Càng tiến sâu vào những âm mưu cung đấu nơi hậu cung Càn Long trong Diên Hi công lược, ta càng khó lí giải về nhân vật Nhàn Phi Huy Phát Na Lạp Thục Thận. Thật vậy, chưa từng có phi tử nào trong hậu cung Càn Long gần như chả mưu cầu bất kì điều gì, dù là nhỏ nhặt đến với bản thân mình.
Dừng lại ở tập trước: em trai của Nhàn Phi dính đến một vụ tham ô rất lớn trong triều đình, Hoàng đế muốn qua đại án này mà chia rẽ các phe cánh trong triều, từng bước thâu tóm quyền lực tập trung về tay - vốn vẫn chưa thực sự vững mạnh từ sau khi đăng cơ. Đệ đệ của Nhàn Phi, không may lại liên đới trực tiếp, đứng trước bản án tử hình khiến Na Lạp Phu nhân không thể khoanh tay nhìn con trai của mình chờ chết. Bà tức tốc xin vào Thừa Càn cung để diện kiến Nhàn Phi, đồng thời cầu xin con gái của mình mở lời đến Hoàng đế, mong con trai được khoan hồng. Nhưng, dù Na Lạp Phu nhân có năm lần bảy lượt van xin, từ khóc lóc, giải thích lí lẽ đến quỳ gối, tức giận mắng chửi, Nhàn Phi vẫn kiên quyết không đến thuyết phục Hoàng thượng. Bà đành thất vọng ra về.
Trong lúc gia tộc Nhàn Phi đang cảnh “dầu sôi lửa bỏng”, Thuần Phi bỗng chốc xuất hiện lúc không ai ngờ đến. Sau khi đọc được bức gia thư bị vò ném xuống đất, Thuần Phi mới biết rằng: Nhàn Phi chả phải là một con người sắt đá trước nỗi đau của gia đình mà ngược lại nàng vô cùng đau đớn. Sau một hồi lâu nói chuyện, cuối cùng động cơ và mục đích của Thuần Phi đến Thừa Càn cung đã rõ: muốn nhân cơ hội này lôi kéo Nhàn Phi về phe của mình và Hoàng hậu. Những tưởng Nhàn Phi sẽ nhanh chóng gật đầu nhưng không - nàng vẫn tiếp tục lắc đầu từ chối, cự tuyệt hoàn toàn với việc tham gia vào bất kì phe phái tranh đấu nào trong cung… Quả là một nữ nhân quá sức kì lạ!
Trở lại phía Trường Xuân cung, sáng hôm đó, Hoàng hậu sai Nguỵ Anh Lạc mang một củ nhân sâm đến Vĩnh Hoà cung để Du Quý nhân dưỡng thai. Khi đến nơi thì cửa cung khoá, vừa tính quay gót đi về thì Anh Lạc nghe tiếng gào thét thảm thương, ra chiều muốn cầu cứu. Thế là không chần chừ, nàng cung nữ của Trường Xuân cung vội vàng tông cửa, lao đến tẩm điện thì một cảnh tượng kinh hoàng diễn ra trước mắt…
Một tên tiểu thái giám đang tìm cách siết cổ Du Quý nhân, chỉ cần trễ hơn một chút thì chắc chắn tính mạng của Du Quý nhân lẫn đứa bé trong bụng sẽ bị đe dọa. Phát hiện thấy sự có mặt của Anh Lạc, tên thái giám tìm mọi cách để giết người diệt khẩu nhưng không thành, Nguỵ Anh Lạc chạy ra khỏi cung tri hô cầu cứu thì không ngờ… Cao Quý phi vừa tới. Tất nhiên, với bao thâm thù, oán hận tích tụ suốt bấy nhiêu lâu, Cao Quý phi không dễ dàng gì buông tha cho Anh Lạc. Anh Lạc nhanh trí chạy vào trong tẩm cung, chốt cửa cố thủ, đồng thời dùng khói và bếp lò tạo một đám cháy nhỏ, kinh động đến binh lính ngoài Tử Cấm Thành, khiến cho rất đông mọi người cùng tụ tập Vĩnh Hoà cung…
Trong lúc Cao Quý phi sai đám thái giám, thị vệ bên mình trói chặt lấy Ngụy Anh Lạc thì Phú Sát Phó Hằng cũng vừa đến kịp thời để cứu nguy cho nàng.
Giữa lúc Cao Quý phi đang trở nên quá quắt thì Hoàng hậu cùng cung nữ Nhĩ Tình bước vào. Khó có thể ngờ đến là Cao Quý phi trong một nốt nhạc duy nhất đã đổ vấy tất cả mọi sự cưỡng ép phá thai cũng như đánh người lên đầu Hoàng hậu. Nhưng rất may mắn, bằng sự nhanh trí và khôn khéo của mình, Nguỵ Anh Lạc đã vạch trần được tội ác tày trời của Cao Quý phi.
Sự việc đã có thể chấm hết với bước đường tranh sủng đế vương của chủ tử Trữ Tú cung nhưng chính Hoàng hậu đã ra lệnh từ nay về sau không truy vấn, điều tra nữa. Nguyên do được lí giải khá phức tạp: Hoàng hậu một mặt muốn răn đe Cao Quý phi để làm gương, một mặt muốn sự việc lắng xuống nhẹ nhàng nhất có thể… tất cả bởi vì một khi chuyện tày trời này đến tai Hoàng thượng, Du Quý nhân từ không tội trở thành có tội vì nàng đã thực hiện bái tế người tỉ muội Di tần một cách lén lút.
Từ chuyện này ta có thể thấy thêm một điểm cộng rất lớn về nhân cách của vị Hoàng hậu ngự tại Trường Xuân cung: sẵn sàng chịu thiệt về mình để phi tử của Hoàng đế được yên ổn.
Kể từ nay, chắc chắn cuộc sống của Ngụy Anh Lạc sẽ càng thêm khốn khó vì nàng đã tự biến mình thành cái gai cực kì khó chịu trong mắt thầy trò Cao Quý phi - Gia Tần. Việc chú chó được người nhà Cao thị dâng lên cho nàng có lẽ không chỉ để cho vui… Liệu trong tương lai, chú chó này sẽ được chủ nhân “mượn tay” gây họa gì cho bao các phi tần?
Thoát chết trong gang tấc tại Vĩnh Hoà cung, Anh Lạc lại ngày càng được lòng Hoàng hậu trong cung cách phục vụ. Ngay cả cung nữ Minh Ngọc vốn không ưa cô ngay từ đầu đã không còn quá khắt khe, nghiêm khắc với cô nữa. Càng lúc, Hoàng hậu thể hiện mình là vị Bồ tát từ bi thực sự, luôn mở rộng trái tim đến với những mảnh đời bất hạnh phía bên ngoài bức tường đỏ tía. Chủ trương tiết kiệm khắp Đông - Tây Lục cung cũng là một cách Phú Sát Dung Âm tạo quỹ riêng để giúp đỡ người nghèo trong kinh thành có được bát cháo trắng, tô cơm nóng ăn qua ngày… Dung Âm à, có cần phải hoàn hảo đến mức độ ấy không?
Trong lúc chủ tớ thuận miệng, Anh Lạc đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình về mối tình Đổng Ngạc Phi và Hoàng đế Thuận Trị. Trong lịch sử, đây là một cặp đôi vừa nổi tiếng, vừa gây không ít phản ứng tiêu cực từ tất cả mọi người: Đổng Ngạc Phi là phi tần của Hoàng đế Thuận Trị và là người được Hoàng đế yêu say đắm, vì yêu mà dám từ bỏ tất cả, thậm chí sẵn sàng phế vị Hoàng hậu đang tại vị không lí do để mong lập Đổng Ngạc Phi lên ngôi Hậu. Đây có thể xem là tình yêu mù quáng, bất chấp lí trí mà đạt được. Trong dân gian mà nói, đây là một cặp đôi ân ái mặn nồng đáng ngưỡng mộ - nhưng trong cung đình, hành động trên vừa không nằm trong đạo đế vương, vừa thể hiện sự yếu đuối, vô trách nhiệm của Thuận Trị đế với Đại Thanh thuở vừa lập quốc. Đang hứng chí “thao thao bất tuyệt” về câu chuyện trên thì Hoàng đế bước vào, suýt nữa thì trị tội Anh Lạc vì dám nói ra những lời đại nghịch bất đạo ấy.
