Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

So về độ chịu chi, các ekip phim cung đấu Thanh triều khác chỉ có thể ngã mũ chào thua trước 'Như Ý truyện'

Ê-kíp của "Hậu cung Như Ý truyện" đã làm được những điều vô tiền khoáng hậu mà có lẽ rất lâu nữa, mới có một bộ phim có thể chạm đến ngưỡng này!

Càng bước dần đến những giai đoạn sau thì Hậu cung Như Ý truyện càng chứng tỏ được đẳng cấp và trình độ của mình, đã sớm trở thành một trong những bộ phim kinh điển về Thanh triều dù vẫn chưa đi đến hồi kết thúc. Bên cạnh nội dung ngày càng gay cấn, đi vào chiều sâu, thì tạo hình và bối cảnh của Như Ý truyện cũng là một yếu tố quan trọng góp phần vào sức hút chung của bộ phim.

Khác với rất nhiều các ê-kíp làm phim khác, trong quá trình sản xuất bộ phim đều phải tính toán cẩn thận để có thể giảm mức chi tiêu xuống thấp nhất có thể - Như Ý truyện, ngược lại, dường như muốn chứng tỏ mức độ “đại gia” của mình - để xứng với 600 triệu NDT kinh phí sản xuất - khi liên tục đưa khán giả đi từ ngạc nhiên này đến bất ngờ khác về độ “chịu chi” của mình. Dù bị rất nhiều khán giả quay lưng vì những lí do… khó hiểu nổi, nhưng những giá trị rất lớn mà Như Ý truyện mang lại về mặt văn hóa-lịch sử là khó có thể phủ nhận được.

 Lần đầu tiên mà Triều phục của Hậu phi Đại Thanh
được phục dựng quy mô lớn chưa từng thấy.

Hậu phi của Thanh triều trong lịch sử có bốn loại trang phục chính: triều phục, cát phục, thường phục và tiện phục. Trong đó, triều phục là loại lễ phục cao quý nhất của nội cung, chỉ được sử dụng trong các dịp lễ trọng đại nhất trong Tử Cấm Thành như dịp sách phong hoặc các đại lễ khác; cát phục là loại trang phục cao quý thứ hai, cũng là một loại lễ phục (nhưng ít trang trọng hơn triều phục một bậc), được mặc trong các dịp lễ, tết hoặc các lễ lạc trong cung; thường phục  tiện phục là hai dạng thức áo mặc ngày thường, kiểu dáng, màu sắc và hoa văn sẽ đa dạng và phong phú hơn.

Một ví dụ về cát phục: Phú Sát Lang Hoa trong bộ cát phục - gồm long quái màu xanh thêu rồng khoác bên ngoài, vạt xẻ tà; bên trong mặc thêm một lớp áo; đầu đội điền tử đính đầy trâm vàng, mã não và điểm thúy.

A Nhược trong cát phục (có lẽ cho bậc Tần hoặc Quý nhân), đầu đội điền tử.

Theo điển chế Thanh triều chỉ có các bậc sau Hoàng Thái hậu, Hoàng hậu, Hoàng Quý phi, Quý phi, Phi và Tần mới được ban triều phục, còn các bậc từ Quý nhân trở xuống Thường tại, Đáp ứng chỉ được sử dụng cao nhất là cát phục. Triều phục được cấu tạo từ tổng cộng 10 bộ phận, với các quy định cực kì chặt chẽ về chất liệu, màu sắc, hoa văn, số lượng trân châu và ngọc đính kèm trên các chi tiết, thể hiện rõ ràng cấp bậc và địa vị của người mặc.

Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu Phú Sát thị trong triều phục mùa đông, chuỗi triều châu sử dụng là đông châu có màu trắng.

Tuệ Hiền Hoàng Quý phi Cao Giai thị trong triều phục mùa đông. Bà sử dụng triều châu từ mật phách có màu vàng mật. Số lượng đông châu đính trên triều quan của Hoàng Quý phi cũng ít hơn Hoàng hậu. Chỉ một vài chi tiết rất nhỏ thôi cũng đã phân biệt giữa Hoàng hậu và Hoàng Quý phi…

Vì thế, nên việc phục dựng, chế tác lại một bộ triều phục tiêu tốn chi phí hơn hẳn các loại trang phục khác. Từ trước đến nay, ngay cả những bộ phim cung đấu Thanh triều được xếp vào hàng “kinh điển” vẫn chưa thể phục dựng được một bộ triều phục một cách chuẩn xác, vì thế các đoàn phim luôn tìm cách “né” loại trang phục “khó xơi” này, ngay cả huyền thoại Hậu cung Chân Hoàn truyện cũng đem đến khán giả một bộ triều phục chưa hoàn chỉnh. Thậm chí cả Diên Hi công lược đình đám gần đây cũng chỉ “dám” tái hiện lại hai bộ triều phục rất chuẩn xác: một bộ triều phục Hoàng hậu của Nhàn Phi Na Lạp Thục Thận và một bộ triều phục Hoàng Quý phi của Lệnh Phi Ngụy Anh Lạc.

Thế nhưng, như để minh chứng cho sự “chịu chi bạo” của mình, 80% dàn hậu cung của Như Ý truyện đều sở hữu riêng cho mình một bộ triều phục lộng lẫy, được làm lại với những chi tiết sát với điển chế thời Thanh nhất! Có một sự ví von hơi buồn cười nhưng đúng - trong khi các đoàn làm phim khác tránh sử dụng triều phục đến mức tối đa, thì ngược lại, đoàn làm phim Như Ý truyện như sợ các nhân vật không có dịp được mặc triều phục nên tần suất xuất hiện của triều phục được đẩy lên đến mức nhiều nhất có thể, vượt hẳn các tác phẩm khác!

Cảnh Nhân cung Hoàng hậu Ô Lạt Na Lạp Nghi Tu mặc triều phục trước khi đón nhận cái chết của mình.

Cao Hi Nguyệt trong triều phục Quý phi.

Bạch Nhị Cơ trong triều phục của bậc Tần.

Lễ nghi được tái hiện lại không thể xa hoa nhưng bài bản -
cùng các đại cảnh hoành tráng đến choáng ngợp!

Chỉ mới trải qua hơn một nửa chặng đường, nhưng khán giả đã được dịp mãn nhãn với các đại cảnh vô cùng choáng ngợp, tái hiện các nghi thức quan trọng nhất của triều đình Mãn Thanh lúc bấy giờ: Đại tang của Tiên đế Ung Chính, Đại điển đăng quang của Càn Long Đế, Đại tang của Hiếu Hiền Hoàng hậu Phú Sát Lang Hoa, Đại điển sách lập Hoàng hậu của Ô Lạt Na Lạp Như Ý. Tất cả các cảnh trên đều là các đại cảnh, quy tụ dàn diễn viên quần chúng đông đảo, nhất nhất các lễ nghi quỳ bái, tiền hô hậu ủng.

Nếu như ở một số phim khác (điển hình là Hậu cung Chân Hoàn truyện) đã tái hiện được khá đầy đủ đại điển đăng cơ của Hoàng đế cũng như Hoàng đế đại tang, khiến cho khán giả phần nào hình dung các đại lễ trên, thì có thể nói, đây là lần đầu tiên trong lịch sử phim Hoa Ngữ, đại điển sách lập Hoàng hậu cũng như các lễ sách phong phi tần trong hậu cung được tái hiện thông qua Như Ý truyện. Với đầy đủ các chi tiết và quy định được ghi trong điển chế Thanh triều: có đầy đủ Chánh sứ và Phó sứ bưng cờ tiết màu minh hoàng (tượng trưng cho Hoàng đế) và kim sách sắc phong, có hương án bày trước tẩm cung của phi tần để đặt cờ tiết và kim sách, có nữ quan tuyên chiếu.

Lễ sách phong Gia Quý nhân thành Gia Tần, Mai Quý nhân thành Mai Tần, A Nhược thành Thận Thường tại.

Các phi tần nhận sách phong từ tay các nữ quan.

Đặc biệt, phân cảnh Như Ý được sách lập làm Hoàng hậu là một trong những đại cảnh mang tính dồn nén cao độ, khi đoàn làm phim quyết định phô bày hết tất cả sự xa hoa, tú lệ của một thời đại thịnh thế vào một lễ sách phong!

Nhận kim sách bằng vàng có sáu trang từ nữ quan, một trong những nghi thức đầu tiên trong việc sách lập Tân hậu.

Theo đúng điển chế, sau khi Hoàng hậu nhận kim sách và phượng ấn tại tẩm cung sẽ tiến về Thái Hòa điện để tạ ơn Hoàng đế.

Bên cạnh đó, một trong những đại cảnh cực kì vĩ đại mà đoàn làm phim đã tái hiện được chính là cảnh săn bắn tại Mộc Lan vi trường. Mộc Lan vi trường là một địa điểm có thật, ngày nay thuộc lãnh thổ Mông Cổ, phía Bắc Trung Quốc. Thuở xưa, người Mãn Châu giành được giang sơn trên lưng ngựa, nhờ các kĩ năng cưỡi ngựa, bắn cung mà đánh bại Minh triều, lập ra Thanh triều. Do vậy, Hoàng tộc Ái Tân Giác La - nhà Mãn Thanh hàng năm tổ chức các buổi tranh đấu kĩ năng du mục tại Mộc Lan vi trường - như một hành động để tưởng nhớ tổ tiên. Đây cũng là dịp Hoàng đế Thanh triều gặp gỡ các đầu mục, Thân vương Mông Cổ để thắt chặt liên minh Mãn-Mông theo truyền thống.

Đại cảnh hoành tráng với binh lính từ Mãn châu Bát kỳ.

Lều trại san sát nhau, tái hiện lại đúng lối sống của người Mãn Châu trước khi nhập quan.

Tất cả lều đều hướng về căn lều của “Đại Hãn” tức Hoàng đế.

