Giống… phim quảng cáo hơn là phim điện ảnh?
Ra mắt khán giả vào dịp đầu tháng 10 năm nay, Sài Gòn Anh Yêu Em tuy không có dàn diễn viên “hot”, không có chiêu trò PR rầm rộ nhưng vẫn gây được chú ý nhờ nội dung giàu tính nhân văn, gắn bó mật thiết với tình cảm của những con người yêu quý thành phố phương Nam. Nhưng nhìn ở khía cạnh nào đó, Sài Gòn Anh Yêu Em có vẻ giống một clip quảng bá của Sở Văn hóa - Du lịch hơn là một tác phẩm điện ảnh.
Sài Gòn, Anh Yêu Em trailer
“Tham vọng” của đạo diễn đã quá rõ ràng. Anh (hay chính xác hơn là “họ”, vì bộ phim có tới 3 đạo diễn, chưa kể tới một vị cố vấn nghệ thuật là Vũ Ngọc Đãng) muốn “ôm trọn” những nét đặc sắc nhất của Sài Gòn vào 100 phút, thông qua năm tuyến truyện với hàng chục nhân vật và bối cảnh trải dài khắp các địa danh nổi tiếng trong thành phố. Một bộ phim đa tuyến không phải chuyện hiếm trong làng điện ảnh thế giới, nhưng chí ít, chúng cần sự giao thoa và tương xứng ở mức độ nào đó để không biết tổng thể bộ phim thành một bản giao hưởng nhiều nhạc cụ, nhiều âm phách mà mỗi thứ lại chệch đi một hướng.
Điểm cộng của cách làm phim đa tuyến này là giúp cho mỗi khán giả thuộc đủ mọi tầng lớp đều có thể thấy bản thân mình trong đó, đều được soi chiếu và “ve vuốt” cái Tôi cá nhân. Trong lúc khán giả mải “á, ố” mỗi lần phát hiện một chi tiết gì đó gắn bó với cuộc sống thường nhật của mình, họ dễ dàng bỏ qua tính liền mạch hay những lỗi logic của phim. Cảnh quay đẹp, âm nhạc hay và diễn xuất thượng thừa của một số diễn viên đã cáng đáng toàn bộ những khiếm khuyết còn lại, khiến người xem “quên” mất những tuyến truyện yếu ớt đến ngờ nghệch.
Năm “hương vị” khác biệt
Đầu tiên, được đôn lên làm tuyến chính và xuất hiện ngập tràn trong chiến dịch PR phim là cặp đôi Maya - Huy Khánh. Đáng lẽ họ phải làm tuyến truyện trung tâm vì độ tuổi “chính giữa” dàn diễn viên, cộng với ngoại hình tương xứng, hài hòa. Thế nhưng một kịch bản “sến” và “ngôn tình” không thể nào hơn nữa khiến cho Maya - Huy Khánh trở nên lạc lõng giữa một Sài Gòn chân chất, dung dị. Maya luôn diện những bộ cánh thời trang nhất, trang điểm lộng lẫy nhất và đến những chỗ xa hoa nhất, cộng thêm tình yêu đẹp đến “phi thực” với chàng “soái ca” Huy Khánh tạo cho nhân vật này vẻ xa cách, rất khó đồng cảm. Cô giống như một tòa kiến trúc sang trọng bậc nhất Sài Gòn, nơi đa phần dân cư chẳng thể nào bước vào trong dù chỉ một lần trong đời.
Chưa dừng ở đó, chuyện tình của cô với anh chàng người yêu cũ mới là chi tiết “hư cấu” nhất cả bộ phim. Sau nhiều năm chia tay vì một lý do nào đó không rõ ràng, cô bỗng gặp lại “người xưa”, và kỳ lạ hơn nữa là chàng vẫn vẹn nguyên tình cảm cho cô dù đã trải qua biết bao vật đổi sao dời. Thế rồi anh chàng kỳ công theo đuổi cô mặc cho có bị cô hờ hững, tránh né (cũng không biết vì lý do gì) với những chiêu trò có lẽ được rút tỉa từ bao phim tình cảm Hàn Quốc: nào là tặng hoa mỗi ngày, nào là chăng đèn trên cầu, nào là làm “tuyết rơi mùa hè”,…, để đổi lại, vẫn là thái độ lạnh nhạt của người đẹp (và vẫn không biết lý do tại sao). Cho đến cuối cùng, người xem chưng hửng trước một kết thúc dễ dàng “như trong mơ” cho cặp đôi mà không hề giải quyết chút gì những khúc mắc giữa họ trước đó???
Tuyến truyện yếu kém thứ hai đến từ vợ chồng ca sĩ Đoan Trang. Ngoài đời, họ cũng là một đôi uyên ương thực sự nên người ta đã mường tượng đến cảnh họ mang trọn vẹn tình yêu sâu sắc của mình lên phim. Nhưng hóa ra, giữa đời và phim luôn có một khoảng cách. Dù rằng mỗi khi anh chị im lặng, mỉm cười, đùa giỡn với nhau, ta thấy được bầu không khí của tình yêu chân thành bao quanh họ, thì những khiếm khuyết về nội dung câu chuyện cũng khó mà bỏ qua.
Một mâu thuẫn hời hợt và cách giải quyết dễ dãi, tương tự như tuyến truyện Maya - Huy Khánh. Đọng lại trong tâm trí khán giả nhiều nhất có lẽ là những biểu cảm quá lố cùng câu thoại tiếng Anh kiểu Việt “Ai đông ke” mà Đoan Trang thốt ra. Nhưng thật kỳ lạ, người chồng Tây phương vốn dĩ xa lạ với giới giải trí của cô hóa ra lại có lối diễn tự nhiên, tiết chế và mượt mà nhất. Có lẽ sau phim này, rất nhiều phụ nữ sẽ mơ ước có được một tấm chồng cao ráo, tài giỏi lại lãng mạn như anh chăng?
Câu nói “Ai đông ke” gây chú ý của Đoan Trang trong phim
Chuyện tình đồng tính giữa hai chàng trai do Brian Trần và Cường Đinh thủ vai vốn được kỳ vọng sẽ làm nên nét mới cho hình tượng thế giới thứ ba trên màn ảnh. Quả thực, hiếm có mối tình nào (dù đồng tính hay dị tính) lại có một khởi đầu khá… mãnh liệt rồi lại tiến triển… chậm chạp như thế. Một người đuổi theo mùi hương của người kia khắp nơi, ngại ngần tiếp cận bao lần rồi bỗng nhiên trở nên thân thiết lúc nào không hay. Thế nhưng dù họ dành nhiều thời gian bên nhau đến vậy, có vẻ như tình cảm của họ lại dậm chân tại chỗ, hay nói như cư dân mạng bây giờ, là đã lọt vào vùng “friendzoned” (bạn bè). Tiếc cho một chuyện tình đầy tiềm năng nhưng lại bị chính… đạo diễn kiềm giữ. Nếu như những cặp đôi khác có bước phát triển chóng mặt, thì riêng hai cậu chàng này lại chỉ được xuất hiện một cách chớp nhoáng, điểm xuyết. Đó là chưa kể diễn xuất của cả hai diễn viên trẻ đều còn quá cứng nhắc, dẫn đến nhân vật của họ đã nhạt nhòa về tính cách, ít ỏi về thời lượng lại càng trở nên “đuối” mỗi lần xuất hiện.
Điểm sáng của phim thuộc về tuyến truyện của cặp nghệ sĩ già do NSƯT Trần Nam và NSND Ngọc Giàu thể hiện, cùng cặp mẹ con “rắc rối” Huỳnh Lập - Phi Phụng. Vốn được mệnh danh là “con quỷ sân khấu”, nắm trong tay nhiều giải thưởng và cả danh tiếng trong thế giới ảo nhưng Huỳnh Lập chưa được giới chuyên môn đánh giá cao. Nhưng sự kiên trì và nỗ lực trau dồi bản thân đã mang đến “trái ngọt” cho chàng diễn viên 9X. Trong Sài Gòn Anh Yêu Em, Huỳnh Lập được đánh giá là một nhân tố xuất thần với lối diễn hài cực duyên dáng. Thậm chí ngay cả lúc cần đến sự nghiêm túc, Huỳnh Lập cũng vẫn “chuyển tông” rất mượt, lấy được nước mắt của khán giả. Đóng cặp với nghệ sĩ gạo cội như Phi Phụng, Huỳnh Lập không hề bị lép vế mà còn như được “phát tiết” hết tinh hoa. Nhiều người dự đoán, chàng trai trẻ sẽ giành được vị thế vững chắc cho mình trong làng nghệ thuật ở một tương lai không xa.
Không giống như Brian Trần - Cường Đinh “tuyên truyền” cho người đồng tính một cách nhạt nhòa, cách mà bà mẹ Phi Phụng đối xử với cậu con trai đồng tính khiến cho người ta cảm động sâu sắc. Dù hai mẹ con như nước với lửa, thường xuyên cãi vã, nhưng “thằng con” vẫn thương mẹ hết mực, vẫn tranh thủ mọi cơ hội chào hàng kem trộn cho mẹ. Còn người mẹ, sẵn sàng chấp nhận giới tính của con, vẫn yêu nó dù nó là ai đi chăng nữa. Tất cả tạo nên cảm nhận về một Sài Gòn thật vị tha, thật bao dung.
Và cuối cùng, đỉnh cao của bộ phim, tuyến truyện ấn tượng nhất, bi hùng nhất chính là “vở cải lương cuộc đời” mà hai nghệ sĩ lão thành Thanh Nam và Ngọc Giàu đã diễn trọn. Tinh túy của hàng chục năm kinh nghiệm đúc kết trong từng ánh mắt nụ cười hay cả những giọt nước mắt, khiến cho nhân vật của hai ông bà như khảm vào tim người xem. Dường như đạo diễn và ê-kíp của mình cũng dụng công nhiều nhất ở tuyến truyện này, khi bất cứ khung cảnh nào cũng được sắp đặt đầy tính nghệ thuật. Cái đẹp không đến từ cảnh trí xa hoa mà chỉ là những mảng màu khéo léo, những bố cục gọn ghẽ như tranh.
Trên cái nền đó, tình yêu nghệ thuật, tình yêu giữa người với người hiện lên huy hoàng mà sâu xa, thứ tàn dư của một thời quá vãng khó mà tìm thấy trong thời đại này. Không dư dả vật chất nhưng hai ông bà luôn vui vẻ vì có nhau, có đàn cháu sum vầy, có những hương hồn nghệ sĩ gợi nhắc thưở vàng son. Thứ tình cảm trong tuyến truyện này rất khó gọi tên, nó vượt xa khỏi định nghĩa “tình yêu” thông thường. Cả đời, bà hy sinh vì ông. Cả đời, ông đau đáu một cơ hội để bà được làm đào chính. Nhưng hóa ra, họ đã sống trong một vở kịch tuyệt vời mà cả hai đều cống hiến trọn vẹn đến giây phút cuối cùng.
Nguyên liệu ngon nhưng đầu bếp có “chắc tay”?
Sự chệch choạc giữa các tuyến truyện được lý giải bằng số lượng đạo diễn quá nhiều, cộng với sự can thiệp ở mức nào đó từ những người “góp công góp của” tạo nên tác phẩm này. Đây cũng không phải điều khó hiểu khi tổng đạo diễn Lý Minh Thắng cũng chưa thực sự đủ cứng cáp về tuổi đời lẫn tuổi nghề. Khi chỉ đạo một bộ phim đa tuyến kiểu Sài Gòn Anh Yêu Em, rất cần một cái đầu “lạnh”, một bản lĩnh vững vàng để không bị ảnh hưởng và chi phối từ bên ngoài. Hơn ai hết, tổng đạo diễn cần phải là người giữ cho các bánh răng hoạt động trơn tru, nhịp nhàng. Sài Gòn Anh Yêu Em, rất đáng tiếc, đã bỏ lỡ cơ hội trở thành một phim đa tuyến xuất sắc.
Một Sài Gòn bình dị, dễ thương đã được phim khắc họa trọn vẹn
Mặc dù vậy, xét trong bối cảnh phim Việt nói chung, Sài Gòn Anh Yêu Em cũng cần và nên nhận được sự ủng hộ của công chúng vì dù sao, nó cũng đã cho thấy sự cẩn trọng và lòng yêu nghề của ê-kíp. Lòng bao dung chẳng phải là đức tính tốt đẹp nhất mà Sài Gòn “dạy” cho chúng ta đấy sao?