Phim Ảnh

'Táo Quân 2018': Cư dân mạng có đang quá nhạy cảm với hình tượng Bắc Đẩu?!

Phương Thảo
Chia sẻ

"Táo Quân" - món ăn tinh thần không thể thiếu mỗi dịp Tết đến, Xuân về chưa bao giờ gây ra nhiều ý kiến trái chiều đến vậy. Tuy nhiên, đây dường như là điều tất yếu mà một chương trình hài kịch đả kích phải đối mặt trước sự phát triển của công nghệ và quyền cá nhân.

Phát sóng vào đêm giao thừa, chào đón Tết Âm lịch 2018, nhưng cho đến nay, Gặp nhau cuối năm - Táo Quân 2018 vẫn gây nên làn sóng tranh cãi trong dư luận. Cụ thể, Viện iSEE (viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường)trung tâm ICS - Tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người LGBT (LGBT: cộng đồng người đồng tính, song tính, chuyển giới) - đã đăng tải thư ngỏ, bày tỏ sự bức xúc, cho rằng chương trình đưa thông tin sai lệch, xúc phạm cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới thông qua hình tượng Bắc Đẩu (Công Lý) và một số lời thoại.

Tạo hình Bắc Đẩu trong “Táo Quân 2018”.

Trước sự việc trên, không ít người xem, trong đó có người nổi tiếng như danh hài Vượng Râu, người đẹp chuyển giới Lâm Khánh Chi bày tỏ sự đồng tình với Viện iSEE và trung tâm ICS. Trong khi đó, một số người hâm mộ đứng về phía chương trình Gặp nhau cuối năm, cho rằng đây là sự nhạy cảm không cần thiết.

Đặt ra câu hỏi: Vì sao người sử dụng lời thoại mỉa mai Bắc Đẩu là Táo Xã hội?

Từ trước đến nay, Táo Quân là chương trình hài kịch, phản ánh những mặt tối ở nhiều lĩnh vực trong xã hội thông qua tiếng cười trào phúng. Dường như, cách gây cười của Gặp nhau cuối năm ngày một phóng khoáng, mạnh bạo hơn, nhưng xét cho cùng, tính đả kích vẫn được thể hiện qua từng tình huống, từng nhân vật.

Nói về việc Táo Quân bị cho là đưa thông tin sai lệch, xúc phạm cộng đồng người đồng tính, tác giả Song Hà - một trong những người viết kịch bản Táo Quân 2018 cho hay: “Bản chất Táo Quân là một vở hài kịch gây cười nên những chi tiết đó không phải để làm nặng nề vấn đề. Điều Táo Quân muốn hướng tới là những câu chuyện, vấn đề trong xã hội chứ không chỉ nhằm vào chế nhạo hay lôi những người LGBT ra làm trò cười. Nếu như cộng đồng LGBT cho rằng việc lôi hình ảnh Bắc Đẩu ra chế nhạo là xúc phạm họ thì những tác phẩm kinh điển như Chí Phèo của nhà văn Nam Cao mô tả Thị Nở xấu xí một cách thậm tệ lại là sự xúc phạm tới phụ nữ hay sao?”.

Đứng về phía Táo Quân trong sự việc này, người dùng Facebook Ngọc Hà thể hiện quan điểm: “Nhân vật chế giễu Bắc Đẩu nhiều nhất chính là Táo Xã hội, mà xã hội thì là tất cả nhưng lại chẳng là ai. Nhân vật Ngọc Hoàng thì ừm hứm chấp nhận tính dục của Bắc Đẩu, chính là cái nhìn của nhà làm luật đang từ từ gỡ từng khung pháp lý rào cản cộng đồng LGBT. Nhân vật Nam Tào lúc hùa vào trêu, lúc lại ủng hộ, là đám người không có chính kiến, gió chiều nào theo chiều ấy”.

Dù những lập luận trên là quan điểm mang tính cá nhân, nhưng xét cho cùng là hoàn toàn có cơ sở. Bởi lẽ, Táo Quân đan cài yếu tố đả kích trong từng góc cạnh, chương trình chưa, và cũng không bao giờ thôi nhạy cảm, tiêu cực. Mỗi nhân vật đều phản ánh một phần xã hội, bản thân Ngọc Hoàng - người cầm trịch nắm quyền hành, đưa quyết định - vẫn tồn tại những khuyết điểm, mặt tối, cụ thể trong Táo Quân 2018 là ham sắc, thích “khởi nghiệp”. Như vậy, không thể khẳng định chương trình sử dụng Táo Xã hội để chỉ trích, bôi nhọ cộng đồng người đồng tính, mà đây có thể là vấn nạn mà Gặp nhau cuối năm muốn khéo léo đưa ra, lên án.

Táo Xã hội là người chê bai cô Đẩu nhiều nhất.

Nếu Táo Quân kì thị người đồng tính, Bắc Đẩu khó “trèo” lên vị trí trụ cột Thiên đình

Có thể thấy, Bắc Đẩu đang ngày càng được khẳng định giới tính của mình. Cho đến trước năm 2010, nhân vật vẫn được gọi bằng “anh”, thay vì “cô Đẩu” như sau này. Ngoài ra, tạo hình, trang phục và phong cách trang điểm của Bắc Đẩu cũng được đầu tư, trau chuốt hơn. Đơn cử ở Táo Quân 2018, “cô Đẩu” thay đến ba bộ quần áo, tất cả đều cầu kỳ, đẹp mắt.

