Phim Ảnh

'Tháng 5 để dành': Thức uống mộc mạc không hương liệu, hóa chất

Grassie
Chia sẻ

Bộ phim được ví như thứ thức uống nhẹ nhàng không hương liệu, khó chinh phục khán giả trẻ nhưng gây ấn tượng bằng chất mộc mạc, nhẹ nhàng và rất mực chân thực.

Tháng 5 để dành của đạo diễn trẻ Lê Hà Nguyên là bộ phim độc lập đầu tiên trong năm 2019 ra mắt công chúng. Phim được chuyển thể từ tiểu thuyết đăng mạng có tên Ranh giới của tác giả Rain8X (Hoàng Trung Hiếu) từng làm mưa làm gió trên cộng đồng mạng trước đây. Tháng 5 để dành được nhận xét là tác phẩm mộc mạc, trong trẻo và đem lại sự hoài niệm cho khán giả thế hệ 8x, đầu 9x.

“Tháng 5 để dành”: Bộ phim dễ thương, gợi hoài niệm

Chuyện phim Tháng 5 để dành theo chân Hiếu (Xuân Hùng), một bạn nam tỉnh lẻ yêu thích văn thơ nhưng có vẻ ngoài nhút nhát, rụt rè. Cậu đem lòng yêu đơn phương Mai Ngọc (Minh Trang), nàng lớp phó học tập ngoan ngoãn, nghiêm túc. Trong một lần làm chung báo tường, cả hai tình cờ nảy sinh tình cảm, tuy nhiên, mối tình tưởng chừng hồn nhiên giữa họ sớm gặp phải nhiều sóng gió vì những tò mò tuổi mới lớn và rào cản từ gia đình.

Bối cảnh phim rơi vào khoảng những năm 2000, khi các cô cậu học trò vẫn mang dáng vẻ ngây ngô, rụt rè thay vì biết nhiều thứ như thế hệ trẻ thời hiện đại. Ở Tháng 5 để dành, khán giả yêu điện ảnh không thấy những thước phim rực rỡ như Tháng năm rực rỡ hay các trường đoạn đẹp đến nao lòng như phim thanh xuân Ước hẹn mùa thu, người xem chỉ thuần túy tìm thấy nét mộc mạc, chân phương của một vùng quê Bắc Bộ gần 20 năm về trước.

Thế nên, khán giả thế hệ 8x, đầu 9x dễ dàng bắt gặp tuổi trẻ của chính mình qua những hình ảnh quen thuộc: căn phòng dán đầy ảnh Đan Trường, Cẩm Ly, chiếc đầu đọc đĩa CD, tờ báo tường với nét tô vẽ vụng về hay thậm chí là đĩa phim cấp III, cuốn truyện “đen” in khổ nhỏ… Với kinh phí sản xuất không quá lớn, ê-kíp làm phim vẫn cho thấy sự tỉ mỉ khi xây dựng một thế giới chân thực đến tột bậc, như thể dòng ký ức rõ nét thời thanh xuân của lứa học sinh cũ được tạc lại thành hình và nằm gọn trong Tháng 5 để dành. 

Khi xây dựng lại một thế giới chỉ còn trong ký ức, Tháng 5 để dành không chỉ đem đến những hình ảnh quen thuộc mà còn thành công trong việc tái hiện lại không khí. Những bài thơ tỏ tình sến súa, loạt ca khúc yêu thích của thế hệ khán giả 8x, 9x được biết đến nhờ chương trình Làn sóng xanh, sự ngại ngùng đến run người của Hiếu khi lần đầu ngỏ lời yêu cho đến bức thư đẫm nước mắt của Mai Ngọc đã tạo nên một khúc tình ca nhẹ nhàng, mộc mạc, như vang vọng lại từ tiềm thức mỗi người.

“Tháng 5 để dành”: Chân thực, mộc mạc nhưng xa rời khán giả trẻ

Bên cạnh phần hình ảnh và âm nhạc dụng công, trau chuốt, Tháng 5 để dành còn tái hiện chất nhẹ nhàng, trong trẻo của tình yêu học đường giữa hai người trẻ mang rung cảm mãnh liệt, nhưng đồng thời cũng bị chế ngự bởi sự tò mò, phát triển tâm sinh lý tuổi mới lớn cùng rào cản từ hai bên gia đình. Với góc nhìn từ một khán giả đã trưởng thành nhìn lại, những biến cố của các nhân vật không lớn. Song ở lứa tuổi học trò, đó là vô vàn sóng gió bủa vây, bởi họ vẫn còn lệ thuộc, đứng trước ngưỡng cửa tương lai chênh vênh và thậm chí còn đang loay hoay tìm bản ngã cho chính mình.

Tháng 5 để dành khơi gợi ký ức cho những ai từng trải qua thời thanh xuân ngây ngô trong những năm đầu của thập niên 2000, song lại trở nên xa lạ với các người xem trẻ tuổi. Vốn quen thuộc với thể loại tình yêu gà bông đáng yêu hài hước, khán giả trẻ dễ cảm thấy mối tình giữa Hiếu và Mai Ngọc quá sến súa, “quê mùa”: chỉ dám lén nhìn trộm nhau và giao tiếp khách sáo, làm thơ tỏ tình, trêu đùa đuổi bắt… Không những thế, thay vì sử dụng những nhân vật phụ làm điểm nhấn như Hoàng Phi (Ước hẹn mùa thu), Jun Phạm - Hoàng Yến Chibi (Cô gái đến từ hôm qua), Tháng 5 để dành lại không có nhiều chất giải trí đến vậy. Nhân vật Hoàng Sơn không những có ít đất diễn mà còn không đi theo lối chọc cười hiện đại, từ đó càng khiến bộ phim xa rời lứa học sinh ngày nay hơn.

Tác phẩm của đạo diễn trẻ tuổi Tháng 5 để dành cũng được thể hiện bởi hai gương mặt mới là Minh Trang và Xuân Hùng. Sự trẻ trung và gương mặt đậm chất điện ảnh giúp cặp diễn viên chính tỏa sáng ở mỗi khung hình, song cách thoại như trả bài, biểu cảm thiếu đa dạng và lối xây dựng hình mẫu nhân vật quá ngoan hiền đến nhàm chán khiến mối tình trở nên gượng gạo, thiếu sâu sắc.

Bước từ tiểu thuyết Ranh giới từng làm say mê bao khán giả thế hệ 8x, 9x lên màn ảnh rộng, Tháng 5 để dành như một dòng hồi ức đẹp đẽ về những rung động đầu đời trong trẻo, giúp người xem sống lại thời cắp sách đến trường và chìm đắm vào cảm xúc xưa cũ. Bộ phim được ví như thứ thức uống nhẹ nhàng không hương liệu, khó chinh phục khán giả trẻ nhưng gây ấn tượng bằng chất mộc mạc, nhẹ nhàng và rất mực chân thực.

Chia sẻ

Bài viết

Grassie

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất