Ở tập 5 của Tay buôn buông tay, sau khi biết được sự thật là Hạnh Lùn (Huỳnh Lập) là người đã châm xăng đốt nhà của mình, với bản tính nóng nảy vốn có, Hai Hận (Võ Đăng Khoa) lập tức trả thù cho bằng được. Kết quả sau trận ẩu đả với Hạnh Lùn, Hai Hận đã bị đàn em của Hạnh Lùn đánh gãy chân, đồng thời anh cũng suýt chút mất mạng nếu như ba ruột của anh (Lê Quốc Nam) không đỡ kịp cho anh một nhát dao.
Nhưng trong cái rủi cũng có cái may, sau trận chiến sinh tử với Hạnh Lùn, Hai Hận mới nhận lại được cha ruột của mình là ông Út Đợi. Đồng thời, bộ phim cũng kể lại chuyện tình ngang trái của bà Tư Vân và ông Út Đợi lúc còn trẻ. Ở độ tuổi bồng bột nhất thời, bà Tư Vân đã trao mình cho Út Đợi trong khi bà không biết ông đã có gia đình từ trước. Kết quả là bà phải ngậm đắng nuốt cay sinh ra Hai Hận trong sự dè bỉu của bà con lối xóm thời điểm đó. Qua câu chuyện này, Võ Đăng Khoa đã thành công khắc họa sâu sắc tình thương bao la của một người mẹ dành cho con của mình. Bà thà bị người khác chê cười là loại phụ nữ hư hỏng, có con mà không có chồng còn hơn là cướp đi cơ hội sống của một sinh linh bé nhỏ.
Nhận lại được cha ruột của mình là một chuyện đáng vui, chuyện khiến Hai Hận càng vui hơn nữa là mẹ của anh sau tất cả mọi chuyện cũng đã chấp nhận Út Xinh (Nhung Gumiho) làm con dâu. Nếu như các tập trước đó bà Tư Vân ra sức phản đối chuyện Hai Hận qua lại với Út Xinh thì bây giờ bà đã sáng tỏ mọi chuyện, mở lòng hơn với Út Xinh và chính miệng chấp thuận mối quan hệ của con trai mình. Bà coi Út Xinh như con gái ruột, đồng thời cũng coi con gái của cô như cháu gái của mình mà hết mực yêu thương.
Tập 6 “Tay buôn buông tay”.
Chuyện vui chưa được bao lâu thì em trai của Hai Hận đến thông báo tin bến phà Thuận Mỹ sẽ chính thức dẹp bỏ, thay vào đó là cây cầu mới sẽ được xây lên. Thoạt đầu, Hai Hận rất tức giận khi nghe tin này, thậm chí anh đã không kềm chế được mình mà tát em trai của anh. Nhưng sau khi suy nghĩ kỹ lưỡng, đúng thật là anh có tình yêu đặc biệt dành cho bến phà, dành cho người dân ở nơi đây, nhưng cây cầu được xây lên thì cuộc sống của người dân nơi bến phà mới được thay đổi. Không kẹt xe, lưu thông thuận tiện, cuộc sống cũng sẽ đỡ một phần vất vả.
Hai Hận đã tổ chức một cuộc họp với người dân bến phà. Giải quyết khó khăn của từng người sau khi bến phà bị phá bỏ, “miếng cơm manh áo” của người dân nơi đây sẽ được tiếp tục như thế nào. Qua đó, chúng ta còn thấy được cái tình, cái nghĩa của người dân quê. Họ sẵn lòng mở rộng vòng tay bao dung những con người khó khăn hơn họ, không câu nệ chuyện tiền nong, họ sống với nhau thứ chính vẫn là cái tình.
Bộ phim Tay buôn, buông tay? kết thúc bằng một cái kết viên mãn cho nhân vật Hai Hận. Tuy là một người nóng nảy, hay cáu gắt và không dùng lời nói để thể hiện tình cảm, nhưng sâu trong lòng anh là một chàng trai với trái tim ấm áp và luôn quan tâm, nghĩ cho người khác. Anh không ngại Út Xinh có con hoang mà một lòng theo đuổi, chăm sóc và bảo vệ cô, cuối cùng ước nguyện được lất Út Xinh làm vợ cũng thành hiện thực bằng một đám cưới đậm chất “quê”, tuy sơ sài nhưng đầy ắp tình thương của bà con lối xóm nơi bến phà.
Bên cạnh những mảng tình cảm và gia đình, Tay buôn, buông tay? vẫn không quên lồng ghép những miếng hài duyên dáng như thường lệ. Nhân vật Thắm Liệu (Gia Huy) sau một thời gian bỏ xứ ra đi cuối cùng cũng quay về và tìm được tình yêu của đời mình. Nói về phần diễn xuất, Gia Huy nhận được không ít lời khen ngợi với nhân vật Thắm Liệu.
Web drama Tay buôn, buông tay? sau 6 tập phát sóng hằng tuần cuối cùng cũng kết thúc. Diễn viên trẻ Võ Đăng Khoa nhận được rất nhiều lời khen và sự ủng hộ của khán giả đối với sản phẩm đầu tay của mình. Bằng cái tâm và tình yêu đối với bến phà, anh đã khắc họa một cách chân thật nhất có thể hình ảnh một vùng quê với những con người chân chất, bao dung, mưu sinh dựa vào nơi gọi là bến phà. Bến phà lúc bấy giờ không còn là nơi họ buôn bán, kiếm miếng ăn, mà còn là nơi họ gọi là “nhà”. Cho nên, Võ Đăng Khoa đã kết thúc phim bằng một câu thoại đầy tính nhân văn và giàu hàm ý: “Có một thứ ở nơi đây mà không có gì thay thế được, đó chính là cái tình của người dân Thuận Mỹ.”