Tới ngày hôm nay, mới chỉ hai tháng trôi qua từ ngày siêu bom tấn Avengers: Endgame công phá màn ảnh rộng. Dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng vì trận đại chiến giữa Trái Đất và ác nhân Thanos, cũng như sự ra đi của Người Sắt Iron Man. Trong hoàn cảnh đó, hãng Marvel Studios vẫn nhanh tay tung ra bom tấn tiếp theo - Spider-Man: Far From Home, sẵn sàng bước vào giai đoạn 4 với những gương mặt chủ lực mới và phong cách mới.
Spider-Man/Peter Parker là nhân vật gia nhập vũ trụ điện ảnh Marvel đầy nhanh chóng và bất ngờ. Bản quyền chuyển thể Spider-Man vốn đã được hãng truyện tranh Marvel bán cho công ty Sony vào cuối thập niên 1990 - đầu thập niên 2000. Những năm sau đó, trong khi Sony bỏ ra nhiều nỗ lực làm phim về nhân vật này với kết quả bấp bênh, thì Marvel Studios dần xây dựng một vũ trụ chung vô cùng ăn khách. Cuối cùng, giữa hai hãng phim đã đạt được thỏa thuận để Spider-Man xuất hiện trong các phim của Marvel, trong khi quyền sáng tạo vẫn nằm trong tay của Sony.
Kết quả là vào năm 2016, nhân vật Spider-Man do diễn viên trẻ người Anh - Tom Holland thủ vai đã có màn ra mắt khán giả Marvel trong bom tấn Captain America: Civil War. Một năm sau, Spider-Man đã có ngay một phim riêng cho mình là Spider-Man: Homecoming và nhanh chóng tạo dựng dấu ấn, không hề lép vế trước những siêu anh hùng có thâm niên khác.
Sự xuất hiện đột ngột của Spider-Man đã khiến hãng Marvel phải đẩy lui ngày ra mắt một số siêu anh hùng như Black Panther và Captain Marvel. Tuy nhiên, chính gương mặt mới này lại góp phần tạo nên thay đổi vô cùng tiềm năng cho vũ trụ phim này. Vốn trước đó, các siêu anh hùng Marvel đều thuộc kiểu nhân vật thiên tài (Tony Stark, Bruce Banner, Stephen Strange), thần thánh (Thor), cư dân quốc gia hư cấu (Black Panther, Scarlet Witch) hay người đến từ quá khứ (Captain America).
Đây đều là những hình mẫu có tính nổi bật, rất hấp dẫn người xem, nhưng điểm yếu là họ không thể liên kết với khán giả, khiến khán giả đồng cảm và tâm đắc với nhân vật. Sự “xa rời hiện thực” này ngày càng mở rộng với những bộ phim ngoài vũ trụ như Guardians of the Galaxy, Thor: Ragnarok,…
Tuy nhiên, khi Spider-Man xuất hiện thì mọi chuyện lại khác. Peter Parker là một học sinh trung học bình thường, với xuất thân bình thường và đời tư như mọi cậu bé khác. Cậu cũng đến trường, cũng theo lớp đi thăm quan, cũng ráo riết chuẩn bị cho ngày hội prom, cũng đi thi học sinh giỏi, cũng ao ước thổ lộ với cô gái mình thích, cũng… nghiện phim Star Wars như vô vàn người khác. Peter có thể có siêu năng lực thật đấy, nhưng mọi thứ khác về cậu đều rất thân thuộc và gần gũi, khiến khán giả có cảm giác khác hẳn khi xem những siêu anh hùng Marvel khác.
Sự “đời thường” của nhân vật Spider-Man đã được hãng Marvel phô diễn rất tốt trong cả phần đầu Homecoming lẫn phần 2 mới ra mắt - Spider-Man: Far From Home. Không chỉ Peter Parker, mà những nhân vật xung quanh cậu như bạn thân Ned, bạn gái MJ… đều toát ra sự gần gũi, trẻ trung, một điều chắc chắn người xem Spider-Man có thể liên hệ được. Thậm chí, kẻ phản diện chính của phim - Quentin Beck/Mysterio thực chất cũng không phức tạp, bí ẩn như hắn đã thể hiện, mà có những động cơ, cách thức rất “người trần mắt thịt”. Nhân vật “chuyên nghiệp” duy nhất là Nick Fury, và xuyên suốt bộ phim, khán giả có thể thấy ông ta lạc lõng, khác biệt thế nào trước một biển nhân vật đời thường, dễ liên hệ của Far From Home.
Chính yếu tố gần gũi này đã tạo cho Người Nhện của vũ trụ Marvel một bản sắc rất riêng, khác biệt so với những nhân vật khác. Giai đoạn 3 của Marvel vừa mới khép lại với bom tấn Avengers: Endgame, và hiện hướng đi của hãng trong giai đoạn 4 vẫn chưa được tiết lộ. Rất có thể, với thành công vang dội của Spider-Man: Far From Home, sự đời thường, dễ tiếp cận sẽ là một vũ khí chủ lực trong những siêu phẩm của hãng phim này trong thời gian tới.
Spider-Man: Far From Home đang được công chiếu tại các hệ thống rạp trên toàn quốc.