Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Review 'Star Wars: The Rise Of Skywalker': Cái kết còn quá an toàn cho thương hiệu lừng lẫy 42 năm

Có thể nói, The Rise of Skywalker mang âm hưởng của Star Wars: Return Of The Jedi cũng giống như cái cách mà The Force Awakens làm khán giả nhớ đến Star Wars: A New Hope.

Vào năm 2017, Lucasfilm đã cho ra đời một đứa con tinh thần đặc biệt đến mức được cộng đồng người hâm mộ mệnh danh là tập phim Star Wars có tính “phân cực” nhất từ trước đến nay. Trong khi Star Wars: The Last Jedi của đạo diễn Rian Johnson dành được nhiều thiện cảm của khán giả bởi kịch bản đầy bất ngờ, phá vỡ quy tắc thì cũng có không ít khán giả thể hiện quan điểm hoàn toàn đối lập, cho rằng phần tám quá “lạc quẻ” so với toàn cảnh chung của câu chuyện xoay quanh gia đình Skywalker.

Dù thích hay không, cả hai phía đều phải đồng tình rằng tầm ảnh hưởng của cú plot twist chốt hạ The Last Jedi đến toàn bộ hướng đi sau này của một thương hiệu Star Wars là không thể xem thường. Tuy vậy, trái ngược với suy đoán của nhiều người, thay vì phát triển mạch truyện dựa trên hướng đi khác biệt của phần trước, J.J. Abrams lại quyết định “đập đi xây lại”, khiến cho nội dung của Star Wars: The Rise Of Skywalker trở nên nhập nhằng, thiếu dứt khoát. Không những đem cú twist về thân thế Rey “đổ sông đổ bể” mà ông còn vô cùng nỗ lực trong việc xây dựng lại một câu chuyện mới toanh để cài thêm một quả twist thứ hai cực “căng” về vị thân sinh thật sự của cô nàng. Kịch bản rối rắm, thậm chí có lúc thừa mứa và phải đến khoảng 2/3 thời lượng thì The Rise of Skywalker mới tạm gọi là tạo được một chỗ đứng vững chắc để giải quyết triệt để cái kết.

Khó có thể nói Star Wars: The Rise of Skywalker là phần ngoại truyện hoàn hảo cho The Last Jedi.

Để không spoil quả plot twist đã nói trên, tránh ảnh hưởng đến trải nghiệm xem phim của độc giả, chúng ta sẽ không bàn luận cụ thể về vấn đề gây tranh cãi nhất trong toàn bộ phần cuối, nhưng vẫn phải nói rằng bộ phim khiến nhiều khán giả thực sự thất vọng vì đã hoàn toàn ngó lơ những tình tiết đầy tiềm năng trong phần trước. Ví dụ như sự trở lại của Luke Skywalker trong trận chiến ở Crait thắp nên tia hy vọng cho vũ trụ như thế nào? Hay chi tiết một cậu nhóc coi sóc chuồng ngựa ở thành phố Canto Bight có thể sử dụng thần lực mà không nhất thiết phải là “con ông này, cháu bà kia”. Thậm chí, phần cuối còn khiến fan bức xúc hơn nữa khi cố tình cắt xén bớt đất diễn của những mối quan hệ đóng vai trò quan trọng ở phần trước.

Cái cách mà Rian Johnson tiếp tục khai thác câu chuyện và phát triển nhân vật từ The Force Awakens tuy gây ra nhiều luồng ý kiến trái chiếu, nhưng ít nhất ông dám “chơi lớn” để tạo nên một lý tưởng mới chưa từng có trong tiền lệ. Trong khi đó, J.J. Abrams lại chọn cách “quay đầu là bờ”, đi theo hướng ngược lại để duy trì truyền thống phải là “con ông cháu cha” thì mới được ban cho hào quang nhân vật chính trong vũ trụ Star Wars. Cố gắng nhồi nhét quá nhiều thứ mà lại còn chẳng thèm hô ứng với phần trước nên mạch phim của The Rise of Skywalker càng chạy về sau lại càng đuối.

