Phim Ảnh

Tại sao phải hoãn cái sự sung sướng đó lại, hỡi Chu Văn Quềnh?

Hoàng Hương
Chia sẻ

Người đã về với đất, nhưng tiếng cười trong vắt của một nghệ sĩ thiện lương mang đến cho khán giả vẫn mãi còn đó.

Ít ai biết rằng, vai diễn này của Hán Văn Tình trong Đất và người vốn là một nhân vật được bồi đắp và “nuôi dưỡng” bằng chính tài năng của đạo diễn và diễn viên, bởi trong tác phẩm gốc, anh chàng Quềnh đã chết ngay từ 30 trang đầu của sách.

Chứa đựng cả một câu chuyện dày dặn với vô số tuyến nhân vật, vô số mâu thuẫn đấu tranh phức tạp, nhưng đối với khán giả yêu thích Đất và người, điều đọng mãi trong họ vẫn là nhân vật Chu Văn Quềnh cùng câu nói thương hiệu “Không thể trì hoãn cái sự sung sướng được“. Câu nói ấy đã một thời là cửa miệng của rất nhiều người, thậm chí nhiều người bây giờ không còn nhớ được nội dung của Đất và người nữa, nhưng riêng anh chàng Chu Văn Quềnh hâm dở, hềnh hệch, ma lanh mà ngốc nghếch, thì không ai có thể quên được.

Với những khán giả đã từng đọc tác phẩm Mảnh đất lắm người nhiều ma, Quềnh chỉ là một anh nông dân lười biếng, nghiện rượu và ngốc nghếch, và có một cái chết rất buồn cười: chết no do đi làm đồng khi vừa ăn xong. Trong sách, Quềnh chỉ là một nhân vật quần chúng để làm bật lên khung cảnh của cái làng quê miền Bắc trước đổi mới với những người nông dân khờ dại, ngốc nghếch, dễ bị dụ dỗ và kích động bởi những thế lực thâm hiểm khác trong làng quê.

Khi quyết định đưa tác phẩm văn học nổi tiếng này chuyển thể thành tác phẩm truyền hình, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần thấy đặc biệt thú vị với anh chàng Quềnh này và quyết định “bồi da đắp thịt” cho anh chàng này trở thành một hình tượng “Chí Phèo” hiện đại, với chất điên dại, say say tỉnh tỉnh độc đáo. Nhờ vậy, mà nhân vật Quềnh trên truyền hình đã có được một số phận và tính cách riêng, và trở thành điểm nhấn khiến cho bộ phim Đất và người có thêm giá trị hiện thực.

154054_1

Hán Văn Tình may mắn lọt vào mắt xanh của đạo diễn Hữu Phần sau khi ông xem bộ phim của con trai mình, đạo diễn Nguyễn Hữu Trọng, Người vác tù và hàng tổng và khoái ông bởi “anh này có dáng vẻ khá đặc biệt, cái đầu trọc, mặt trông vừa rất hiền lành, chân thật lại có chút tinh ranh, ma mãnh, có gì thích thú là cười hết cỡ….” rất phù hợp với vai Quềnh. Cái duyên của Hán Văn Tình đến với vai diễn để đời của ông chỉ giản dị như vậy.

Hán Văn Tình thời đó vẫn còn đang miệt mài với nghiệp Tuồng, ông công tác ở Nhà hát Tuồng Việt Nam và đang gặt hái được nhiều thành công trong nghệ thuật, nhưng trong đời sống, như hầu hết nghệ sĩ của môn ca kịch dân tộc này, ông vẫn gặp nhiều khó khăn kinh tế. Tham gia một vài vai phụ trong vài ba bộ phim truyền hình là cách anh em nghệ sĩ giúp đỡ và động viên bạn bè có thêm chút thu nhập bù vào đồng lương nghèo nàn của Nhà hát. Thời gian đó, tuy chỉ là nghề tay trái, nhưng nhờ xuất hiện nhiều và lối diễn hài hước tự nhiên hiếm có, Hán Văn Tình cũng dần được khán giả xem truyền hình biết đến và yêu thích như một diễn viên có lối diễn xuất “lạ” trong làng điện ảnh.

4_104954

Vai Trương Tuần của Hán Văn Tình trong 'Người thổi tù và hàng tổng' có nhiều điểm chung với Chu Văn Quềnh, đều là những anh nông dân ít học thô lỗ.

Nhận kịch bản Đất và người, nghệ sĩ Hán Văn Tình vừa mừng vừa lo, mừng vì hiếm khi nào, ông nhận được một vai diễn “dài hơi” và có sức nặng như vậy, lo vì sợ mình không thể hiện được tốt, khán giả sẽ chán mình vì cứ phải theo ông suốt 24 tập phim. Ông dành thời gian đọc hết cả quyển Mảnh đất lắm người nhiều ma, nghiền ngẫm và thẩm thấu thông điệp của quyển sách, cái không khí làng Giếng Chùa, cái chất của con người nơi làng quê đó. Ông còn lặn lội về quê, cùng ngồi với những người dân, nghe, xem, cảm nhận và hòa mình trong không khí con người ở làng quê thời bấy giờ để thể hiện được tốt nhất.

