Tác phẩm hơn 100 tuổi của nhà văn Jack London - The Call of the Wild (tựa Việt: Tiếng gọi nơi hoang dã) đã chính thức trở lại với phiên bản điện ảnh mới nhất do hãng 20th Century Fox sản xuất. Tiếng gọi nơi hoang dã lần này cũng đánh dấu 65 năm kể từ lần ra mắt của tựa phim liền trước của đạo diễn Jerry Jameson, đồng thời cũng đánh dấu sự chuyển biến mới của điện ảnh Hollywood khi lần đầu tiên, việc tạo hình nhân vật chú chó Buck huyền thoại hoàn toàn nhờ vào công nghệ CGI.
Tiếng gọi nơi hoang dã theo chân Buck - chú chó to lớn ở Bắc California, vốn là thú cưng của một vị thẩm phán địa phương. Biến cố ập đến khi chú bị bắt cóc và bán đến phía Bắc, trở thành “tài sản” của chủ nhân mới, để rồi sự gặp gỡ cùng John (Harrison Ford) khiến Buck nhận ra sự thay đổi lớn trong bản thân, rằng phải chăng chính nơi hoang dã ngoài kia lại chính là ngôi nhà lý tưởng nhất, vượt xa khỏi sự tù túng và xiềng xích của cuộc sống con người.
Chú chó “kỹ xảo” gây ấn tượng vừa đủ
Sau những lần tận dụng những chú chó thật trong các phiên bản Tiếng gọi nơi hoang dã cũ, thì tựa phim năm 2020 đã chính thức xây dựng một Buck hoàn toàn bằng kỹ xảo CGI bắt mắt. Tuy không hoàn hảo và tiên tiến như The Lion King, thậm chí có đôi ba cảnh Buck trông không “thật” lắm, nhưng nhìn chung phần hiệu ứng hình ảnh đã làm tròn nhiệm vụ của mình xuyên suốt phim.
Nhắc đến đôi ba cảnh có phần hạn chế, đó là những lúc như khi Buck chuyển động khá kì lạ khi vui vẻ, dễ làm khán giả gợi nhớ đến một Scooby-Doo lém lỉnh đến lố bịch. Trong một số cảnh phim đòi hỏi tốc độ, phần hình ảnh có phần bị nhòe và trong như trong trò chơi điện tử. Dù là thế, nhưng có thể thấy phía sản xuất đã không hề lạm dụng CGI, và hoàn thành tốt ngay cả ở những cảnh Buck gặp tai ương và phải lăn lộn chật vật, một điều mà chắc chắn nhiều khán giả sẽ không thể chịu nổi nếu xem một chú cún thật.
Dĩ nhiên, những chi tiết có phần bạo lực trong tác phẩm gốc của Jack London đã được lược bỏ hoặc cải biên cho nhẹ nhàng hơn, để phù hợp với nhãn PG thân thiện của phim, từ đó cũng giúp cho quá trình hiệu chỉnh kỹ xảo được trau chuốt hơn. Khán giả có thể sẽ có nhiều quan điểm trái chiều về Buck trong sản phẩm lần này, nhưng phải đồng ý rằng phần hình ảnh của phim có thể được đánh giá ở mức ổn, nhất là với kinh phí chỉ nhỉnh hơn 100 triệu USD.
Diễn xuất tuyệt vời của Harrison Ford
Những câu chuyện theo mô-tuýp “chủ nhân và cún cưng” thường tập trung vào nhân vật người là chính, nhưng trong The Call of the Wild thì nhân vật của nam diễn viên Harrison Ford chỉ đóng vai trò thứ chính. Ông hóa thân thành John Thornton - một con người cô đơn sống tại Alaska và vô tình chạm mặt Buck nhiều lần, cho đến khi cả hai nhận ra không thể thiếu nhau.
Không chỉ xuất hiện trong phim, nhân vật John này còn đóng vai trò là người dẫn truyện ở hồi một của phim, dẫn dắt khán giả làm quen với chú chó dũng mãnh của Jack London. Tuy nhiên, bước vào hồi hai thì Tiếng gọi nơi hoang dã cũng không quên xây dựng nhân vật của Ford trở thành người bạn đồng hành không thể thiếu, bổ trợ cho sự thay đổi về thể chất cũng như tinh thần của nhân vật chính vốn chỉ là hiệu ứng hình ảnh nhân tạo. Ngài John cũng là hiện thân của chính khán giả trong phim, là cầu nối giúp người xem cảm nhận và thêm yêu thương chú chó.
Thế nhưng, dù Harrison Ford đã có màn thể hiện trên cả tuyệt vời ở hồi hai trở đi, nhưng việc ekip cho Harrison Ford đóng vai trò dẫn truyện trong hồi một có phần không cần thiết, dù cho đó là vì mục đích tốt là hướng khán giả đứng trên góc nhìn của một chú chó đang lưu lạc nơi hoang vu.
“Ác nhân” gây thất vọng
Bên cạnh Buck, The Call of the Wild còn có nhiều nhân vật đáng chú ý khác, giả dụ như ông John của Harrison Ford, ghi dấu ấn vô cùng sâu sắc, đó là đến khi một cặp nhân vật chủ chốt, xuất hiện như một sự thất vọng lớn. Đó là cặp thượng lưu lạc lối ở cánh rừng hoang dã (do Dan Stevens và Karen Gillan thủ vai), với nét tính cách hoàn toàn trái ngược với John và chú chó Buck - hai nhân vật vốn đã và vẫn đang làm quen với lối sống phong trần.
Nếu cả hai chỉ đóng vai trò nhỏ nhằm bám sát bản gốc, thì The Call of the Wild hoàn toàn có thể xuất sắc hơn. Thế nhưng, nhân vật của Dan rốt cuộc lại “hắc hóa”, trở thành… phản diện của bộ phim, hoàn toàn khác xa với nguyên tác của Jack London. Từ một chuyến phiêu lưu của riêng “cặp bài trùng” John - Buck, phim lại rẽ sang hướng chống chọi với kẻ ác, thành ra khiến câu chuyện anh chàng Hal trở nên lạc lõng và không hề có sự đóng góp trong tiến trình phát triển của phim.
Tiếng gọi nơi hoang dã phiên bản 2020 là một tựa phim vừa ổn, không quá xuất sắc nhưng vẫn mang nhiều giá trị của nguyên tác, và hoàn toàn ghi điểm dù cho nhân vật chính - chú chó Buck hoàn toàn là công nghệ vi tính. Từ đây, có thể nói huyền thoại về siêu khuyển nổi tiếng nhất phương Bắc của Jack London đã thành công khi lưu truyền sang thập kỷ mới của thời đại, mang lại nhiều bài học quý giá về tình thương, tình thân và sự gắn kết giữa con người với thiên nhiên.
Xem qua trailer chính thức của “Tiếng gọi nơi hoang dã - The Call of the Wild”.
Tiếng gọi nơi hoang dã chính thức công chiếu ngày 21/02/2020 tại Việt Nam.