Phim Ảnh

Sự tương đồng giữa các nhân vật 'Mẹ chồng' và phi tần trong 'Hậu cung Chân Hoàn truyện'

Minh Khôi
Chia sẻ

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu dàn diễn viên trong "Mẹ chồng" đồng loạt hóa thân thành các phi tần trong bộ cung đấu đỉnh cao "Hậu cung Chân Hoàn truyện"?

Nói Mẹ Chồng là một trong những bộ phim tiên phong trong đề tài cung đấu tại Việt Nam cũng không sai! Mặc dù lấy bối cảnh miền Tây Nam bộ những năm đầu thế kỉ 20 nhưng ở Mẹ Chồng hội tụ đủ những yếu tố cần có ở một bộ phim “cung đấu” hấp dẫn: một dàn nữ nhân xinh đẹp cùng sống chung với nhau trong một môi trường hà khắc với nhiều quy tắc và luật lệ, những thủ đoạn mưu mô và tinh vi dùng để ám hại nhau giữa những người phụ nữ, những âm mưu tâm kế trùng điệp giữa các nữ nhân dành cho nhau hòng đoạt được sự sủng ái và vinh hoa sau cùng.

Trailer chính thức đầy kịch tích của bộ phim Mẹ Chồng.

Nếu đã nhắc đến dòng phim cung đấu, chúng ta không thể không nhắc đến bộ cung đấu được xếp vào hàng huyền thoại - Hậu cung Chân Hoàn truyện, sức ảnh hưởng của bộ phim lớn đến mức tác phẩm đã gần như trở thành một chuẩn mực của bất kì bộ phim cung đấu nào: từ việc xây dựng hình tượng, tính cách nhân vật đến các tình tiết và âm mưu chốn thâm cung. 

Một tuyệt tác kinh điển của dòng phim cung đấu: Hậu cung Chân Hoàn truyện.

Rõ ràng bất kì so sánh nào giữa Chân Hoàn truyện và Mẹ Chồng đều hết sức khập khiễng và vô lí, tuy nhiên khi xem xong Mẹ Chồng, khán giả của dòng phim cung đấu đều có thể thấy motif xây dựng nhân vật trong bộ phim Mẹ Chồng đều dựa trên những chuẩn mực xây dựng hình tượng nhân vật trong một bộ phim cung đấu. Mỗi nhân vật trong Mẹ Chồng rõ ràng đều có những nét khá tương đồng với một nhân vật trong Chân Hoàn truyện - chính điều này sẽ khiến cho fan của dòng phim này thích thú khi tìm được những nét gần gũi của một bộ phim Việt với một bộ phim của đại lục!

Ba Trân và Hi Quý phi Nữu Hổ Lộc Chân Hoàn:
Từ một thiếu nữ đơn thuần vươn lên trở thành “mẫu nghi thiên hạ”

Rõ ràng ta đều có thể thấy sự tương đồng rất lớn giữa hai nhân vật chính của hai tác phẩm: Ba Trân (Thanh Hằng) và Nữu Hổ Lộc Chân Hoàn. Cả hai đều xuất phát là những thiếu nữ xinh đẹp, ngây thơ và đơn thuần: Ba Trân lúc đầu là cô con dâu bị xem thường trong gia đình Hội đồng Lịnh còn Chân Hoàn là một thiếu nữ nhập cung với tước vị Thường tại (cấp bậc gần như là thấp nhất trong thứ bậc hậu cung triều Thanh, chỉ trên chức Đáp ứng và Quan Nữ tử).

Chân Hoàn và Ba Trân - nhữung người phụ nữ đầy quyền lực

Tuy nhiên, như ông bà ta hay nói hồng nhan thì bạc phận, cuộc đời của cả hai không được suôn sẻ như sắc đẹp của mình, những sóng gió trong cuộc đời liên tiếp bủa vây lấy cả hai, vùi dập họ cho đến tận đáy vực, tưởng chừng như họ không thể nào có thể đứng dậy được nữa. Chính trong những lúc kẻ thù bủa vây không lối thoát, cả hai đều đã chọn cách tự đứng lên: họ độc lập hơn, mạnh mẽ hơn và cũng trở nên tàn nhẫn và máu lạnh hơn bao giờ hết.

Ba Trân đầy quyền lực với địa vị cao trong họ Huỳnh.

Cuối cùng, cả hai đều đã giành được vinh quang tột đỉnh. Ba Trân trở thành một trong những nhân vật có địa vị cao nhất và tôn quý nhất trong gia đình Hội đồng Lịnh. Chân Hoàn trở thành Hi Quý phi, chưởng quản lục cung, địa vị như Phó hậu; sau này, khi con trai của mình đăng cơ trở thành Hoàng đế Càn Long, Chân Hoàn đã được con trai tôn phong làm Thánh mẫu Hoàng Thái hậu với tôn hiệu là Sùng Khánh Hoàng Thái hậu - nữ nhân cao quý nhất trong thiên hạ.

Bà Hai Lịnh và Nhân Thọ Hoàng Thái hậu Ô Nhã Thành Bích:
Những người phụ nữ hết lòng vì dòng họ, gia tộc

Nếu như bà Hai Lịnh là một người phụ nữ quyền quý, từ ánh mắt, điệu bộ và biểu cảm đều toát ra một sự quý phái và uy quyền bao trùm thì thần thái Hoàng Thái hậu Ô Nhã Thành Bích vừa ung dung, khoan hòa vừa nghiêm nghị, quyền lực. Cả hai đều là những người phụ nữ từng trải, đã trải qua quá nhiều biến cố trong cuộc đời nên tâm tư thâm trầm, khó đoán với nhiều uẩn khúc.

Những người phụ nữ đa lui về an dưỡng tuổi già nhưng sức ảnh hưởng và quyền lực vẫn không suy suyển.

Điểm chung lớn nhất của cả hai người phụ nữ chính là sự hết lòng vì lợi ích và quyền lực của gia tộc mình. Trong khi bà Hai Lịnh cực kì tôn sùng truyền thống gia đình và làm hết sức để gìn giữ nề nếp gia phong bao đời thì Hoàng Thái hậu Ô Nhã Thành Bích một mặt vừa bảo vệ sự thống trị của Hoàng tộc Ái Tân Giác La thị, một mặt vừa đảm bảo hai dòng họ Ô Nhã thị, Ô Lạt Na Lạp thị của ngoại tộc luôn giữ vững được thế độc tôn trong hậu cung.

Bảy Loan và Kính Quý phi Phùng Nhược Chiêu:
Sống an phận cả đời, hết lòng vì con cái

Motif phim cung đấu luôn có những tuyến nhân vật có tâm tư tưởng chừng như đơn thuần, không bon chen tranh giành sủng ái và địa vị tuy nhiên luôn tính toán âm thầm để có thể bảo toàn được địa vị và quyền lợi cho mình và con cái: đó là nhân vật Bảy Loan và Phùng Nhược Chiêu.

Những người phụ nữ luôn tỏ vẻ an phận thủ thường

Bảy Loan mang thân phận vợ lẽ của cậu Hai Nhứt, mà đã là vợ lẽ thì địa vị không thể nào bằng vợ cả Ba Trân được nên xuyên suốt bộ phim, Bảy Loan luôn là người hiền lành, cam chịu, ở trong nhà gần như không có quyền hành gì; tuy nhiên không vì thế mà Bảy Loan nhu nhược - cô sống cả đời vì an nguy của cậu con trai Thiện Khiêm nên không thể không tính toán trong âm thầm.

Kính Quý phi cũng là một người tương tự như vậy, địa vị trong cung lúc đầu của nàng vốn không cao nên luôn là một phi tần hiền lành, không cầu sủng ái, hiếm khi xen vào những cuộc đấu đá và có giao hảo tốt với Chân Hoàn, đã nhiều lần giúp đỡ Chân Hoàn trong những lúc ngặt nghèo. Khi Chân Hoàn rời cung đã tin tưởng giao Lung Nguyệt Công chúa cho Kính phi nuôi dưỡng, Kính phi thương yêu Lung Nguyệt như con ruột và xem đó là lẽ sống và chỗ dựa của cuộc đời về sau…

Tuyết Mai và Ninh tần Diệp Lan Y:
Nếp sống phóng khoáng, ưa tự do không muốn bị kiềm hãm

Cả nhân vật Tuyết Mai và Diệp Lan Y đều là những con người cá tính mạnh, với nếp suy nghĩ phóng khoáng, tự do, không thích bị kiềm kẹp trong lễ giáo, gia phong và cũng chính vì cá tính này đã khiến cho cả hai không được những người bề trên ưa thích.

Tuyết Mai và Diệp Lan Y: Những nhân vật phóng khoáng với đầu óc tự do.

Trong khi Tuyết Mai, vợ lẽ của Hai Phước, là một cô gái tân thời, suy nghĩ phóng khoáng, không thích nghi được với nề nếp nhà họ Huỳnh, ưa thích ăn mặc kiểu phương Tây nên nhiều lúc xảy ra mâu thuẫn giữa cô và mẹ chồng Ba Trân. Ninh tần Diệp Lan Y vốn là một cung nữ thuần dưỡng ngựa hoang cho triều đình, tính tình phóng khoáng, hoang dại, chỉ thích mặc y phục màu xanh. Ninh tần không thích nghi được với những lễ giáo và quy tắc hà khắc trong cung nên đã làm mất lòng không ít người.

Tư Thì và Cảnh Nhân cung Hoàng hậu Ô Lạt Na Lạp Nghi Tu:
Những người phụ nữ nguy hiểm xuất hiện vào phút chót

Một hình tượng nhân vật ta cũng thường bắt gặp trong các bộ phim cung đấu chính là tuyến nhân vật “ném đá giấu tay”, “gắp lửa bỏ tay người”: bề ngoài luôn đoan trang, hiền hậu nhưng luôn luôn là người đứng đằng sau tất cả những âm mưu tàn độc mà không ai có thể ngờ đến. Tư Thì và Ô Lạt Na Lạp Nghi Tu chính là những nhân vật tiêu biểu cho hình tượng này.

Những nhân vật phản diện xuất hiện vào phút chót.

Tư Thì là con nhà bần nông, đã lớn tuổi nhưng cưới cậu Hai Phước khờ khạo chỉ mới 16-18 tuổi. Vì xuất thân nghèo hèn nên cô làm hết mọi thứ trong nhà để phục vụ mẹ chồng, tắm rửa cho chồng. Tuy nhiên, Tư Thì không hề hiền như khán giả vẫn tưởng, cô chỉ im lặng nhìn ngó mọi thứ, chờ thời cơ. Cô biết hết mọi thứ trong gia đình, cả những chuyện xấu của mọi người để làm điểm mạnh của mình. Chính cô cũng là người đã đẩy đưa mọi người tự giết hại nhau, và đó chính là thứ làm cô trở thành nhân vật nguy hiểm nhất của bộ phim.

Ô Lạt Na Lạp Nghi Tu xuất hiện ngay từ đầu trong hình tượng một vị Hoàng hậu hiền lương thục đức, nhân ái, tiết kiệm vừa làm vừa lòng Hoàng đế Ung Chính, lại luôn đối xử khoan ái và chan hòa với cả hậu cung. Tuy nhiên càng về sau, những âm mưu thâm độc của Nghi Tu càng lộ rõ và sự tàn nhẫn trong những thủ đoạn ấy đã nhiều lần đưa Chân Hoàn vào thế dường như không thể nào gượng dậy nỗi. Nghi Tu luôn hành xử âm thầm, ra tay quyết đoán, sát phạt không gớm tay - chính điều đó đã khiến cho nhân vật Nghi Tu trở thành một trong những nhân vật phản diện kinh điển nhất trong dòng phim cung đấu.

“Mẹ Chồng” và “Hậu cung Chân Hoàn truyện”: Tiếng khóc chung
của những người phụ nữ sống trong xã hội phong kiến hà khắc

Tuy nhiên, dù kết cục và số phận của mỗi người phụ nữ như thế nào, dù những gì họ làm là đúng hay sai, dù là ở Việt Nam hay tại Trung Quốc thì tất cả đều là nạn nhân của lễ giáo phong kiến hà khắc, của một xã hội trọng nam khinh nữ, nơi giá trị của những người phụ nữ bị chà đạp. Mọi hành động và suy nghĩ của họ đều đến từ sự áp bức của những tư tưởng nặng nề, hà khắc, dồn họ đến chân tường để rồi cuối cùng đánh mất đi sự thiện lương, thuần hậu vốn có. Trong sự đè nén của lễ giáo gia phong, họ đã bị buộc phải thay đổi, họ bị buộc phải đối đầu nhau trong trận chiến một mất một còn để bảo vệ cho lợi ích của bản thân.

Dù là ở Việt Nam, trong một gia đình Hội đồng tại miền Nam đầu thế kỉ 20…

….hay là tại cung đình Mãn Thanh thế kỉ 18, phụ nữ thời này vẫn có số phận đầy đáng thương..

Cùng xem, để cùng cảm nhận và để con tim rung lên thổn thức trước những nỗi đau của phận người phụ nữ mong manh trong xã hội xưa.

Chia sẻ

Bài viết

Minh Khôi

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất