Phim Ảnh

Review 'Venom': Nảy sinh 'tình cảm' cùng con người, kẻ kí sinh khát máu bỗng hoàn lương

Đông Hải
Chia sẻ

Tài năng diễn xuất của Tom Hardy đã giúp cho "Venom" đạt được một số thành công nhất định.

* Bài viết có tiết lộ nội dung, độc giả cần cân nhắc trước khi đọc

Tuy vướng phải kha khá vụ lùm xùm trong thời gian gần đây, nhưng cuối cùng Venom cũng đã chính thức được công chiếu, thu hút được một lượng không nhỏ các tín đồ Marvel và những ai đã và đang dành tình cảm cho thế giới riêng của Người Nhện ra rạp.

Sản phẩm mới nhất của Sony đã tương đối thành công trong việc khắc hoạ được sự nguy hiểm và tinh ranh của kẻ phản diện số một từng suýt triệt hạ được Spider-Man trong tựa phim năm 2007. Ngoài ra, diễn xuất của Tom Hardy không làm người xem thất vọng khi thể hiện hàng loạt sắc thái cảm xúc, cũng như cho thấy một mặt khác rất hài hước, bất cần và một chút yếu đuối của nam tài tử từng được đề cử Oscar.

Cái duyên giữa hai cá thể bất tài

Venom của Sony đã mang đến cho người xem một câu chuyện “dở khóc dở cười” về cuộc gặp gỡ định mệnh giữa anh chàng nhà báo hết thời Eddie Brock (Tom Hardy) và tên người ngoài hành tinh Venom.

Mất việc, mất tình, mất tất cả, Eddie rơi vào cuộc sống bế tắt cùng nỗi lo cơm áo gạo tiền. Cho đến một ngày, một nhà khoa học thuộc tổ chức Life Foundation - nguồn cơn khiến Eddie lâm vào bể khổ đã liên lạc với anh để âm thầm điều tra về vụ “hiến thân” vô nhân đạo cầm đầu bởi Carlton Drake (Riz Ahmed). Mục đích của thí nghiệm này nhằm tìm ra sự liên kết giữa loài người và symbiote (tên gọi của loài kí sinh ngoài hành tinh), từ đó từng bước đưa loài người thoát khỏi Trái Đất đang dần tha hoá và suy tàn.

Eddie một đêm mất trắng sau khi cả gan hỏi cung Carlton Drake.

Đối với Venom, hắn là một trong bốn mẫu sinh vật ngoài hành tinh được tìm thấy trên con tàu LF1 từng đâm xuống Malaysia. Sau hàng loạt thất bại trong nhiệm vụ tìm kiếm vật chủ, Venom đã chuyển từ nạn nhân cuối cùng là Maria sang Eddie khi anh thành công lẻn vào phòng thí nghiệm của Life Foundation. Kể từ đó, “cuộc tình” của Eddie và Venom chính thức bắt đầu.

Tên symbiote được tìm thấy trên một phi thuyền không gian ở Malaysia.

Phòng thí nghiệm trên cơ thể người, nơi Carlton Drake “cầm đầu”.

Câu chuyện của Venom có nhiều điểm giống với tựa phim Parasyte của Nhật Bản, khi miêu tả sống động tình bạn “bất đắc dĩ” giữa con người và vật kí sinh. Tương tự như Shinnichi và Migi, giữa Eddie và Venom cũng xảy ra nhiều vụ cãi vã, tranh chấp buồn cười, từ những chuyện đơn giản là ăn uống đến việc Eddie kiên quyết giơ tay đầu hàng bọn lính trong khi Venom lại không chịu.

Mối gắn kết giữa Venom và Eddie không quá khác biệt với câu chuyện trong “Parasyte”.

Tuy nhiên, bỏ qua những bỡ ngỡ ban đầu, Eddie và Venom dần trở nên thân thiết với nhau, Eddie cũng quen với sự điều khiển hay giọng nói của tên kí sinh vang vọng trong đầu mình. Ngược lại, Venom cũng dần đánh mất đi ý định tàn ác ban đầu là xâm lược Trái Đất, coi Eddie như người bạn đồng hành thật sự chứ không chỉ là cơ thể vật chủ mà mình cố nương tựa để tồn tại.

Venom và công cuộc hoàn lương thành công

Khác hẳn với một tên ác nhân xảo quyệt và thắng thế trong Spider-Man 3 mười một năm về trước, Venom trong tựa phim riêng lần này lại mang trong mình nhiều cung bậc cảm xúc cho khán giả, nhất là việc dần dần chuyển đổi từ ác sang thiện.

Ngay từ đầu, Venom đã thích “đùa dai” với Eddie khi liên tục doạ anh bằng những giọng nói bất thình lình. Ngày qua ngày, khi đọc và thấu hiểu được cuộc đời của Eddie qua những tế bào não bộ, Venom hình thành sự đồng cảm nhất định đối với anh chàng nhà báo thất nghiệp. Hắn cũng qua loa bật mí rằng khi còn ở quê nhà, bản thân cũng chỉ là tên thua cuộc, chịu đàn áp trước thủ lĩnh Riot.

Riot tìm được vật chủ là Carlton Drake.

Nhưng giờ đây, khi hai trái tim lạc lối hoà làm một, Venom nhận thấy tầm quan trọng của việc được công nhận và được sống, nên đã quyết định ở lại hành tinh xanh, tiếp tục là người bạn tri kỉ “keo sơn gắn bó” của Eddie Brock.

Venom bắt tay hoà bình cùng Eddie Brock.

Bằng chứng cho thấy Venom thật sự coi Eddie là tri kỉ hơn là một vật chủ thể hiện ở thời khắc hắn hi sinh bản thân để che chở cho anh trong biển lửa cuối phim. Bỏ qua sự thật rằng mình có thể bị thiêu đốt thành tro tàn, Venom vẫn dùng trọn năng lực vốn có để bảo toàn tính mạng cho con người kia. Đây cũng là một hành động quả cảm nhằm chứng minh với bản thân rằng ta đây là một anh hùng chân chính.

Điểm cộng, điểm trừ và after-credit

Venom do Sony sản xuất mang đến cho khán giả câu chuyện hợp tình hợp lý về sự xuất hiện của tên kí sinh Venom cùng bè lũ của hắn trên Trái Đất. Điểm cộng đáng nói nhất ở đây có thể kể đến tài năng của Tom Hardy khi cho thấy một Eddie Brock với đủ cung bậc màu sắc của cuộc sống, như sở thích gây cười và bông đùa khi làm việc; sự yêu thương rất riêng dành cho bạn gái Anne (Michelle Williams); sự sợ hãi và bối rối khi lần đầu diện kiến Venom và cả sự dũng cảm, đàn ông khi chiến đấu.

Tạo hình của Venom hoàn toàn ghi điểm.

Michelle Williams vào vai cô bạn gái Anne vô cùng ngầu và “chất” của Eddie.

Thêm vào đó, việc xây dựng một Venom khác biệt cũng là điểm đáng ghi nhận mà Sony đạt được. Ghê rợn và nguy hiểm với loài người là thế, nhưng tên kí sinh đen đúa vẫn có những khuyết điểm khi đứng trước kẻ cùng loài nhưng mạnh hơn rất nhiều là Riot (bên cạnh việc không chịu được âm thanh có tần số từ 4000 đến 6000 Hz). Trong khi Riot có hàng loạt biến hình vũ khí siêu hạng, Venom chỉ có thể tận dụng sự dẻo dai của mình để tránh né, ra đòn hiểm hóc để cân bằng tình thế. Ngoài ra, hắn cũng có nhiều lúc đáng yêu khi trở thành “quân sư quạt mo” cho chuyện tình của Eddie và Anne, hay cung cấp những lời khuyên hữu ích cho vật chủ.

Diễn xuất miễn chê của nam chính Tom Hardy.

Cảnh rượt đuổi mãn nhãn cho thấy năng lực phòng thủ tuyệt vời của Venom.

Tuy nhiên, Venom vẫn vướng phải một số điểm trừ, lớn nhất chính là về đoạn kết của phim. Sau khi thành công phá tan chiếc tên lửa, giết được Riot và vật chủ Carlton Drake, Venom đã bao bọc lấy Eddie trước quả bom lửa, khiến hắn gần như bị tan biến. Eddie cũng vô cùng bàng hoàng khi nghĩ rằng người bạn của mình đã ra đi. Bẵng một thời gian, Eddie cùng Anne ngồi lại bên nhau trò chuyện về những gì đã qua, để rồi khán giả chợt chưng hửng khi Venom vẫn còn sống “nhăn răng”, và đang ẩn trong cơ thể Eddie. Có lẽ, việc cắt bỏ gần 40 phút phim của Sony đã khiến cho phim có nhiều lỗ thủng không đáng, cho dù đây thật sự là một tác phẩm mãn nhãn và trau chuốt của ông lớn ngành điện ảnh.

Màn song đấu giữa Venom và Riot đã gỡ gạc lại phần nào cho cái kết không thoả mãn của phim.

Venom còn mang đến cho khán giả hai đoạn after-credit, một trong số đó là cảnh Eddie Brock lên đường đến nhà tù San Quentin để phỏng vấn một tên tội phạm khét tiếng (thủ vai bởi Woody Harrelson) tên là Carnage. Đây có lẽ sẽ là tình tiết chính trong phần hai của Venom. Ngoài ra, cảnh after-credit còn lại đã giới thiệu một cảnh phim trích từ Spider-Man: Into the Spider-Verse sắp sửa ra mắt. Nhện teen Miles Morales bị truy đuổi bởi một tên lạ mặt, để rồi sau đó cậu bé bất ngờ đứng trước phần mộ của Peter Parker. Miles tiếp tục đụng phải một Người Nhện khác, rồi bị rượt đuổi lần hai bởi phe cảnh sát.

Carnage và Miles Morales sẽ góp mặt trong after-credit của “Venom”.

Nhìn chung, Venom là một tựa phim có đầu tư, dừng lại ở mức ổn của Sony. Nếu giữ lại 40 phút mà Tom Hardy từng chia sẻ là “cảnh phim mà tôi thích nhất” thì có lẽ, Venom sẽ còn tuyệt vời hơn nữa. Nhưng không nên vì thế mà thất vọng, vì chắc chắn sản phẩm lần này về phản diện số một của Spider-Verse sẽ là món ăn tinh thần tuyệt hảo cho các fan yêu thích thể loại phim siêu anh hùng.

Cùng thưởng thức trailer chính thức của “Venom”.

Venom chính thức được công chiếu vào ngày 12/10/2018.

Chia sẻ

Bài viết

Đông Hải

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất