Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

'Slender Man' đích thị là phim kinh dị dở nhất 2018 và đây là lý do

"Slender Man" - Sản phẩm của đạo diễn Sylvain White đích thị là nốt nhạc buồn của Sony trong năm nay. Thật may mắn khi bộ phim đã bị cấm chiếu tại Việt Nam.

Sau nhiều lùm xùm kể từ lúc quá trình sản xuất bắt đầu, bộ phim kinh dị siêu nhiên Slender Man cuối cùng cũng ra mắt khán giả vào ngày 10/8 vừa qua. Tuy nhiên, như những dự đoán từ trước, đặc biệt là khi đoạn trailer chính thức được tung ra, Slender Man là “quả bom xịt” đầy thất vọng của Sony khi chỉ nhận được 2,9 điểm trên iMDb và 8% “cà chua thối” trên Rotten Tomatoes. Vậy, đâu là nguyên nhân khiến cho một trong những nhân vật kinh dị được săn đón và nổi tiếng nhất của CreepyPasta là trở thành “con ghẻ” bị tẩy chay của màn ảnh Hollywood?

Poster chính thức của “Slender Man”.

Phe chính diện nhạt nhoà, thiếu “muối”

Nhân vật chính luôn là thỏi nam châm hút người xem bên cạnh tên phản diện trong bất cứ tựa phim nào, thế nhưng với Slender Man, các khán giả thà bỏ toàn bộ thời gian chờ đợi đến cảnh của ác ma xúc tu mặc vest đen hơn là phải chịu đựng khả năng diễn xuất nhạt nhẽo của nữ chính.

Ở những phút đầu tiên, Slender Man dẫn dắt người xem vào câu chuyện về bốn cô gái bị săn đuổi bởi thực thể cao kều đáng sợ. Thế nhưng, mạch phim vốn phải dồn dập và hồi hộp đã bị phá hoại bởi những đoạn tán gẫu nhàm chán và sáo rỗng của hội bạn.

Nhân vật Katie được yêu thích nhưng lại chết đầu tiên.

Hơn nữa, nhân vật Katie (do Annalise Basso thủ vai) được cho là có nét diễn xuất duyên dáng và có dấu ấn nhất hội bạn lại là cái tên “ngủm” đầu tiên dưới tay Slender Man chỉ sau 15 phút đầu. Ba cô gái còn lại thì cứ “ù ù cạc cạc” đưa ra hàng loạt các quyết định sai lầm ngu ngốc, đến mức khán giả phải chuyển hẳn sang “ủng hộ” cho tên phản diện để xoá sổ bọn họ càng sớm càng tốt.

Hàng loạt cảnh quay trong trailer không có trong phim

Để đem “con cưng” của mình tránh xa khỏi lưỡi rìu dư luận từ vụ án “Slender Man stabbing” diễn ra vào năm 2014, Sony đã quyết định cắt xén bộ phim, bỏ đi vô số các cảnh quay quan trọng mà những trailer trước đó đã “nhá hàng”.

Cảnh cô gái ghê rợn trong chiếc đầm trắng chỉ xuất hiện chớp nhoáng trong phim.

Chính “nước” đi này của ông lớn từng đứng sau thành công của Spider-Man: Homecoming đã giáng đòn đau đớn lên Slender Man, khiến cho mạch phim rời rạc và khó hiểu. Chẳng hạn như việc cái chết của hai nhân vật sống sót cuối phim bị cắt đi, vô hình trung làm cho họ “bốc hơi” mà không có một lời giải thích. Nếu sớm nhận ra sản phẩm cuối cùng sẽ đứt đoạn và tệ đến như vậy, Sony có lẽ nên “đẩy” bản đầy đủ của Slender Man lên Netflix, hơn là để phim bại trận ngoài phòng vé tháng Tám.

Những đoạn hội thoại dở tệ đến vớ vẩn

Nếu vẫn còn đang tranh chấp ngôi vị “phim kinh dị dở nhất 2018” cùng Truth or Dare, thì Slender Man đã tranh thủ ẵm lấy danh hiệu “Phim có những đoạn trò chuyện dở nhất 2018”.

Lời thoại của hội bạn thân được viết bởi biên kịch ở độ tuổi trung niên.

Thực chất, điều này cũng khá dễ hiểu khi kịch bản của Slender Man được chấp bút bởi David Birke - một biên kịch trung niên, trong khi phim lại xoay quanh những cô nàng tuổi teen hừng hực thanh xuân. Từ những câu đùa cợt đến lời độc thoại có vẻ nghiêm túc như “Nó giống như virus máy tính vậy… Nhưng nó lại trong não chúng ta!“, các nữ diễn viên trẻ tội nghiệp chắc hẳn phải cố không nhịn cười và giữ nét mặt thật trầm ổn để truyền tải câu thoại đến người xem.

PR quá đáng cho sản phẩm của Sony

Với những ai từng xem qua kho tàng phim ảnh của Sony thì chắc hẳn sẽ để ý đến cách hãng quảng cáo cho các sản phẩm công nghệ của mình. Đặc biệt với Slender Man lần này - một tựa phim liên quan khá nhiều đến đồ dùng điện tử thì Sony như có thêm “đất lành” để quảng bá cho càng nhiều sản phẩm càng tốt.

Máy tính, điện thoại trong phim đều được PR trá hình.

Toàn bộ điện thoại được các nhân vật sử dụng trong phim để nhắn tin hoặc xem clip Slender Man đều của Sony, và hãng cũng tranh thủ tận dụng góc quay để logo của mình được hiện “lù lù” trên màn hình. Ngoài ra, một đồng môn khác của Sony là Dell cũng có cơ hội để phủ sóng thương hiệu khi đem máy tính của mình vào phim, cụ thể là trong cảnh quay khi các cô gái lên mạng để tìm hiểu về tên ác ma. Tóm lại, chính những màn PR lố và kém sang của Sony đã khiến cho bộ phim đã không hay lại càng thêm mất thiện cảm.

Kỹ xảo điện ảnh dở tệ đến mức hài hước

Được xem là tựa phim kinh phí thấp hiếm thấy của Sony, Slender Man vốn phải theo đuổi phong cách kinh dị chân thật, trần trụi chứ không nên sử dụng kĩ xảo, đồ hoạ đắt tiền. Vì thế, không ngoa khi khẳng định sự can thiệp của CGI là một trong những yếu tố chính khiến tác phẩm về quái nhân CreepyPasta không đáp ứng được kì vọng của fan.

Sự lạm dụng kỹ xảo không cần thiết đối với một tựa phim “low-budget”

Cụ thể, trong cảnh phim khi một cậu thanh niên bị Slender Man bắt và chiếm đoạt, đầu của cậu đã bị vặn lại và xoay vần trên không nhờ CGI, và nó kì cục đến mức khán giả không biết phải phản ứng ra sao với cái chết của cậu, khóc ròng hay bật cười vì quá hài hước. Thêm vào đó, cảnh cuối phim khi “Ông Kẹ” lộ diện mà đáng ra phải thật hào hùng và “lạnh xương sống” lại tiếp tục bị tàn phá bởi chính kỹ xảo không cần thiết.

Cái kết bị vùi dập

Tuy toàn bộ phim là một mớ hỗn độn, nhưng đoạn kết của Slender Man lại khá triển vọng. Cảnh nữ chính vật lộn cùng tên phản diện trở nên thú vị đến bất ngờ, nhưng rồi khi mọi thứ kết thúc, một giọng nói vô thưởng vô phạt bỗng dưng cất lên như báo hiệu cho một cơn ác mộng mới có lẽ sẽ không bao giờ bắt đầu.

Dù sao thì trong cái rủi cũng có cái may, khi cái kết lên xuống thất thường này cũng khá phù hợp để kết thúc 85 phút như tra tấn của Slender Man.

Cái kết của “Slender Man” cũng khiến người xem chưng hửng không ít.

Dù có nhiều sạn, nhưng Slender Man cũng có một ít điểm sáng cần phải khen ngợi, như phần nhạc và âm thanh của phim, hay một số cảnh phim thật sự ghê rợn và đặc sắc (những clip tư liệu về Slender Man xuất hiện, tấn công trẻ em ngoài đời, sự xuất hiện không báo trước của hắn,…).

Xem qua trailer chính thức của “Slender Man”.

Nhìn chung, từ đầu chí cuối thì Slender Man là nồi chè thập cẩm và tạp nham chính hiệu, đến mức khán giả không thể coi nó như một tựa phim “dở đến mức hay” hoặc dành để xem giải trí cuối tuần. Có lẽ việc bị cấm chiếu ở Việt Nam cũng là tốt để ngăn khán giả không phải tốn thời gian và tiền bạc để ra rạp chịu đựng “kiệt tác” của Sony.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Pennington

Được quan tâm

Tin mới nhất