Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

'Spider-Man: Far From Home': Khi MCU chịu khó chăm chút cho tuyến phản diện

Gây ấn tượng mạnh cả về mặt tư tưởng lẫn kế hoạch hành động, nhân vật Quentin Beck/Mysterio (Jake Gyllenhaal) nơi bom tấn Spider-Man: Far From Home tiếp tục là một kẻ phản diện đáng nhớ khác trong trường thiên vô cực của MCU.

Lưu ý: Bài viết có tiết lộ nội dung phim.

Một siêu anh hùng chỉ thực sự trở nên đáng nhớ khi hoặc anh (cô) ta sở hữu hành trình phát triển tâm lý thuyết phục, hoặc có kẻ thù ngang tài ngang sức để thách thức họ phát huy được hết toàn bộ tiềm năng. Hãy nhớ về những tác phẩm siêu anh hùng kinh điển mà bạn đã từng xem qua.

Nếu như The Dark Knight (2008) ghi điểm nhờ gã hề điên loạn Joker (Heath Ledger), bộ ba phim  X-Men (2000, 2003, 2006) với dị nhân Magneto (Ian McKellen), thì dự án cuối cùng khép lại trường thiên vô cực của MCU - Spider-Man: Far From Home (Người Nhện Xa Nhà) cũng chẳng hề kém cạnh trong việc xây dựng hình tượng phản diện lý thú. Đó chính là “chuyên gia xảo quyệt” Quentin Beck/Mysterio.

Trailer “Spider-Man: Far From Home

Đầu tiên, một nhân vật đặc sắc thường có một quá khứ hay ho. Tất nhiên, Quentin hoàn toàn đáp ứng được tiêu chí trên. Vốn là chuyên viên kỹ thuật từng làm việc ở Stark Industries, hắn đã nghiên cứu thành công công nghệ máy chiếu B.A.R.F (Binarily Augmented Retro-Framing) - sản phẩm hứa hẹn sẽ tạo nên đột phá lớn vào thời gian sắp tới.

Tuy nhiên, với tính khí tự cao tự đại, Tony Stark (Robert Downey Jr.) lại xem thường sáng chế ấy và lấy nó ra giễu cợt trước mặt các sinh viên trường MIT (Captain America: Civil War). Thậm chí, anh chàng tỉ phú còn nhẫn tâm tước đi bằng sáng chế của Quentin, cũng như sa thải tay kỹ sư này khỏi tập đoàn vì tin rằng “thần kinh gã ta không ổn định”.

Trích đoạn giới thiệu về công nghệ B.A.R.F trong “Civil War

Sau sự kiện Endgame, việc Tony Stark/Iron Man hy sinh, Captain America (Chris Evans) rửa tay gác kiếm đã khiến thế giới cực kì hoang mang. Tất cả đều nóng lòng trông đợi những vị cứu tinh mới, những người sẽ tiếp tục gánh vác sứ mệnh nặng nề từ thế hệ Avengers tiền nhiệm. Giữa tình cảnh đó, Quentin đã tìm thấy cho hắn cơ hội đổi đời. Bằng việc hợp tác cùng nhóm cựu nhân viên vốn có thù oán với Stark Industries, gã ta liền nhanh chóng triển khai kế hoạch biến mình thành siêu anh hùng thực thụ.

Sử dụng phiên bản nâng cấp của B.A.R.F, bao gồm vô số máy chiếu ba chiều hiện đại được gắn trên các thiết bị bay tàng hình, Quentin bắt đầu vẽ nên câu chuyện giả tưởng về lũ quái vật Elementals đang âm mưu thôn tính địa cầu, và rồi Mysterio - chàng trai dũng cảm từ chiều không gian khác sẽ cứu nhân loại thoát khỏi đại họa diệt vong.

Quentin Beck tiếp tục là một nhân vật phản diện thú vị khi sử dụng cái đầu để đối phó với siêu anh hùng.

Bên cạnh đấy, Quentin cũng rất khôn khéo khi luôn tìm cách chiếm lấy lòng tin nơi Nick Fury (Samuel L. Jackson) và Spider-man/Peter Parker (Tom Holland). Đúng như hắn dự liệu, nhóc Nhện “nhọ” lập tức sập bẫy và cho phép hắn quản lí EDITH, hệ thống tác chiến - phòng thủ thông minh trị giá hàng tỉ USD do Tony phát minh nhằm đề phòng tình huống xấu nhất. Có EDITH chống lưng, hắn đường hoàng ngồi lên chiếc ghế lãnh đạo nhóm Avengers, đồng thời giúp B.A.R.F ngày càng trở nên uy lực lẫn đáng sợ hơn gấp nhiều lần. Cứ thế, chỉ bằng trí thông minh của mình, Quentin đã dễ dàng qua mặt Spider-man, thâu tóm cho bản thân nguồn sức mạnh công nghệ khủng khiếp và tích cực ghi điểm trong mắt công chúng.

Với khả năng “đạo diễn” và tạo ra ảo ảnh, Mysterio suýt chút nữa đã đánh lừa được Nhện “nhọ” lẫn tổ chức SHIELD.

Với màn biến hoá đa dạng xuyên suốt 120 phút trình chiếu, nam tài tử Jake Gyllenhaal đã đem tới một nhân vật phản diện hết sức ấn tượng, có tài hùng biện và nét diễn nhập tâm khó đoán. Chẳng cần nắm giữ siêu năng lực bẩm sinh hoặc mớ tài sản kết xù, gã kỹ sư Quentin vẫn làm khán giả phải sửng sốt trước “chiến dịch mị dân” hoàn hảo lẫn tinh vi đến nỗi, nếu không nhờ cô nàng MJ (Zendaya) tình cờ phát hiện chiếc máy chiếu ngụy trang, thì mọi tính toán của hắn sẽ đều tiến triển trót lọt. Chắc chắn rằng, sau Helmut Zemo (Captain America: Civil War), Erik Killmonger (Black Panther) hay Thanos (Avengers: Infinity War và Endgame), Quentin Beck chính là cái tên tiếp theo đáng được xếp vào hàng ngũ những kẻ phản diện thú vị nhất vũ trụ điện ảnh Marvel.

Jake Gyllenhaal đã hoàn thành xuất sắc vai diễn của mình trong bom tấn “Spider-man: Far From Home”.

Chưa kể, đối với cộng đồng fan truyện tranh, hình mẫu Mysterio tại Far From Home còn được xây dựng và cải biên rất đỗi hợp lí. Mặc dù vẫn giữ nguyên năng lực, tư tưởng lẫn phương châm hành động tương tự nguyên tác gốc, nhưng giờ đây, Quentin Beck phiên bản MCU còn đánh dấu bước chuyển mình quan trọng ở nhân vật này, từ một tay phản diện hạng B thành biểu tượng phản ánh thời cuộc. Trong lúc Helmut Zemo đặt ra câu hỏi lớn xoay quanh vấn đề kiểm soát siêu anh hùng, Erik Killmonger là ngọn lửa đầy căm phẫn của nạn phân biệt chủng tộc, thì “chuyên gia xảo quyệt” Mysterio lại khiến người xem suy tư bởi hệ lụy khôn lường mà fake news (tin tức giả mạo) có thể gây nên.

Chắc chắn, con bài tẩy mà Quentin tung ra tại đoạn post credit sẽ làm đông đảo khán giả phải sững sờ.

Cụ thể, tưởng chừng sau khi đích thân đánh bại Quentin, Peter Parker sẽ có thể thở phào nhẹ nhõm. Trớ trêu thay, cậu nhóc ấy không hề hay biết rằng, hắn ta vẫn chưa tung ra con át chủ bài cuối cùng. Trong phần post credit, đội ngũ kỹ thuật bên phía Quentin đã gửi cho trang Daily Bulge một đoạn clip fake, được cắt dựng và biên tập giọng nói khéo léo nhằm đổ tội giết người lên đầu Spidey, cũng như vạch trần danh tính thật sự của chàng Nhện “nhọ”.

Phân cảnh kịch tính trên chẳng khác gì lời cảnh báo về mối nguy hại tiềm tàng mang tên deepfake, công nghệ giả mạo danh tính bằng cách ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Sở hữu mức độ chân thực vượt ngoài sức tưởng tượng, cộng thêm việc chỉ cần vài ba tấm ảnh từ nạn nhân, hoặc đoạn ghi âm giọng nói là đủ để tạo ra một đoạn clip giả, deepfake làm ảnh hưởng nặng nề tới danh dự, uy tín của người bị hại. Thậm chí, các nhà khoa học còn khẳng định rằng, nếu chính quyền thế giới không thể kiểm soát nổi các phần mềm “đen” này, chúng sẽ góp phần kích động những biến động xã hội, bạo loạn chính trị cực kì khủng khiếp trong tương lai không xa.

Một ví dụ kinh điển về sự đáng sợ của ứng dụng deepfake

Con người… không thể sống mà thiếu lòng tin, họ sẽ tin vào bất cứ thứ gì”, Quentin đã nói với Peter như thế. Hơn ai hết, hắn hiểu rất rõ, ở một thời đại nơi công nghệ phát triển vượt bậc, ranh giới giữa sự thật và giả dối thật quá mong manh. Lúc báo giấy và đài truyền hình đang mất dần ưu thế trước các trang tin online cùng cộng đồng dư luận viên trên mạng xã hội, thì bất cứ ai cũng có thể thao túng đám đông nếu họ biết sáng tạo nên những “nội dung” cuốn hút. Vì vậy, nhờ đội ngũ hùng hậu hỗ trợ về mặt kịch bản, trang phục lẫn hiệu ứng đặc biệt, Quentin dễ dàng đánh lừa được cả thế giới và lực lượng siêu anh hùng.

“Rồi cậu sẽ hiểu, Peter. Con người… không thể sống mà thiếu lòng tin, họ sẽ tin vào bất cứ thứ gì”.

Kể từ thời điểm Avengers: Endgame đổ bộ lên màn ảnh rộng, hình tượng tay tỷ phú Tony Stark trong mắt hàng triệu khán giả là một siêu anh hùng chính trực, sẵn sàng hy sinh bản thân vì đại nghĩa. Tuy nhiên, Quentin Beck liền nhanh chóng xuất hiện và thách thức lại quan điểm vừa rồi. Những hậu quả do cái tính khí ẩm ương, cao ngạo nơi Tony Stark gây ra vẫn còn hiện diện ở đấy. Mysterio suy đến cùng cũng chỉ là một nạn nhân của mặt tối chủ nghĩa siêu anh hùng, khi những kẻ mạnh tự cho mình cái quyền phán xét và xem thường kẻ khác.

Spider-Man: Far From Home khởi chiếu trên toàn quốc từ ngày 05/07/2019.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Bánh Bao

Được quan tâm

Tin mới nhất
Giới trẻ nghĩ gì về Yamaha Janus hoàn toàn mới, nâng cấp có xứng đáng?
Lee Hooyeon kể trải nghiệm thú vị khi cùng Wukong hẹn hò tại New World Phu Quoc