Phong cách làm phim của J.J.Abrams thể hiện rõ sự ngưỡng mộ của ông đối với bộ ba phim gốc. Trong khi bộ phim Star Wars đầu tiên của ông - The Force Awakens nhận được nhiều phản hồi tích cực từ giới chuyên môn và khán giả thì tiếc thay, The Rise of Skywalker lại không thành công như vậy. The Force Awakens không chỉ mở ra một viễn cảnh mới cho vũ trụ Star Wars sau ba thập kỷ kể từ những sự kiện trong Return of the Jedi, mà còn giới thiệu đến khán giả một dàn nhân vật mới đầy sức hút, từ Rey (Daisy Ridley), Finn (John Boyega), Poe (Oscar Isaac) cho đến Kylo Ren (Adam Driver).

Công thức được Abrams áp dụng trong The Force Awakens đã không còn phù hợp đối với The Rise of Skywalker

Thay vì đi sâu hơn vào hành trình quy phục bóng tối của Kylo Ren sau khi trở thành lãnh đạo tối cao của tổ chức First Order, bộ phim lại ngay lập tức “ bẻ lái” câu chuyện theo hướng ít người ngờ đến nhất: hoàng đế Palpatine (Ian McDiarmid) mà ai cũng tưởng là đã chết, thực chất vẫn còn sống nhăn răng và chính là kẻ đứng sau dàn xếp, giật dây mọi chuyện từ cuộc chiến giữa người Sith và Jedi cho đến những siêu vũ khí hủy diệt mới.

Hơn nữa, là phần cuối cùng của câu chuyện phức tạp xoay quanh gia đình Skywalker thì đáng ra The Rise of Skywalker phải có trách nhiệm đi giải quyết những chủ đề mà người hâm mộ quan tâm hoặc ít nhất phải cố gắng bước ra khỏi vùng an toàn, tập trung vào hiện tại chứ không phải cứ suốt ngày nhai đi nhai lại chuyện quá khứ.

Dành được nhiều lời khen nhờ những trận đọ lightsaber ngoạn mục

Ơn trời, có một khía cạnh duy nhất vẫn duy trì được phong độ đỉnh cao suốt ba phần hậu truyện, đó chính là những cảnh quay hoành tráng, bắt mắt và phần hiệu ứng đặc biệt được chau chuốt kỹ lưỡng đến từng chi tiết. Khoản tạo hình nhân vật từ con người cho đến những sinh vật không gian với đủ loại hình thù cũng được đầu tư triệt để và tạo được sự nổi bật đáng chú ý khi lên hình.

Có thể nói phần chín chính là phần phim Star Wars sở hữu những trận chiến lightsaber tuyệt vời nhất từ trước đến nay. Lần này, J.J. Abrams tiếp tục hợp tác với Dan Mindel để đem đến cho người xem những góc máy đáng giá trong những trận đọ sức liên tục giữa Rey và Kylo Ren. Sự lựa chọn địa hình chiến đấu hiểm trở với phần chỉ đạo võ thuật xuất sắc, cộng thêm sự đối lập giữa hai đầu chiến tuyến- một người hùng và một phản diện- chính là vài điểm sáng hiếm hoi để bù đắp được phần nào cho những người hâm mộ đã trót đặt kỳ vọng quá cao khi bước chân vào rạp xem phần cuối.

Dễ dàng thấy được Lucasfilm mang J.J. Abrams trở lại trong The Rise of Skywalker với hy vọng bộ phim sẽ giành được thành công ngoài mong đợi giống như “bom tấn” The Force Awakens năm nào, nhưng đáng tiếc thay, J.J. Abrams lại đi chọn phương án thỏa hiệp. Vì vậy mà khó có thể nói rằng The Rise of Skywalker là một cái kết xứng đáng với kỳ vọng của người hâm mộ Star Wars.

Bộ phim được công chiếu tại các cụm rạp trên toàn quốc từ 03/01/2020.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Anh Anh

Được quan tâm

Tin mới nhất