Tao không xa mày - bộ phim điện ảnh mang màu sắc đam mỹ học đường do đạo diễn Rony Hòa và Thái Minh Nhiên thực hiện vừa được ra mắt với dàn diễn viên trẻ như Anh Tú, Châu Trọng Tài, Hải Triều, Huỳnh Trường Thịnh.. cùng những tên tuổi lớn như NSUT Hữu Châu, NSUT Thanh Hoàng.
Khoảng trời ký ức của những tháng năm học trò và thứ gọi là tình bạn
Tháng chín đối với học sinh là tháng tựu trường, tháng của vở trắng tinh tươm, đồng phục thẳng thớm. Tháng chín làm người ta bồi hồi hoài niệm về quãng thời gian cắp sách đến trường, quãng thời gian trôi đi ngỡ như suối róc rách để rồi chảy tràn vào hồ kỉ niệm.
Với riêng cộng đồng LGBT, tháng chín còn là tháng mang màu tự hào, màu của cầu vồng Việt Pride. Dưới nền cầu vồng lục sắc kia chính là sự ấm áp của yêu thương, của những tình cảm mà khi gọi tên nhau, người ta bỏ qua hết thảy những rào cản.
Có lẽ cũng vì thế, bộ phim Tao không xa mày đã chọn ra mắt vào tháng chín. Trải dài xuyên suốt những cảnh phim, khán giả sẽ được đi lại những con đường học sinh ngày ấy, được khóc cười với những tấm chân tình theo nhau cả một đời.
Câu chuyện được đạo diễn kể chất chứa nhiều tâm tư, cảm xúc như những trang nhật ký một đời người. Nam, Tùng, má Hai, má Sáu,… xuất hiện trên khung cảnh làng quê sao bình dị quá đỗi. Những năm tháng Tùng và Nam san sẻ cùng nhau một tuổi thơ trong trẻo, rồi đến cái thời áo trắng nhiều hồi ức, những tháng ngày rong ruổi theo đuổi những trò chơi đồng quê được ngôn ngữ điện ảnh kể như không kể. Khi xem những thước phim này, tôi cứ ngỡ như chính những thước phim tuổi thơ của mình được cắt ra mang lên màn ảnh vậy. Tình cảm là chất keo tuyệt vời gắn kết không chỉ những nhân vật với nhau mà cả những cảnh phim ngỡ sẽ vô cùng rời rạc. Tình cảm chính của phim được gieo ngay từ những thước phim đầu tiên, những lời nói trong đêm mưa đã nảy mầm một tình bạn giữa hai đứa trẻ xa lạ. Tình cảm bạn bè đến với Nam và Tùng như một lẽ tự nhiên, vai kề vai, cứ vậy đi qua thời niên thiếu có lúc bốc đồng, nóng nảy mà ngô nghê, chân thật.
Và trong một phút giây nào đó cả hai vô tình chậm chân một lát, lỗi nhịp vài giây, thế là phải lòng nhau. Như một mầm cây lạ nảy mầm giữa một cánh rừng khô cằn, Nam tò mò tìm hiểu thứ yêu thương khó gọi tên kia, để rồi khi muốn nhổ bỏ nó đi, Nam nhận ra rễ cây đã bám chặt những chặng đường kí ức hai đứa đi qua. Nam sợ, Nam trầm lặng, nhưng Nam không ngờ, trong lòng Tùng cũng có một mầm cây. Tôi thích cách đạo diễn giữ cho mạch phim liền mạch, mượt mà như để cho mầm cây kia cũng được gieo vào lòng khán giả. Nói chuyện tình cảm là nói chuyện một quá trình, đạo diễn Rony đã rất khéo léo khi kể nó một cách vừa đủ, không quá nhanh tưởng như chớp mắt đã yêu hay cũng không quá lê thê dông dài.
“Tao không xa mày” - tựa một lời hứa khi cảnh chia xa xảy đến rằng sẽ mãi bên nhau.
Thời gian như những nghệ sĩ tạo hình, chỉ thoắt cái đã không còn nhận ra nhau. Nhưng đâu đó trong tim, cây yêu thương hôm nào, nay đã tỏa bóng, che mát những tháng ngày u buồn, xa vắng bằng những kỉ niệm ngày xưa; để rồi khi tìm thấy nhau sau những sóng gió sẽ thấy trân quý giây phút được ở bên nhau. Chính sự tinh tế sắp đặt của đạo diễn đã thả cảm xúc rơi đúng vào tim người xem, vỡ òa ngay những phân đoạn cao trào. Ngoài ra, ngôn ngữ thoại của các nhân vật mang sắc thái mộc mạc, thôn quê dễ dàng dẫn dắt mạch cảm xúc đi đúng theo ý đồ kịch bản.
Dù rằng bộ phim mang màu sắc tình yêu đôi lứa là chủ đạo nhưng đâu đó vẫn được ekip lồng ghép những tình cảm khác đan xen. Tôi rất trân trọng cái tình người giúp nhau giữa sóng gió như trong tuyết thêm than của má Hai dành cho gia đình Tùng; như cái cách Nam cưu mang một thanh xuân bị đời lấm bẩn. Tuy vậy tôi vẫn trông chờ nhiều hơn trong phim sẽ bật lên giá trị của tình cảm gia đình, của tình mẫu tử. Tôi trông chờ sẽ có một phân cảnh Tùng chia tay má Hai - người má thứ hai che chở cho anh khi mẹ ruột ra đi quá đột ngột - bày tỏ sự tri ân của mình dù họ không có bất kì liên hệ nào ngoài tình nghĩa. Khi ấy, cao trào của phim sẽ hay hơn khi sự ra đi của Tùng chất chứa, hoài niệm một tình yêu chưa chính thức bắt đầu nhưng định sẵn sẽ dang dở và tình mẹ - con chưa ngày báo đáp.
Nếu như màu phim nửa phần đầu rất dạt dào cảm xúc, mang đến cho tôi nhiều sự chờ đợi thì phần sau màu phim lại bị cũ đi rất nhiều do tình tiết phim mang đậm chất truyền hình những năm trước đây, không gây cho người xem sự bất ngờ. Dù vậy, tôi cảm nhận cái kết phim đã cứu lại cho phần chưa hoàn hảo kia. Khác với nhiều phim điện ảnh trước đây khi làm về tình yêu đồng tính, kết phim luôn nhuốm màu buồn, ở Tao không xa mày, kết phim mở ra một chặng đường mới, chặng đường mà ở đó tình yêu được định nghĩa nghĩa là bên cạnh nhau.
Sự tỏa sáng trong sức trẻ của diễn viên và cả đạo diễn
Sự thành công của phim còn đến từ dàn diễn viên rất tiềm năng, nội lực. Trước hết phải kể đến sự lột xác của Anh Tú trong vai Tùng nhiều hoài bão, nội tâm sâu sắc, hay một Châu Trọng Tài lột tả Nam có sự chuyển biến về tâm lý hết sức tinh tế. Ở hai nhân vật này, sự dằn xé được thể hiện ra nét ngô nghê của tuổi mới lớn đòi hỏi diễn viên phải thật sự nhập tâm vào vai diễn. Những phân đoạn dài cũng được cả hai giữ tâm lý vô cùng tốt đã tạo một hiệu ứng vô cùng tốt cho sự thành công của phim. Ngoài ra, Hải Triều, Nguyệt Ánh, Thụy Mười,…đã thể hiện rất tốt vai trò của mình, góp phần tạo ra nhiều sắc thái cảm xúc cho người xem từ cười đến khóc,…
Khi xem bộ phim này, tôi như đắm chìm trong không gian bao la, rộng lớn của làng quê Việt Nam. Không phải là những cánh đồng lúa trĩu hạt hay những con sông dài đỏ nặng phù sa của đồng bằng sông Cửu Long, những cảnh phim Tao không xa mày lại trải dài những cánh đồng thanh long gió cát, những bãi bồi, những bãi đá ven biển nên thơ. Rất nhiều khoảnh khắc, tầm nhìn của khán giả đã mở rộng đến không ngờ nhờ góc máy trên không rất tinh tế. Tôi như cảm nhận rõ mồn một cái bạt ngàn của những đồi thanh long sai quả, cái dài miên man của những con đường quê tĩnh lặng, sự mướt mát xanh trong của những con sông quê hiền hòa.
Với tôi, những cảnh quay này thật sự đã mang lại hiệu quả cảm xúc rất dạt dào cho những trường đoạn dài, mang không gian cảm xúc to lớn, to lớn dần rồi đột ngột vỡ ra khi máy lia góc cận. Có thể nói cảnh hai nhân vật chính cùng nằm trên một chiếc phản trước ngày chia tay được đoàn phim quay vô cùng mượt mà, bởi vì đây là phân cảnh không thoại nên mỗi cử chỉ phải được máy bắt cực kì chính xác để không làm hư mạch cảm xúc người xem.
Tuy vậy, một vài phân cảnh quay về đêm không được xử lý ánh sáng tốt khiến biểu cảm của diễn viên không được máy quay bắt trọn vẹn làm cho mạch phim bị đứt đoạn. Một số phân đoạn xảy ra quá đột ngột không có diễn biến rõ ràng cũng làm cho hiệu quả về cốt truyện bị giảm nhiều. Tuy vậy sự phối hợp nhịp nhàng giữa nhạc và cảnh phim đã mang một không gian làng quê nhẹ nhàng thổi quanh rạp chiếu. Cảm xúc của nhân vật được đẩy lên rất tốt nhờ nhạc phim được lồng ghép tinh tế. Hầu hết những ca khúc đều mang chất mộc như chính khung cảnh phim được đạo diễn quy định từ đầu, tạo sự nhất quán cho phim.
Tôi thật sự xúc động khi bản nhạc phim Yếu đuối được xuất hiện lần đầu khi tâm lý nhân vật có sự chuyển biến, đấu tranh trước biến cố và rồi khi cả hai hội ngộ, bản nhạc lại vang lên như một dòng kí ức trước đây đang chảy về. Thay vì chiếu lại phân cảnh trước như sự hồi tưởng, chỉ một bài nhạc, đã đủ kể tiếp mạch phim. Chính sự tinh ý của ekip dựng phim đã làm cho bộ phim có chiều sâu hơn rất nhiều.
Trailer phim Tao không xa mày.
Kết
Sau cùng, Tao không yêu mày không phải là một bộ phim thật sự xuất sắc về kĩ xảo, cách xử lý tình tiết, song bộ phim lại đột phá trong cách kể chuyện, trong nội dung của phim và tâm lý nhân vật. Bộ phim còn là một sự mới mẻ so với những bộ phim làm về đề tài tương tự trước đây. Nếu bạn muốn tìm cho mình một không gian yên ả, trong trẻo, không gian của sách vở, của ngây thơ tuổi học trò; khóc cười với những tấm chân tình hết sức đời thường, một chuyện tình theo con người ta cả một đời ngóng trông thì hãy đến rạp và xem Tao không xa mày nhé.