Và đúng rồi, bạn không đoán nhầm đâu, toàn bộ ê-kíp hàng trăm con người đã rong ruổi đến tận đất nước Mông Cổ xa xôi, đến đúng tận địa điểm bãi săn bắn Mộc Lan khi xưa để tiến hành cảnh quay đắt đỏ này... Đúng tại nơi đoàn làm phim thực hiện những phân cảnh này, cách đây 200-300 năm, là cấm địa thực sự của Hoàng gia, nơi người thường không bao giờ được bén mảng đến!

Sử dụng máy ảnh cổ để chụp ảnh poster quảng bá phim

Có lẽ, nếu xếp hạng đoàn làm phim có tâm nhất trong việc quảng bá, thì ê-kíp Như Ý truyện chắc chắn phải có một vé vào thẳng vòng chung kết. Bạn hãy nhìn kĩ từng bức ảnh bên dưới trước đã…

Hậu cung của Càn Long thời kì sau, lúc này Như Ý đã làm Hoàng hậu. Cả hậu cung đều đang mặc cát phục, đầu đội điền tử quan.

Từ trái sang: Như Ý, Yến Uyển, Ngọc Nghiên, Hi Nguyệt và Lang Hoa.

Dàn hậu cung Càn Long thời kì đầu, khi Phú Sát Lang Hoa vẫn còn sống.

Đây là sự hội ngộ định mệnh, khá đặc biệt trong lịch sử phim ảnh Hoa Ngữ khi hai diễn viên kì cựu cùng xuất hiện trong một bức ảnh: Trần Xung (vai Cảnh Nhân cung Hoàng hậu Ô Lạt Na Lạp Nghi Tu) và Ô Quân Mai (vai Hi Quý phi - Sùng Khánh Hoàng Thái hậu Nữu Hổ Lộc Chân Hoàn). Điều thú vị là cách đây gần 30 năm, trong bộ phim “The Last Emperor” giành giải Oscar năm 1985, cả hai nữ diễn viên lão làng cũng đã từng chạm trán nhau với vị thế đích-thứ tương tự: trong khi Trần Xung đóng vai Hoàng hậu Quách Bố La Uyển Dung thì Ô Quân Mai hóa thân thành Thục Phi Ngạch Nhĩ Đức Văn Tú.

Tất cả các bức ảnh trên không phải chỉ đơn giản chụp bằng máy ảnh tối tân hiện đại và bỏ thêm một lớp filter cho có vẻ cũ kĩ đâu! Bạn chắc chắn sẽ không khỏi sửng sốt khi biết được, tất cả những bức ảnh trên đều được chụp bằng loại máy ảnh cổ với thân máy lớn, có tuổi đời trên dưới một thế kỉ! Nhìn vào những bức ảnh trên, đảm bảo rất nhiều người lầm tưởng đây là những bức hình có tuổi thọ trên 100 năm. Thế mới biết, chỉ là vài bức ảnh phục vụ cho công cuộc quảng bá mà ê-kíp Như Ý truyện cũng dụng tâm đến như thế này…

Chả cần phục dựng vì sử dụng luôn cả đồ thật!

Thật đấy, bạn không nghe lầm đâu, được biết, bộ hộ giáp gồm bốn chiếc của Như Ý sử dụng trong đại điển lập Hậu của mình không phải là hàng phục dựng, mà là hàng thật 100%…

Hộ giáp bạc khảm điểm thúy được Như Ý sử dụng từ khi được sách lập làm Hoàng hậu.

Đây là một trong những món đồ thuộc bộ sưu tập cổ vật của Trương Thúc Bình lão sư (cố vấn thiết kế tạo hình riêng của Như Ý) cung cấp cho đoàn làm phim, nếu để ý kĩ ta có thể thấy các chi tiết hoa văn kim loại đã bị rỉ sét ít nhiều dưới tác động của thời gian, các mảnh điểm thúy cũng có dấu hiệu phai tàn ít nhiều - tạo nên một vẻ đẹp thuần cổ cho bộ hộ giáp tuyệt đẹp này. Rất khó biết được, liệu bộ hộ giáp này trong lịch sử đã từng thuộc về ai?

Liệu ai có thể đánh bại nổi Như Ý truyện?

Trên đây chỉ là một vài chi tiết nhỏ, trong tổng thể muôn vàn chi tiết khác, mà đoàn làm phim Như Ý truyện đã cất công thực hiện, và chắc chắn sau khi bộ phim kết thúc, những giá trị, dư âm và tầm ảnh hưởng của nó sẽ còn kéo đến một thời gian rất dài, không thua kém những “siêu phẩm” cung đấu kinh điển khác. Và thật vậy, Như Ý truyện đã tự đặt nên một chuẩn mực, đẳng cấp mới quá cao, mà các bộ phim sau khi nhìn đến cũng phải ngao ngán lắc đầu. Vì đúng như lời chia sẻ của diễn viên Hoắc Kiến Hoa - “Quay xong bộ phim này, quả thật chả biết phải nên làm gì khác nữa, vì mọi thứ đã ở tầm quá cao mất rồi!”.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Minh Khôi

Được quan tâm

Tin mới nhất