Tất nhiên, với sự cầu xin của Hoàng hậu cũng như chút lanh lẹ, tinh ranh của Anh Lạc, cô đã thoát chết, thậm chí còn làm cho long nhan phải phì cười, giữ một tâm trạng vui vẻ cả ngày ấy.
Đúng là “họa vô đơn chí”, gia đình của Nhàn Phi vốn đã khốn khó nay càng sa sút hơn khi người em của Nhàn Phi trong ngục phát bệnh nặng, cần thuốc chữa. Ở ngoài cung, gia đình có tìm cách nào cũng không kiếm ra nổi số tiền để mua thuốc cho con trai thứ dù đã đi chật vật vay vài nơi. Trước tình cảnh đó, Nhàn Phi buộc phải đích thân đến Nội Vụ phủ để xin lĩnh lương bổng cho phi tần của năm sau…
Giờ đây, Nội Vụ phủ đã nằm trong tay gia tộc Cao thị của Cao Quý phi nên chắc chắn hậu cung lại thêm một phen sóng gió. Tổng quản Nội Vụ phủ tìm mọi cách gây khó dễ, để cuối cùng Nhàn Phi cùng nô tì Trân Nhi phải thất thểu đi về trong thất vọng.
Trở về Trường Xuân cung, tính đến thời điểm hiện tại, chính Phó Hằng là người khiến cho Anh Lạc hoài nghi nhất về cái chết của người chị vắng số, luôn muốn tìm cách kết liễu mạng sống của anh chàng để “một mạng đổi một mạng”. Vì chưa có bằng chứng thêm về việc, Phó Hằng có phải người hại chết Ngụy Anh Ninh hay không - nên Anh Lạc chỉ có thể “trả thù” dần dần bằng các trò chơi nho nhỏ, chỉ có mình nàng nghĩ ra được…
Và “ngón” trả thù đầu tiên chính là chiếc bóng lợn được bơm đầy nước sôi bên trong, bên ngoài được buộc vô cùng lỏng lẻo. Và kết quả như ta đã thấy: sau một lần giằng co không mấy đổ máu giữa Phú Sát Phó Hằng và Hải Lan Sát, chiếc bóng lợn đã tự bể, đổ từng dòng nước sôi đau điếng vào người của anh chàng Hải Lan Sát xui xẻo.
Không xin cấp lương bổng trước được, Nhàn Phi chỉ còn có một cách duy nhất: gom các món nữ trang ưa thích bên người lại, giao cho một tay thái giám bí mật đem ra trước cổng Thần Vũ để bán lấy tiền về chữa bệnh cho em…
Đêm hôm ấy, do đã được báo trước nên Cao Quý phi nhanh chóng bắt gặp cảnh Nhàn Phi đang tìm cách trao gói đồ cho các tên thái giám trực ở Càn Thanh cung. Một trận khẩu chiến lôi đình đã xảy ra khi các tên thái giám phản bội, đi tố cáo ngược lại Nhàn Phi hoặc khi Trân Nhi dũng cảm thừa nhận tội lỗi, bảo vệ chủ tử của mình. Trong lúc đó thì Cao Quý phi thập phần đắc chí.
Cuối cùng, Cao Quý phi hứa sẽ cho qua mọi chuyện, đồng thời còn cho phép Nhàn Phi đem nữ trang ra bên ngoài thành bán, nhưng với một điều kiện: Nhàn Phi phải về dưới trướng của nàng ta, trở thành một tay sai đắc lực của Trữ Tú cung trong cuộc chiến giành sự sủng ái. Và ngay lập tức, Nhàn Phi đã khẳng khái từ chối. Lại một lần nữa nàng nhất quyết cự tuyệt việc tham gia bè cánh trong hậu cung chứ hoàn toàn không bị xiêu lòng vì hoàn cảnh…
Rõ ràng, phải có một lí do nào đó thật đặc biệt mà hết phe của Hoàng hậu, Thuần Phi đến phe của Cao Quý phi, Gia Tần năm lần bảy lượt muốn Nhàn Phi về phe cánh của mình chứ không phải là một ai khác. Liệu Huy Phát Na Lạp Thục Thận là một con người như thế nào? Du Quý nhân có bình bình an an mà sinh hạ hoàng tử? “Thầy trò” Cao Quý phi - Gia Tần sẽ lại có thêm mưu ma chước quỷ gieo rắc nào nữa đây?