Vừa qua, bộ phim “Đông cung” (东宫) dự kiến phát sóng vào ngày 12 tháng 12 trên kênh Youku đột nhiên bị hủy lịch chiếu. Phía nhà sản xuất đưa ra lý do: “Tạm thời ngừng phát sóng do điều chỉnh lịch trình, thời gian lên sóng cụ thể sẽ thông báo sau”.
Một sự trùng hợp nữa, đó là vào giữa tháng 11, bộ phim Hạo Lan Truyện (皓镧传) của Vu Chính cũng bị hủy lịch phát sóng vì lý do tương tự. Nhà sản xuất kiêm biên kịch Vu Chính từng bày tỏ trên weibo cá nhân: “Dục độ Hoàng Hà băng hàn xuyên, tương đăng Thái Hành tuyết mãn sơn” (muốn qua sông Hoàng Hà mà sông đóng đầy băng, muốn lên núi Thái Hành mà núi phủ đầy tuyết) ý ám chỉ bản thân “người nhỏ bé lời nói không có trọng lượng”.
Sự thật thì đây không phải lần đầu tiên xảy ra sự việc này trong năm nay. Từ đầu năm bộ phim Ba Thanh truyện (巴清传) (Thắng thiên hạ), Hậu cung Như Ý truyện (如懿传) đã liên tục bị hoãn lịch phát sóng. Sau đó bộ phim Thiên hạ Trường An (天下长安) dự kiến phát sóng vào giữa tháng 7 cũng bị hủy lịch phát sóng, tiếp đó bộ phim bộ phim Đại Bát Hầu (大泼猴) dự kiến lên mạng trước, lên đài sau nhưng cuối cùng cũng bị thay đổi…Thị trường phim cổ trang cứ thế ngược dòng chưa bao giờ ngừng nghỉ.
Trong số những bộ phim này, ngoài Hậu cung Như Ý truyện về sau thuận lợi chuyển từ phim chiếu đài thành phim chiếu mạng, những bộ phim còn lại đều “im hơi bặt tiếng”. Nguyên nhân vì sao như vậy?
Căn cứ vào số liệu thống kê cho thấy, tính đến tháng 12 năm nay, số lượng phim cổ trang được phát sóng trên các kênh truyền hình lớn chỉ đạt 15 bộ, trong đó chỉ có 4 bộ được phát sóng trong khung giờ vàng, các bộ phim còn lại hầu hết được phát sóng hằng tuần, trong đó bao gồm cả Thiên Thịnh Trường Ca (天盛长歌) của Trần Khôn và Nghê Ni. Thời gian phát sóng không thích hợp cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến thành tích không tốt của thị trường phim cổ trang trong năm nay.
Nhưng nguyên nhân chính chủ yếu vẫn do vấn đề về “chính sách”.
Tháng 5 năm nay, Cục Phát thanh Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc đã ban hành lệnh hạn chế nghiêm khắc nhất đối với phim cổ trang. Lệnh này được quy định rõ ràng rằng: “Nghiêm cấm các bộ phim cải biên lịch sử phát sóng trên các kênh truyền hình hạng A, tất cả những bộ phim lịch sử cổ trang phát sóng trong khung giờ vàng không được vượt quá 15% tổng số phim phát sóng trong khung giờ vàng của năm.” Đồng thời các kênh truyền hình tổng hợp không được tiếp nhận và phát sóng liên tiếp 2 bộ phim lịch sử cổ trang.
Đối với nội dung hạn chế nghiêm ngặt này, đương nhiên sẽ gây trở ngại vô cùng lớn cho thể loại phim cổ trang. Hơn nữa dựa vào tình trạng không ít bộ phim cổ trang gần đây bị hủy lịch phát sóng có thể thấy sát thủ mang tên “chế độ thẩm tra” thực sự có thật.
Khi Đông cung, Hạo Lan Truyện bị rời lịch phát sóng, tuy phía nhà sản xuất đều đưa ra lý do là: “Điều chỉnh lịch phát sóng”, nhưng tất cả khán giả đều hiểu rõ rằng sự việc không hề đơn giản như vậy. Hơn nữa câu nói “người nhỏ bé lời nói không có trọng lượng” của Vu Chính cũng phần nào chứng thực cho sự thật này.
Đối với Thiên hạ Trường An và Ba Thanh truyện thì vấn đề lại càng rõ ràng hơn. Thiên hạ Trường An sau hai lần bị hủy lịch phát sóng, phía nhà sản xuất và đạo diễn đều từng ám thị rằng “có chút vấn đề ở khâu thẩm tra”. Ngoài ra, Ba Thanh truyện từng bị fan tố “giả mạo lịch sử”, diễn viên chính Phạm Băng Băng và Cao Vân Tường còn dính vào scandal trốn thuế và xâm hại tình dục, điều này cũng gây trở ngại cho việc Ba Thanh truyện lên sóng.
Vậy năm 2019 thị trường phim cổ trang Trung Quốc sẽ đi đâu về đâu?
Vào cuối tháng 11 năm 2018, trên mạng có nguồn tin về quy định mới cho các chương trình nghe nhìn trực tuyến, quy định mới này quy định rõ ràng rằng: “Các chương trình nghe nhìn trực tuyến quan trọng sẽ do phía nhà sản xuất lên kế hoạch chuẩn bị và gửi về Phòng Phát thanh truyền hình cấp tỉnh để thẩm tra trước khi phát sóng. Các trang mạng chỉ có thể mua những nội dung đã qua thẩm tra và được cấp phép phát sóng.”
Tiếp đó, vấn đề thể loại và đề tài phim cũng bắt đầu tiếp cận với các chính sách mới. Lấy ví dụ về bộ phim Đại Minh Hoàng Phi (明皇妃) đang đợi phát sóng, tiểu thuyết nguyên tác là câu chuyện điển hình kể về nữ chính, nhưng khi phỏng vấn, nhà sản xuất đã trả lời rõ ràng rằng bộ phim này đã được bổ sung thêm những tình tiết lịch sử của nhà Minh.
Qua những phân tích này có thể thấy, nhân tố quan trọng quyết định một bộ phim lịch sử cổ trang có thể được ra mắt khán giả hay không chính ở chích sách và nội dung phim. Với tình hình hiện tại, chính sách mới tuy không có lợi cho phim cổ trang, nhưng cũng chính nhờ chính sách này mà chất lượng phim được cải thiện rõ ràng. Điều đó có lẽ cũng giống như chúng ta hay nói “tái ông thất mã, là phúc hay là họa vẫn chưa biết được.”