Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Sức hút của 'The Invisible Man' - phim kinh dị có doanh thu gần 50 triệu USD sau 3 ngày chiếu

Bản thân các nhân vật - từ chính diện đến phản diện - đều có diễn biến tâm lý khá đơn giản, tuy nhiên, The Invisible Man vẫn gây ấn tượng mạnh bởi lối hù dọa độc đáo và những thước phim được chăm sóc kỹ lưỡng. 

The Invisible Man (tựa Việt: Kẻ vô hình) của Leigh Whannell là điểm sáng của dòng phim kinh dị trong khoảng thời gian này. Tựa phim nhận được số điểm 7,6/10 trên chuyên trang IMDb và 90% đánh giá tích cực ở Rotten Tomatoes. Không những vậy, bộ phim còn sở hữu doanh thu khả quan: 29 triệu USD từ quê nhà Bắc Mỹ và 20 triệu USD tại các phòng vé quốc tế, đem lại tổng doanh thu 49 triệu USD sau 3 ngày ra mắt.

Thực chất, The Invisible Man là một tựa phim kết hợp hài hòa giữa thể loại kinh dị, tâm lý và khoa học viễn tưởng. Bản thân các nhân vật - từ chính diện đến phản diện - đều có diễn biến tâm lý khá đơn giản, tuy nhiên, phim vẫn gây ấn tượng mạnh bởi lối hù dọa độc đáo và những thước phim được chăm sóc kỹ lưỡng.

Gã sát nhân thiên tài 

Bộ phim The Invisible Man theo chân Cecilia Kass (Elisabeth Moss) - một cô gái tỉnh lẻ bị mắc kẹt trong mối quan hệ với gã thiên tài Adrian (Oliver Jackson-Cohen) - người đứng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ quang học. Tuy vậy, hắn không cống hiến những phát minh của mình cho nhân loại mà giữ chúng để phục vụ mục đích riêng, trong số đó có mục đích kiểm soát cô tình nhân Cecilia.

Trong hồi đầu tiên của The Invisible Man, gã thiên tài Adrian được khắc họa thông qua nỗi ám ảnh khủng khiếp của nữ chính Cecilia. Dù đã thoát khỏi người tình cũ, thậm chí hay tin hắn đã tự kết liễu, cô vẫn luôn cảm thấy đang bị theo dõi và kiểm soát. Bộ phim tạo ra một không khí ngột ngạt, khó chịu, từ đó mở đường cho những cảnh hù dọa ấn tượng.

Dù không hiện diện nhưng Kẻ vô hình luôn tìm cách để lại những dấu hiệu như lọ thuốc dính máu, vết lõm trên ghế ngồi, vết chân trên tấm chăn, đèn flash lóe lên từ điện thoại… Các góc máy cũng được chăm sóc kỹ lưỡng: từ những cú lia máy ngang rồi dừng lại ở một khoảng trống cho đến góc quay từ phía sau tường khiến khán giả hình dung về một Kẻ vô hình đang rình rập nhân vật chính.

Vốn không khác gì người thường ngoài khả năng vô hình, Kẻ vô hình vẫn chi phối toàn bộ cuộc đời của Cecilia bằng cách cô lập cô, khiến tất cả mọi người - thậm chí bản thân nhân vật chính - tưởng rằng Cecilia bị điên.

Giam hãm Cecilia trong một nhà tù của sự ngột ngạt, chia rẽ và thiếu tin tưởng, Kẻ vô hình tấn công người tình bằng cách cắt đứt mọi sợi dây liên kết của cô với mọi người xung quanh. Khả năng này của Adrian đã chạm đến nỗi sợ sâu thẳm trong mỗi khán giả: nỗi sợ bị rình rập, bị kiểm soát, bị cô lập và bị hiểu nhầm.

Thực chất, tựa phim The Invisible Man vốn đã hé mở về hàng loạt bí ẩn xảy ra xung quanh Cecilia, thể loại phim kinh dị - khoa học viễn tưởng cũng sớm nói với khán giả rằng chính con người - chứ không phải ma quỷ - là nguồn cơn của những bí ẩn này. Điều này cũng làm giảm bớt tính chất bất ngờ của The Invisible Man, phim vì thế nhanh chóng chuyển sang cuộc đấu tranh phơi bày sự thật và tìm lại tự do của nữ chính.

Mối quan hệ độc hại 

Kẻ vô hình không phải là hành trình trốn chạy của Cecilia khỏi Adrian mà thực chất là quá trình nữ chính bước sâu hơn vào cuộc sống của Kẻ vô hình. Từ nỗi hoang mang trước những điều quái gở mà người tình cũ gây nên, cô bước vào đó, lý giải nó, vạch trần và cuối cùng dùng chính cách thức đó để ăn miếng trả miếng.

Với cái kết của The Invisible Man, Cecilia đã lựa chọn để bàn tay mình nhuốm máu và mang bộ giáp của Adrian theo mình (thay vì giấu đi, để lại mãi mãi trong căn nhà gần biển). Tình tiết này khiến nhiều khán giả cho rằng Cecilia có thể trở thành Kẻ vô hình thứ hai trong phần phim sau.

Khác với Cecilia, từ phút đầu tiên đến phút cuối cùng của Kẻ vô hình, gã thiên tài Adrian chưa bao giờ thay đổi. Hắn chỉ có duy nhất một mục tiêu và dùng cùng một cách thức để hành hạ người tình. Động cơ của hắn cũng chỉ có một: khao khát chiếm hữu Cecilia vì khác với những người phụ nữ khác, chỉ mình cô kháng cự và muốn rời bỏ hắn.

Chân dung của Adrian là chân dung của một người đàn ông gia trưởng điển hình. Sự ghen tuông và khao khát chiếm hữu không xuất phát từ tình yêu mà từ tính vị kỷ. Adrian muốn có Cecilia vì ghét cảm giác thất bại, hắn không muốn tên mình bị xóa khỏi tâm trí người tình. Gã cũng chưa từng nghĩ đến cơ hội làm lại với cô và đứa bé, bởi nếu có, Adrian sẽ không bao giờ nhấn mạnh câu nói: “Ngạc nhiên chưa” - dấu hiệu thừa nhận mọi bi kịch mà hắn đã gây nên cho Cecilia.

Sự nam tính độc hại của Adrian được thể hiện rõ nhất trong diễn xuất của nữ diễn viên Elisabeth Moss. Chính ngoại hình xơ xác và đôi mắt vô hồn của Cecilia đã khắc họa trọn vẹn cả bi kịch của nữ chính lẫn sự quái gở của gã thiên tài biến thái. Từ đó, tác phẩm tạo nên một nỗi sợ khủng khiếp đối với kẻ vô hình - hay nói cách khác là những quan điểm lệch lạc, tội ác vô hình.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Grassie

Được quan tâm

Tin mới nhất