Không những thế, bản thân Ngọc Hoàng, Nam Tào và dàn táo lên chầu cũng thể hiện sự tôn trọng nhất định cho giới tính nhân vật Bắc Đẩu. Năm 2016, Ngọc Hoàng cho phép công nhân viên chức được chuyển đổi giới tính nếu muốn. Bên cạnh đó, cô Đẩu ngày càng được bộc lộ tính dục của mình, như câu thoại: “Ngày nào tôi chả khởi nghiệp với mấy thằng Thiên Lôi”.

Phân cảnh Ngọc Hoàng cho phép Bắc Đẩu chuyển đổi giới tính nếu muốn.

Mặt khác, Bắc Đẩu là một trong hai cận thần thân cận với Ngọc Hoàng, nắm giữ quyền chức trên Thiên đình. Quyền hành của Bắc Đầu được thể hiện rõ nhất ở phân cảnh cách chức Nam Tào - Bắc Đẩu cũ, cặp Nam Tào - Bắc Đẩu mới lên thay trong Táo Quân 2017. Không những thế, nếu Nam Tào có phần gần gũi dàn Táo, thì Bắc Đẩu là người thân thiết Ngọc Hoàng hơn cả, thậm chí có quyền trực tiếp can gián, tác động đến Ngọc Hoàng.

Nếu dành cái nhìn ác cảm cho cộng đồng người đồng tính, song tính, chuyển giới, có lẽ, Táo Quân không đưa một nhân vật có giới tính đặc biệt như Bắc Đẩu nắm giữ vị trí cao trên Thiên Đình. Bên cạnh đó, chương trình cũng thể hiện thái độ mở với cộng đồng LGBT khi Bắc Đẩu không những thường xuyên là người cầm trịch ở Gặp nhau cuối năm, mà còn được ăn diện, bộc lộ tính dục, cặp kè Thiên Lôi.

Một bộ phận cộng đồng LGBT đang nhạy cảm hơn?

Theo đạo diễn Khải Hưng - cha đẻ của chương trình thường niên này, sự việc xảy ra do cộng đồng LGBT đang phát triển, được quan tâm hơn: “Thực ra, Táo Quân ra đời đã 15 năm nay. Hình tượng Cô Đẩu do nghệ sĩ Công Lý hóa thân cũng được xây dựng ngay từ đầu là người có tính cách đanh đá, chua ngoa nhằm để tạo ra kịch tính trong phần báo cáo của các Táo quân. Mục đích của chương trình là để phản ánh các vấn đề xã hội dựa trên sự hài hước, vui cười. 15 năm trước đây, trong các lần phát sóng, hình tượng nhân vật đó có bị phản ứng đâu? Có thể bây giờ cộng đồng LGBT phát triển và họ được quan tâm hơn nên mới dẫn đến những chuyện như thế này”.

Bên cạnh việc đòi quyền được tôn trọng, được chấp nhận của cộng đồng LGBT là sự thông dụng mạng xã hội, đi liền với quyền bày tỏ quan điểm của cư dân mạng phát triển hơn. Đây cũng là lý do khiến sự việc ngày càng bị đẩy cao, Gặp nhau cuối năm 2018 trở thành mùa Táo Quân có nhiều thị phi nhất cả trước và sau khi phát sóng.

Có lẽ, Táo Xã hội do NSND Tự Long đảm nhận cũng khó biết rằng mũi rìu dư luận - điều nhân vật đề cập qua bài chế Thật bất ngờ trong Táo Quân 2018 - giờ đây đang hướng vào Táo Quân - đứa con tinh thần của nhà sản xuất và dàn nghệ sĩ suốt 15 năm qua.

Mặt khác, mới đây, một cá nhân khác của cộng đồng LGBT - chủ nhân fanpage Gay 18+ Confession - khẳng định ICS nói lên quan điểm chủ quan, không phải tiếng nói của cả cộng đồng LGBT và chia sẻ: “Điều cần nhớ rõ, là Bắc Đẩu chưa từng ngại ngùng, không hề mặc cảm vì bất cứ những lời dèm pha. Đó chính là một thái độ sống tích cực, phù hợp của những người dám sống thật với bản thân. Sự phản ánh qua lời thoại, chính là hiện thực cuộc sống và mình tin hiện thực còn ghê gớm hơn hàng ngàn lần những gì Táo Quân dám phản ánh. Đó là mặt trái của xã hội được phản ánh nếu chúng ta đặt một góc nhìn khách quan và toàn diện. Không có điều gì là hoàn hảo, không có điều gì là tuyệt đối xấu hay tốt. Người bao dung sẽ nhìn được điều tích cực trong hoàn cảnh tiêu cực, kẻ ích kỷ chỉ cố đặt mình lên trên hết mà thôi”.

Nguyên văn văn bản của đại diện “Gay 18+ Confession” về sự việc.

Một số bình luận của cộng đồng mạng.

Táo Quân - món ăn tinh thần không thể thiếu mỗi dịp Tết đến, Xuân về chưa bao giờ gây ra nhiều ý kiến trái chiều đến vậy. Tuy nhiên, đây dường như là điều tất yếu mà một chương trình hài kịch đả kích phải đối mặt trước sự phát triển của công nghệ và quyền cá nhân. Mặt khác, theo NSND Khả Hưng, dù chương trình 15 năm vẫn vậy, nhưng nếu “thiên hạ không thái bình”, Gặp nhau cuối năm nên có các điều chỉnh phù hợp nếu cần thiết.

Chia sẻ

Bài viết

Phương Thảo

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất