Chắc hẳn mọi người đều biết Chương Tử Di trước đây chỉ đóng phim điện ảnh, trước giờ không hề quay phim truyền hình. Nhưng Đế Vương Nghiệp có gì hấp dẫn, đủ để làm Chương Tử Di thay đổi suy nghĩ, đồng ý tham gia vào bộ phim?
Không có lý do nào khác, rất đơn giản nguyên nhân chính là vì tiền
Với sự thành công của các bộ phim nói về nữ chủ trước đó, hàng loạt phim nhanh chóng “bắt chước” theo. Trong hai năm này, có không ít phim nữ chủ với các nhà đầu tư khác nhau lên sóng và số tiền họ đổ vào các dự án là rất lớn. Nói cách khác, nếu muốn kiếm tiền thì quay các bộ phim đề tài nữ chủ là một trong những cách nhanh nhất.
Khởi đầu phim nữ chủ với kinh phí cao là bộ phim Chân Hoàn truyện với chi phí đầu tư 70 triệu NDT, doanh thu thu được là 300 triệu NDT, nếu trừ đi các chi phí khác thì lợi nhuận thu về khoảng 200 triệu NDT.
Từ đó về sau, các công ty, nhà chế tác lớn gần như “sáng mắt” lên. Phim về đề tài nữ chủ là một trong những thể loại thường xuất hiện nhất trên truyền hình. Lục Trinh truyền kỳ, Sở Kiều truyện là các bộ phim giúp cho tên tuổi Triệu Lệ Dĩnh đến gần hơn với khán giả. Võ Mỵ Nương truyền kỳ cũng đã gây sốt suốt một khoảng thời gian dài. Mỵ Nguyệt truyện tiếng vang càng lớn hơn. Còn có, Nữ Y Minh Phi truyện, Cẩm tú vị ương, Cô phương bất tự thưởng, Đại Đường vinh diệu, Long Châu truyền kỳ, Năm ấy hoa nở trăng vừa tròn, Vân trung ca, Tướng quân tại thượng…. Vô số diễn viên, tiểu hoa vì quay phim nữ chữ mà nhận được mức thù lao khá cao. Với trường hợp của Chương Tử Di, nhiều nhà chuyên môn lẫn đa số khán giả đều nhận định yếu tố thu hút nàng đại hoa đán quay về màn ảnh nhỏ là vì thù lao.
Đế Vương Nghiệp (sau đã đổi tên thành Đế Hoàng Nghiệp) dựa theo tiểu thuyết mà nói thì không có tình tiết nào đặc sắc.
Cũng có người nói, Chương Tử Di chính là “Chương quốc tế” thì làm sao có thể diễn vai nhân vật “não tàn” Mã Lệ Tô trong phim truyền hình! Thậm chí, còn có fan hâm mộ đã viết một bức thư dài mấy nghìn chữ trên weibo với mục đích khuyên Chương Tử Di đừng nên “tự hạ thấp bản thân mình”. Tình cảm mà người hâm mộ dành cho cô là có thể hiểu được.
Chương Tử Di khi mới vào nghề đã là người có vị thế rất cao. Hơn 20 năm qua, Chương Tử Di đã đóng qua rất nhiều bộ phim và cô luôn là nữ chính thứ nhất mà các đạo diễn lựa chọn. Với bộ phim Phụ thân, mẫu thân của tôi của đạo diễn Trương Nghệ Mưu, Chương Tử Di đã xuất sắc giành được giải thưởng Gấu bạc tại liên hoan phim quốc tế Berlin lần thứ 50, giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại lễ trao giải Bạch Ngọc Lan lần thứ 23. Sau đó, cô còn nhận được một loạt các vai diễn đặc sắc khác trong nhiều bộ phim khác nhau bộ phim như: Ngọa Hổ Tàng Long, 2046, Nghệ kỹ hồi ức lục, Nhất đại tông sư.… Các đạo diễn lớn trong và ngoài nước, Chương Tử Di đều đã hợp tác qua, cũng vì thế mà cô còn có tên gọi khác là “Chương quốc tế”.
Trong giới nghệ sĩ, diễn vai gì đều sẽ có sự phân chia cao thấp (chủ yếu là dựa vào khả năng diễn xuất ở các độ khó khác nhau). Luôn luôn có sự mặc định trong giới là Hý kịch luôn hơn hẳn Phim điện ảnh, và tất nhiên Phim điện ảnh địa vị cao hơn nhiều so với Phim truyền hình. Khi mới bước chân vào con đường diễn xuất, Trương Nghệ Mưu từng nói với Chương Tử Di: “Không nên tham gia phim truyền hình, như vậy sẽ làm hạ thấp giá trị của bản thân”. Về sau, Chương Tử Di luôn tuân theo nguyên tắc này, chỉ đi theo phim điện ảnh.
Tuy nhiên, dưới sự cám dỗ của đồng tiền, đoán chắc rằng Chương Tử Di cũng không quan tâm nhiều đến thế. Nhưng thực ra, trong giới nghệ sĩ trước giờ đều như vậy, địa vị, chỗ đứng cao đôi khi không có nghĩa là thu nhập cao. Ngược lại, đối với một số phim truyền hình thì khả năng diễn xuất không hề yêu cầu gì cả, nhưng thu nhập với giá “trên trời”. Chương Tử Di lại là người sống rất “thực tế”, vì con đường danh lợi của bản thân có thể nói là “liều chết liều sống”. Với nghệ thuật trong nước, Chương Tử Di đã là người nổi tiếng. Cô ấy vì tiền nên chấp nhận đi đóng phim truyền hình cũng có thể xem là chuyện “hợp tình hợp lý”.
Điều đáng nói ở đây chính là việc “đầu tư” lần này của Chương Tử Di chưa chắc đã đúng đắn. Dựa theo khả năng lên sóng của các bộ phim cổ trang và chính sách thắt chặt nghiêm ngặt của tổng cục thì mỗi năm số lượng đề tài cổ trang lên sóng trên khung giờ vàng chỉ đạt mức 1 bộ/1 đài. Giống như Như Ý truyện chẳng hạn, sau khi mọi khâu chế tác hoàn tất đến nay phim vẫn chưa thể lên sóng, tổn thất lớn là điều không thể tránh khỏi. Chương Tử Di với nhiều hy vọng tham gia vào Đế Hoàng Nghiệp lần này mà nói, kết cục ngược lại có thể “Trộm gà không thành còn mất nắm gạo”.