Trở lại màn ảnh rộng với phim Shadow, đạo diễn Trương Nghệ Mưu đã cho thấy tư duy điện ảnh và thẩm mỹ đỉnh cao của mình. Tác phẩm khai thác tối đa đối lập âm - dương, cả bộ phim như một chuỗi những hình ảnh đối lập trắng đen nối tiếp nhau một cách linh hoạt, tạo nên sự choáng ngợp và day dứt cho người xem ngay cả khi ra về.
Shadow lấy bối cảnh giả tưởng khi Trung Quốc cổ đại bị chia cắt thành nhiều vương quốc nhỏ, những vương quốc, Chúa công, quý tộc không ngừng tranh chấp để chiếm đất đai, quyền lực của nhau. Trước tình cảnh ấy, với mục đích giữ lấy mạng sống của bản thân, các bậc đế vương, quý tộc thường sử dụng “ảnh tử” để thế thân cho mình. “Ảnh tử” sống trong bóng tối, bị xóa mọi dấu vết về danh tính, được huấn luyện cho giống hệt chủ nhân để thay chủ vào sống ra chết, sẵn sàng đi vào chỗ tử. Và Shadow là một câu chuyện về “ảnh tử” như thế.
Bức tranh thủy mặc trắng đen gây ám ảnh
Mỗi hình ảnh trong Shadow đều cho thấy sự trau chuốt, dụng công của đạo diễn, từ thái cực đồ hai mảng trắng đen, chiếc ô và thanh gậy đến trang phục của phu nhân Tiểu Ngải, “ảnh tử” và đô đốc Tử Ngu. Tất cả tạo nên những khung hình vừa đối lập vừa hài hòa, các thế võ cộng hưởng với hiệu ứng slow-motion trở nên uyển chuyển và mãn nhãn hơn bao giờ hết.
Đặc biệt, bộ phim Shadow chìm trong sắc trắng đen từ đầu đến cuối, chỉ duy nhất màu da người và màu máu đỏ có màu, nổi bật đến chói mắt trên phông nền trắng đen. Trong tác phẩm lần này của Trương Nghệ Mưu, người xem có thể dừng lại ở bất cứ cảnh quay nào để lấy ra một thước hình đẹp như tranh thủy mặc, mọi khung cảnh phía sau đều được tối giản về sắc độ và chi tiết đến tối đa, làm hiện rõ lên hình ảnh con người nhỏ bé ở giữa - những con người đầy toan tính và dục vọng cá nhân.
Sự tối giản, tĩnh lặng tối đa của cảnh vật và lòng người rối ren, phức tạp tạo nên hai thái cực của Shadow. Trên phông nền đẹp như tranh thủy mặc, con người chỉ biết đối đầu, chém giết. Trái ngược với cảnh thơ tựa tranh vẽ, những cảnh hành động, chém giết được tả thực, tiếng máu chảy xối xả, hình ảnh dao đâm, đầu lìa, máu đỏ lẫn vào dòng nước trở nên ám ảnh với người xem hơn tất thảy.
Yếu tố nước được sử dụng tinh tế
Trong trận chiến giành lấy Cảnh Châu giữa Viêm quốc và nước Bái, đạo diễn Trương Nghệ Mưu đã sử dụng yếu tố nước một cách tinh tế. Đối nghịch với tướng Dương Thương mạnh mẽ và quyết liệt như lửa, có khả năng nhanh chóng hạ gục đối phương chỉ trong vòng 3 hiệp chiến, chỉ có nước mới có thể hóa giải, khắc chế lửa. Với cách thức được nghĩ ra bởi phu nhân Tiểu Ngải, “ảnh tử” của Tử Ngu đã mang dáng hình nữ nhân vào thế võ, dễ dàng cầm cự được những đòn nhanh, mạnh của Dương Thương. Song song với đó, nước mưa cũng là thời cơ thuận lợi để đội quân nước Bái dễ dàng chiếm lấy thành Cảnh Châu từ tay Viêm quốc.
Khai thác yếu tố nước, Shadow đã chiêu đãi người xem những cảnh võ chiến mãn nhãn, kết hợp tinh tế giữa làn nước, ô trắng, ô sắt cùng với lối di chuyển nhịp nhàng của nhân vật. Một trong những trường đoạn gây ấn tượng bậc nhất cho khán giả là cảnh Tiểu Ngải dạy “ảnh tử” cách khắc chế chiêu võ của tướng Dương Thương. Thần giao cách cảm, tâm linh tương thông hơn cả với đô đốc Tử Ngu, Tiểu Ngải cùng với cái bóng của chồng mình như hòa vào làm một, biến hóa nhịp nhàng dưới làn mưa trắng.
Sự đối nghịch bên trong mỗi nhân vật
Hai thái cực đầu tiên trong Shadow là đô đốc Tử Ngu và “ảnh tử”, hai người giống hệt nhau về ngoại hình và thần thái, song giữa họ chỉ có một người duy nhất được lộ diện, xuất hiện trước mọi người. Lúc đầu, “ảnh tử” bị giam cầm dưới hầm tối, đến khi anh thay thế chủ nhân lên chiến đấu, Tử Ngu là người ở lại sống ẩn dật và giật dây mọi chuyện, coi tất cả là nước cờ dẫn đến vị trí cao nhất cho riêng mình.
Thế nhưng, Tử Ngu không hề lường trước được rằng sẽ có ngày ông bị chính cái bóng của mình chôn vùi mãi mãi. Là một con người, “ảnh tử” cũng có những lý lẽ, tình cảm riêng và mưu cầu được sống, được nắm quyền lực.
Cùng với “ảnh tử” là phu nhân Tiểu Ngải, người phụ nữ thâm sâu, hiểu biết song bị mắc kẹt giữa phu quân và cái bóng của chồng. Tiểu Ngải luôn bị đặt vào những tình thế phức tạp, và cảm xúc này được đẩy lên cao nhất ở kết phim khi cô cùng lúc chứng kiến những cái chết, sự thay thế làm thay đổi cuộc đời mình mãi mãi về sau. Đặc biệt, Tiểu Ngải cũng là điều đầu tiên mà “cái bóng” chiếm được của bản thể Tử Ngu, như câu nói của đô đốc: “Ngươi giống ta đến mức dường như Tiểu Ngải cũng không phân biệt được nữa rồi”.
Không có “ảnh tử”, song Chúa công nước Bái vẫn có sự đối lập trong chính bản thân mình, ông vẽ nên mặt nạ cho riêng mình, giấu đi tham vọng quyền lực đằng sau vẻ ngoài bất cần, nhu nhược. Hai con người tự coi mình là “người đấu cờ” cùng che đi dục vọng thật, xem những người còn lại là nước cờ không thể thiếu trên đường đi.
Với Shadow, Trương Nghệ Mưu đã cho thấy sự dụng công, tinh tế của mình khi khai thác tận cùng những mặt đối lập của từng hình ảnh, nhân vật. Không phải âm sẽ luôn là xấu xa, thua thiệt, cũng không phải trắng - đen là phân biệt tốt - xấu rạch ròi. Đạo diễn đã rất thành công khi xây dựng chiều sâu riêng cho mỗi nhân vật, để không ai là nhân vật tốt hoàn toàn, cũng không ai là phản diện thuần túy.