Vốn là diễn viên tuồng, nét diễn của Hán Văn Tình rất khác với điện ảnh, nên ông thật sự cố gắng đầu tư cho vai diễn này, và học hỏi từng chút từng chút để hoàn thiện mình hơn. Nhân vật Quềnh là một anh chàng nghiện rượu, để có được dáng đi lướt khướt, say mèm như anh Chí Phèo của nhân vật Quềnh, vốn là người không biết đến bia rượu, ông đã phải mất cả tháng trời vừa đọc kịch bản phim vừa tập uống rượu, học cách say đúng chất của các trai làng.

3_24784

Và rồi những nỗ lực của Hán Văn Tình cũng đã được đền đáp, ông hóa thân vào lão nông dân Chu Văn Quềnh như nhập đồng. Khi phim ra mắt, khán giả ai cũng ấn tượng với anh chàng có nước da ngăm đen, đầu trọc lốc, hàng râu kỳ quái cùng với dáng đi chẳng giống ai Chu Văn Quềnh. Ngoài ra, thành công của vai diễn cũng phải nói đến tài năng lồng tiếng của diễn viên Trung Hiếu, anh đã thể hiện giọng nói lè nhè, nhừa nhựa rất đặc trưng cho nhân vật.

Quềnh bỗ bã, thô lỗ, nghiện rượu, bị người làng khinh ghét, coi thường, nhân vật của Hán Văn Tình nửa mang phong cách Chí Phèo, nửa mang phong cách mõ làng vì anh ta là chân sai việc vặt của các cán bộ, quan chẳng ra quan, dân chẳng ra dân. Tuy Quềnh chẳng có gì tốt đẹp, nhưng giữa những con người âm mưu thủ đoạn như ông Hàm, ông Chỉnh, mở mồm ra là nói lời ngon ngọt, lịch sự nhưng tâm thì chỉ muốn ám hại, giành giật quyền lực, tự nhiên cái chân quê, bốp chát của anh trai quê Chu Văn Quềnh lại thành ra trong sáng tốt bụng và thẳng thắn.

Nhân vật Quềnh không chỉ là một anh mõ làng thời đại mới, anh ta còn đại diện cho cả một lớp người thời bao cấp, được giao cho một chút trọng trách trong hợp tác xã, và nhanh chóng nhận ra được việc mình có thể kiếm được chút lợi lộc từ việc này, chút vênh váo với người làng, chút rượu mỗi buổi chiều và lời nịnh hót từ vài tay bạn nhậu. Nhưng khi họ đối diện với cái ác thật sự, họ lại không chấp nhận đánh mất mình và chính nhờ đó, câu chuyện hoàn lương của họ trở nên thú vị, nhân văn và đa chiều hơn hẳn. Cứ thế, Quềnh chuếnh choáng say, chuếnh choáng sống. Và chính trong lúc chuếnh choáng ấy, anh đã chinh phục trái tim của hàng ngàn khán giả màn ảnh nhỏ.

1

Nhờ có Hán Văn Tình, anh chàng Quềnh vốn đã chết ngay từ 30 trang đầu của sách, nay lại được sống mãi trong lòng khán giả truyền hình.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần từng chia sẻ, thành công của bộ phim, nhờ vào một phần rất lớn ở thành công của nhân vật Chu Văn Quềnh: “Chu Văn Quềnh là nhân vật có số phận, có cuộc đời và có tính cách rất lạ. Tính cách của Quềnh làm cho bộ phim đáng theo dõi hơn. Đến mức, khán giả mỗi tối đón xem phim vì muốn biết 'hôm nay thằng Quềnh làm gì?',” 'Chu Văn Quềnh tập này lấy vợ đấy', 'Chu Văn Quềnh say rượu đánh nhau ầm ĩ cả làng Giếng Chùa' … Người ta thích và nhớ bộ phim chính vì nhân vật này

Hán Văn Tình chết vai cũng từ thủa ấy, đi đâu người ta cũng gọi ông là Quềnh, họ gửi cho ông hàng tá lít rượu vì nghĩ ông nghiện rượu như trong phim, họ đòi ông phải nói, phải cười giống nhân vật, chê giọng ông không giống anh Quềnh, những câu chuyện dở khóc dở cười ấy, Hán Văn Tình chỉ nhắc đến với nụ cười nhẹ. Sự nổi tiếng đến với Hán Văn Tình không giống như ông tưởng tượng, nhưng cũng nhờ vậy mà nghệ sĩ đắt show hơn, hay được đi diễn tỉnh, tham gia quảng cáo hay làm phim Hài tết, cuộc sống cũng nhờ vậy mà đỡ khó khăn hơn, cho đến khi ông lâm bệnh.

Giờ đây, khi Hán Văn Tình đã ở một nơi rất xa, người ta vẫn nói rằng “Anh chàng Chu Văn Quềnh ngày ấy, giờ đã tắt nụ cười rồi!”

Chia sẻ

Bài viết

Hoàng Hương

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất