Người xưa có câu: “Vô tình nhất là gia đình đế vương”, ý chỉ những người sinh sống trong hoàng tộc đều sẽ vì quyền lợi, tham vọng mà trở nên vô tình vô nghĩa với tất cả mọi người, kể cả cha mẹ, anh em. Sử sách cũng từng chứng kiến nhiều câu chuyện hoàng gia mà cha con tranh đoạt giang sơn, anh em trong nhà tương tàn vì ngôi cửu ngũ.
Tam quốc cơ mật kể về những con người hoàng tộc và triều thần dưới thời chiến loạn tam quốc - thời đại chỉ cần có trí có dũng thì sẽ có cơ hội thành vua. Lưu Bình (Mã Thiên Vũ) với tính cách nhân hậu lại bị ép trở thành hoàng đế trong hoàn cảnh bất đắc dĩ. Sự nhân từ của Lưu Bình, nếu đặt trong thời bình chắc chắn sẽ là một vị vua tốt, tạo được cảnh thái bình thịnh thế, đủ để lưu danh sử sách. Nhưng đáng buồn là dù rất thông minh, dũng cảm nhưng Lưu Bình lại thiếu đi sự tàn nhẫn và vô tình nên có ở một bậc đế vương của thời loạn. Chính điều ấy đã khiến khán giả không khỏi đặt ra câu hỏi: Nếu không phải Lưu Bình, ai mới là người phù hợp với ngôi vị hoàng đế hơn?
Ứng cử viên đầu tiên chính là Lưu Hiệp - người anh trai chỉ xuất hiện trong vài phút của tập đầu tiên, lại còn là một xác chết. Lưu Hiệp vốn dĩ là đế vương, qua những lời miêu tả của hoàng hậu Phục Thọ (Vạn Thiến), người xem có thể tưởng tượng ra y là một hoàng đế có đủ trí tuệ và sự vô tình, quả quyết của một thiên tử. Chỉ trách sức khỏe không tốt khiến Hiệp ra đi khi sự nghiệp của Hán thất còn đang dang dở. Nếu y còn sống, hai anh em Hiệp - Bình cùng nhau hợp sức, thiên hạ chắc chắn sẽ vẫn thuộc về Hán thất.
Tào Tháo đứng thứ hai không ai dám tranh thứ nhất. Tào Tháo có đủ các yếu tố để trở thành một bậc đế vương. Không kể đến những nhân tài tuyệt thế phục tùng dưới trướng họ Tào, chỉ riêng sự quyết đoán khi từ một quan huyện nhỏ nhoi dám đứng lên phò tá vua chống lại loạn thần, chinh chiến sa trường nhiều năm với ý nguyện thống nhất giang sơn cũng đủ để Tào Tháo xứng đáng trở thành hoàng đế. Sự tàn bạo được tôi luyện trong chiến tranh, thủ đoạn cả với người nhà của ông là thứ Lưu Bình với lòng yêu dân như con không bao giờ có thể sánh được. Điều đáng tiếc duy nhất của Tào Tháo là tuổi tác. Dù chỉ cách đại nghiệp có vài bước chân nhưng ở tuổi 53, Tào Tháo cũng tự ý thức được bản thân không nên dồn sức vào những cuộc trường chinh mà nên tập trung đoạt quyền Hán thất, làm vua nhỏ còn hơn mất cả đời mãi tranh giành một cái ghế to hơn.
Tào Phi xuất hiện như một “ứng cử viên hạt giống” của cuộc chiến ngai vàng này. Là con trai của Tào Tháo, việc của Tào Phi chỉ là dùng sự mưu trí, âm độc của mình đối phó với Tào Thực - đứa con được Tào Tháo đặt để cho ngồi vững vị trí thế tử của Tào gia. Sau đó chờ ngày cha mình diệt nhà Hán, tự xưng vương thì hắn đã nghiễm nhiên trở thành thái tử. Nhưng những hận thù và tính cách nhỏ nhen dần lớn hơn mục đích trả lại thái bình cho thiên hạ biến Tào Phi từ một trái tim hừng hực ý chí chiến đấu vì dân chúng, trở nên đen tối bởi quyền mưu, tham vọng. Lại cũng chính tham vọng ấy khiến Tào Phi trở thành đối thủ đáng gờm hơn bao giờ hết với Lưu Bình và kể cả Tào Tháo.
Là anh em, bạn bè, quân sư của Lưu Bình nhưng Tư Mã Ý (Hàn Đông Quân) so với Lưu Bình lại càng thích hợp với vị trí hoàng đế. Bởi ngoài tài trí và sự dũng cảm, Ý còn đủ tàn độc để thay Lưu Bình bày mưu đặt kế diệt trừ những mầm họa từ thuở sơ khai. Tầm nhìn và thủ đoạn như vậy, nếu không một lòng chỉ muốn phò tá minh chủ, không tham muốn quyền mưu thì có lẽ Tư Mã Ý sớm đã tự dựng lên một ngọn cờ, đối đầu với cả Hán thất và Tào Tháo.
Tuy chưa biết “hươu chết về tay ai” nhưng với những diễn biến gay cấn của Tam quốc cơ mật những tập gần đây, Hán thất và Lưu Bình đang đứng trước nguy cơ lớn vì Tào Tháo đã phát hiện ra bí mật động trời về thân thế thực sự của Lưu Bình và quyết tâm soán ngôi. Tư Mã Ý cũng vì cái chết của Đường Anh (Đổng Khiết) mà sinh lòng căm hận, phản bội Lưu Bình phò tá Tào Phi.