gợi suy tư triết học ở những lớp nghĩa sâu hơn. Họ cũng thích chơi đùa với các thể loại phim, mà đỉnh cao là ở bộ phim từng đoạt Oscar - No Country for Old Men (2007) - phá vỡ khuôn mẫu của phim noir và phim Miền Tây để nhào trộn thành một thể kết hợp độc đáo.

Anh em Coen có nhiều tác phẩm mang bóng dáng Miền Tây, nhưng nếu chặt chẽ về thể loại thì sau khi “chân nọ chân kia” ở No Country for Old Men, họ mới bước cả hai chân vào dòng phim này với True Grit (2010). Song nếu phim trên thuộc loại Miền Tây cách tân (Revisionist Western); thì The Ballad of Buster Scruggs lại nghiêng về truyền thống, lục tìm và tái dựng một hình ảnh “The Old West” từng xuất hiện trên các ấn phẩm và màn bạc thời kỳ đầu.

Hồi sinh “The Old West” huyền thoại

The Old West - Miền Tây Hoa Kỳ vào nửa sau thế kỷ mười chín, giữa hai lần mở/đóng chính sách miễn phí đất đai của chính phủ - tuy chỉ tồn tại trong một quãng thời gian ngắn ngủi ngoài đời thực nhưng đã được lãng mạn hóa và trở nên bất tử nhờ tiểu thuyết, truyện tranh và phim ảnh. Đã hơn trăm năm trôi qua, các thế hệ con người tiếp theo trên khắp thế giới vẫn luôn say mê với những câu chuyện xa xưa về những chàng cao bồi cự phách chỉ tuân theo luật lệ của chính mình. Phim, truyện theo thể loại Miền Tây - song hành với những thay đổi không ngừng của xã hội - đã nhiều lần cải tiến, làm mới để phù hợp với quan điểm của khán giả mỗi thời đại (về bình đẳng sắc tộc, giới tính…). Bản thân anh em Coen cũng không nằm ngoài xu thế trên, khi True Grit của họ cũng phá vỡ khuôn mẫu về xây dựng nhân vật khi đẩy một cô gái tuổi teen tháo vát lên làm nhân vật chính.

Tuy nhiên, điều tương tự sẽ không diễn ra với The Ballad of Buster Scruggs lần này. Có thể coi bộ phim là sự tưởng niệm dành cho những tác phẩm Miền Tây đã lỗi thời và bị bỏ quên trong quá trình phát triển của thể loại. Bởi vậy, nó sẽ mang đến cho người xem sự vui thích khi làm sống lại cả dòng phim ca nhạc Miền Tây đã từ lâu biến mất trên màn ảnh; song đối với một bộ phận khán giả, nó có khả năng gây khó chịu trước những khuôn mẫu cổ hủ về phụ nữ và người da đỏ bản địa.

Ngoài những bộ phim cũ, theo tìm hiểu của nhà phê bình Matthew Dessem trên trang Slate, nguồn cảm hứng của anh em Coen có thể truy về tận những câu chuyện phiêu lưu được xuất bản trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Ông chỉ ra hai trong số sáu phần phim được chuyển thể từ các truyện viết năm 1904 (All Gold Canyon của Jack London) và 1901 (The Gal Who Got Rattled của Stewart Edward White).

Tuy truyện của White đã được anh em Coen viết lại gần như hoàn toàn, nhưng nó vẫn nghiêng về phản ánh góc nhìn đầu thế kỷ 20 hơn là hiện nay (khắc hoạ người da đỏ dã man, bạo lực; người phụ nữ thụ động, yếu đuối…). Góc nhìn này cũng được sử dụng trong cả bốn truyện còn lại do Coen tự sáng tác. Coen từng nói rằng những bộ phim của họ không phải hồi tưởng mà là tưởng tượng - một tuyên bố khôn khéo để không bị đánh giá về mặt chính trị. Bởi vậy, khi tôi nói rằng họ hồi sinh The Old West, đó không phải là một địa điểm/thời gian thực sự mà là một hình ảnh được vẽ ra bởi các nhà văn/nhà làm phim. Có lẽ để làm rõ ý này hơn, anh em Coen đã tạo ra một quyển sách giả tưởng cho phim. Sách xuất bản từ tít năm 1873, lấy tên The Ballad of Buster Scruggs and Other Tales of the American Frontier (Khúc Ballad của Buster Scruggs và Những truyện khác về Miền Tây Hoa Kỳ).

Sử dụng cuốn sách để mở đầu và phân chia các đoạn phim là cách làm có phần cũ kỹ (mà Disney đã dùng nhiều đến nhàm chán), nhưng sự đẹp đẽ của cuốn sách (được quay gần đến mức ta thấy những vết sờn của giấy và ngửi được mùi thơm thời gian) kết hợp với bàn tay già nua của người lật mở tạo ra một không khí vô cùng hoài niệm. Và cứ thế, cuốn sách dẫn ta vào thế giới huyền thoại của The Old West ta đã từng say mê: những tay thiện xạ bách phát bách trúng, những màn đấu súng một mất một còn, những vụ treo cổ đầy căng thẳng và hồi hộp, những cuộc tấn công kinh hoàng của người da đỏ, những luật lệ phân chia anh hùng và hèn nhát…

Tuy nhiên, Coen vẫn là Coen. Chúng ta không thể chắc chắn nhân vật ta yêu thích sẽ có “kết thúc có hậu” như trong những câu chuyện truyền thống; nhưng cũng không thể chắc chắn điều ngược lại. Anh em Coen là những kẻ thích chơi khăm - với các nhân vật và với khán giả của mình.

Bản chất của con người và cuộc đời

Từ những hình ảnh đầu tiên đã có thể nhận ra chủ đề của bộ phim: Cái cây khô, sọ trâu, nghĩa trang… tất cả đều đại diện cho cái chết. Tất nhiên, phim Miền Tây thì kiểu gì cũng có người chết, nhưng cái chết đối với anh em Coen không đơn giản là một trạng thái mang tính vật chất. Nó mang những giá trị về tâm linh và triết học, mà việc nghiền ngẫm về cái chết giúp họ phần nào giải nghĩa bản chất của con người và cuộc đời.

Anh em Coen dễ bị cho là “Misanthrope” (Kẻ ghét con người) vì thường khắc họa bản tính con người với sự tiêu cực, nhưng họ đã ngay lập tức thanh minh từ đầu phim: “Ghét con người ư? Tôi không ghét đồng loại của mình, dù rằng anh ta có phiền hà, hay cáu bẳn và cố gian lận khi chơi poker. Tôi nhận ra rằng đó chỉ là bản chất con người; ai mà lấy điều đó làm lý do giận dữ hay buồn bực thì đúng là kẻ ngốc khi mong đợi thứ tốt hơn.” Đây là câu nói của Buster Scruggs (Tim Blake Nelson) - vai diễn anh em Coen “chọn mặt gửi vàng” từ 15 năm trước ngày bấm máy, có lẽ cũng chính là “người phát ngôn” của họ trong phim.

Phim mở đầu với Buster Scruggs - một tay thiện xạ vui tính và lịch sự. Lệnh truy nã ghi biệt danh anh là “Kẻ ghét con người” nhưng anh thích được gọi là “Chú chim biết hót vùng San Saba” hơn. Diện một cây trắng từ đầu đến chân, anh trở nên “lạc quẻ” cả về nghĩa đen và nghĩa bóng ở Miền Tây - Nơi thiên hạ toàn vận đồ đen, và tất nhiên, đều xấu tính. Buster Scruggs thích đàn hát và chơi bài poker hơn là bắn súng, nhưng đám người quanh anh không cho anh làm điều đó. Đi đến đâu anh cũng bị chào đón bằng bạo lực, và anh phải dùng bạo lực đáp trả.

Phần The Ballad of Buster Scruggs được làm theo thể loại phim ca nhạc, nên tuy bạo lực và máu me nhất của phim nhưng lại mang không khí nhẹ nhàng và vui nhộn. Các nhân vật được khắc họa như bước ra từ phim hoạt hình với những hành động cường điệu, ngộ nghĩnh. Cái chết ở đây được coi như một trò đùa, và cuộc đời thì như một trò chơi mà người mạnh hơn sẽ “chơi tiếp” thay cho kẻ yếu hơn.

Chuyển sang phần thứ hai - Near Algodones, người hâm mộ của đạo diễn Sergio Leone sẽ nhận ra điểm tương đồng về hình ảnh với di sản của ông. Nhất là chuyện cái giá treo cổ. Miền Tây xưa chỉ có duy nhất một hình phạt cho tất cả các loại tội phạm: Treo cổ. Họ không đủ thời gian cho vấn đề thượng tôn pháp luật hay đạo đức. Nhưng đôi khi đến một hình phạt nhanh gọn như vậy cũng không đủ thời gian. (Như Buster Scruggs đã nói trong phần trên, mọi thứ diễn biến rất nhanh ở Miền Tây). Chuyện một tên tội phạm vụng về (James Franco) bị đưa lên giá treo cổ và chờ đợi sự may - rủi của số phận thành ra rất tức cười, thể hiện vũ trụ hoạt động theo một cách con người không thể nào lường được.

Truyện thứ ba - Meal Ticket - không còn xoay quanh một nhân vật đơn độc nữa mà cho ta bộ đôi nhân vật chính: Người chủ rạp hát di động (Liam Neeson) và người nghệ sĩ duy nhất của anh ta (Harry Melling). Họ sống cộng sinh với nhau. Người nghệ sĩ yếu ớt cần sự chăm sóc của người chủ, và người chủ cần kiếm ăn bằng tài kể chuyện của người nghệ sĩ. Mỗi buổi trình diễn, người nghệ sĩ luôn bắt đầu bằng thơ Ozymandias và kết thúc bằng diễn văn Gettysburg của Tổng thống Lincoln, nói cách khác, cố gắng hướng khán giả tới nghệ thuật và tri thức. Điều đặc biệt của phần phim này là nó được thực hiện như một màn trình diễn ngôn từ thực sự, khi hội thoại được tối giản để hầu như chỉ còn những câu trích dẫn của người nghệ sĩ là lời nói duy nhất. Ban đầu rạp cũng có một đám đông nho nhỏ, nhưng thưa thớt dần, rồi không còn một ai vì họ chuyển sang xem một loại hình giải trí nhảm nhí nhưng vui nhộn hơn, khiến cuộc sống người nghệ sĩ và ông chủ lao dốc. Đây có thể coi là phần bình phẩm mà anh em Coen dành cho khán giả hiện đại.

Phần tiếp theo - All Gold Canyon - là câu chuyện về giấc mơ Mỹ, kể về một ông già làm nghề dò vàng. Miền Tây trong tinh thần nước Mỹ là vùng đất của tự do, của vàng bạc và những đàn bò, nơi cơ hội làm giàu là dành cho tất cả những ai dũng cảm và chăm chỉ. Hình ảnh đoạn này đặc biệt lung linh, thể hiện một hẻm núi xanh mướt, dòng suối róc rách và cuộc sống cân bằng của các loài động vật giữa thiên nhiên. Cho đến khi ông già (Tom Waits) đến và phá vỡ sự cân bằng đó. Nhưng không, đừng nghĩ rằng Coen sẽ đi theo “cliché” con người phá hoại thiên nhiên. Ông già tuy làm xáo trộn thiên nhiên để kiếm sống, ông vẫn cố gắng tôn trọng và giảm tối đa mức độ tổn hại mình gây ra. Con người không xấu xa với thiên nhiên và thiên nhiên cũng không căm ghét con người. Mối quan hệ thù oán chỉ có ở con người với con người mà thôi. Thiên nhiên không làm hại, cũng không giúp đỡ, nó chỉ là kẻ ngoài cuộc theo dõi nhân thế một cách dửng dưng.

Truyện thứ năm - The Gal Who Got Rattled - dõi theo hai anh em Gilbert (Jefferson Mays) và Alice (Zoe Kazan) trong đoàn người di cư tới Oregon. Gilbert là một kẻ không giỏi về kinh doanh, ôm ấp hi vọng rằng công việc của mình sẽ khởi sắc nếu một doanh nhân ở Oregon đồng ý cưới Alice làm vợ. Trên đường đi, Gilbert đột ngột lăn ra chết, bỏ lại Alice bơ vơ với món nợ 400 đô cho cậu bé giúp việc. Alice được giúp đỡ bởi người quản lý của đoàn và cả hai dần phát triển tình cảm với nhau. Đường còn dài, và không lâu sau, thử thách xuất hiện. Đây là phần phim duy nhất mà chúng ta được trải nghiệm cảm giác người-yêu-người trong thế giới lạnh lùng của Coen. Nó cũng mang đến một triết lý ấn tượng về bản chất cuộc sống, và có lẽ có chút bình luận về chính trị (Con chó của Alice tên “Tổng thống Pierce” - một người chống lại chủ nghĩa bãi nô).

Bộ phim tổng kết bằng The Mortal Remains - phần phim khá đặc biệt vì đầy tính ẩn dụ. Câu chuyện chỉ đơn giản nói về chuyến xe tới Fort Morgan của một nhóm người: Một người phụ nữ sùng đạo (Tyne Daly), một gã bẫy thú (Chelcie Ross), một tay cờ bạc người Pháp (Saul Rubinek), một người Ireland (Brendan Gleeson) và một người Anh (Jonjo O'Neill). Gã bẫy thú kể về cuộc sống phóng đãng của mình, trong đó có mối quan hệ (tình dục) của ông ta với một người phụ nữ da đỏ; khiến người phụ nữ sùng đạo khó chịu.

Từ chuyện phiếm, cả xe chuyển sang tranh cãi gay gắt về bản chất con người: Người bẫy thú cho rằng con người cũng như con chồn, ai cũng như ai (quan điểm con người là một loài động vật sống dựa vào bản năng). Người phụ nữ thuyết giảng con người có hai loại ngay thẳng và tội lỗi (quan điểm của Kinh thánh). Gã cờ bạc đi theo thuyết tương đối, cãi rằng chỉ có thể hiểu con người đến một mức độ nào đó chứ không thể hiểu hết, vân vân…

Cuối cùng họ nhận ra mình đều là những kẻ ngốc cả. Nhưng đã là con người, có ai thật sự khôn ngoan?

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Dodieuha

Được quan tâm

Tin mới nhất
iPhone 17: Công nghệ màn hình cao cấp sẽ trở thành tiêu chuẩn?