Tối ngày 19/02/2019 - nhằm ngày 15 tháng Giêng năm Kỷ Hợi, mọi người vẫn quen gọi đây là ngày Rằm tháng Giêng hay Tết Nguyên Tiêu.
Giai thoại được truyền tai nhiều nhất liên quan đến một con thiên nga của thiên đình bay xuống hạ giới và bị một người thợ săn bắn chết. Ngọc Hoàng nghe tin nổi giận, sai một đội quân đến ngày Rằm tháng Giêng xuống phóng hỏa để thiêu trụi mọi thứ ở trần gian.
May thay trong số các quan ở thiên triều có một vị không đồng tình với Ngọc Hoàng, đã xuống hạ giới để bày cách cho con người thoát khỏi đại họa. Theo lời của vị quan, đúng ngày này, nhà nào cũng treo đèn lồng màu đỏ nên Ngọc Hoàng cứ nghĩ lệnh phóng hỏa đã được thi hành. Nhờ đó, người trần gian thoát nạn. Từ đó, tại Trung Quốc cứ đến ngày này, nhà nhà đều treo đèn lồng như một cách trả ơn vị ân nhân trên thiên đình.
Cũng chính vì thế, người Trung Quốc thường thích treo lồng đèn vào ngày này và còn gọi là Lễ hội lồng đèn. Theo các nhà nghiên cứu dân gian, nếu quay trở lại thời nhà Đường và hỏi một người phụ nữ bất kỳ về ngày lễ yêu thích của họ, họ sẽ không ngần ngại trả lời là Tết Nguyên Tiêu. Bởi lẽ, Hoàng đế đã cho treo lồng đèn trong suốt ba ngày, sáng khắp kinh thành lẫn nhiều con phố nhỏ. Ngày thường, phụ nữ ít được ra ngoài vào buổi tối, nhưng vào dịp Lễ hội lồng đèn, họ được thoải mái dạo khắp nơi như những người đàn ông.
Cũng vì lẽ đó, ngày Tết Nguyên Tiêu còn được xem là ngày lễ tình nhân Valentine của thời phong kiến. Trong nhiều bộ phim truyền hình, tình tiết này vẫn thường được nhắc đến như Đại minh cung từ của Châu Tấn - Triệu Văn Tuyên, Tiên kiếm kì hiệp 3 của Đường Yên cùng Hoắc Kiến Hoa, Sở Kiều truyện do Triệu Lệ Dĩnh đóng cùng Lâm Canh Tân hay Thanh Khâu hồ truyền thuyết của Trần Dao với Trương Nhược Quân.