Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

'The Lion King' 2019: Hành trình bi tráng và chân thực bật nhất

Sau tròn 15 năm, hãng Disney làm lại The Lion King, ứng dụng công nghệ hoạt hình máy tính tả thực ở trình độ cao, tái hiện hành trình giành lại ngai vương của sư tử Simba một cách sống động và chân thực hơn.

The Lion King (1994) (tựa tiếng Việt: Vua sư tử) là phim hoạt hình thứ 32 của hãng hoạt hình Walt Disney. Tác phẩm nhận được cơn mưa lời khen về cốt truyện, nội dung giàu tính triết lý cũng như âm nhạc vào thời điểm đó. Phim The Lion King thành công trên cả phương diện thương mại lẫn nghệ thuật, nhận được 92% đánh giá tích cực ở trang web phê bình điện ảnh Rotten Tomatoes và đạt doanh thu 952 triệu USD, trở thành phim hoạt hình vẽ tay truyền thống có doanh thu cao nhất mọi thời đại.

Sau tròn 15 năm, hãng Disney làm lại The Lion King, ứng dụng công nghệ hoạt hình máy tính tả thực ở trình độ cao, tái hiện hành trình giành lại ngai vương của sư tử Simba một cách sống động và chân thực hơn. Tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Jon Favreau cùng lúc bị đặt lên bàn cân với người tiền nhiệm The Lion King (1994) và hai tác phẩm được nhà Chuột làm lại cùng năm: Aladdin và Dumbo. 

“The Lion King”: Cuộc cách mạng của hiệu ứng điện ảnh 

Chuyện phim The Lion King vẫn theo chân Simba, sư tử nhỏ được định sẵn trở thành vị vua tiếp theo của vùng đất Xứ Vua. Tuy nhiên, âm mưu độc ác của Scar - chú của Simba khiến cha của Simba - Mufasa qua đời còn bản thân cậu phải chạy trốn vào sâu trong rừng. The Lion King là hành trình Simba, với sự giúp đỡ của Nala, Zazu, khỉ tiên tri Rafiki, Pumbaa và Timon, giành lại ngai vàng.

Công nghệ CGI hiện không còn xa lạ đối với điện ảnh thế giới, được các nhà làm phim khai thác mạnh mẽ ở mỗi đứa con tinh thần. Nhưng ở The Lion King phiên bản live-action, công nghệ hoạt hình máy tính tả thực được đưa lên tầm cao mới. Adam B. Vary, cây bút chuyên viết cho BuzzFeed News nhận xét: “The Lion King là một trải nghiệm tuyệt vời về kỹ xảo. Tôi chưa bao giờ xem tác phẩm nào như vậy trước đây và nó sẽ thay đổi cách nhìn của chúng ta về siêu phẩm này mãi mãi”. Mike Ryan của tờ Uproxx còn gọi đây là bộ phim có kỹ xảo đẹp mắt nhất từ trước tới nay: “Bộ phim giống như một cuộc cách mạng trong ngành hiệu ứng điện ảnh vậy”.

Những mỹ từ “cuộc cách mạng về hiệu ứng”, “thay đổi cách xem phim mãi mãi”, “bữa tiệc hoàn hảo về thị giác” không quá khi nói đến The Lion King của Jon Favreau, người từng rất thành công với bản live-action của The Jungle Book năm 2016. Tác phẩm dụng công và tỉ mỉ đến nỗi từng sợi lông, từng con côn trùng, tia sáng đom đóm đều được tái hiện chân thực. Khán giả như thực sự được sống trong thế giới hoang dã ở thảo nguyên, cảm nhận những cơn gió thổi ngược bờm sư tử và đem sợi lông của Simba từ rừng rậm đến khỉ tiên tri Rafiki.

Hình ảnh bầy sư tử và muông thú được tái hiện sinh động đến nỗi Simba, Mufasa, Scar, Nala và Pumbaa, Timon như thực sự đang sống và tranh đấu ngoài kia. Người xem như được xem Thế giới động vật với câu chuyện tranh quyền đoạt vị lôi cuốn mà chân thực không tưởng.

Kịch bản thiếu đột phá so với nguyên tác

The Lion King tạo được chỗ đứng vững chắc trong lòng khán giả nhờ câu chuyện có tính triết lý cao. Hành trình Simba từ chú sư tử non dại dột, trở thành chàng sư tử trưởng thành oai dũng, gánh vác trọng trách nặng nề mà người cha ưu tú để lại, những sai lầm, đau thương chuyển hóa thành quyết tâm giành lại ngai vàng để lại thông điệp sâu sắc được tái hiện lại gần như trọn vẹn trong phiên bản làm lại. Đây là bước đi an toàn nhưng hiệu quả của đạo diễn The Jungle Book.

Bên cạnh đó, phiên bản live-action của The Lion King cũng mang tính thời sự với thông điệp bảo vệ môi trường thông qua cách cai quản vùng đất Xứ Vua của Mufasa so với Scar, nhân vật phản diện chính. “Sư tử ăn linh dương, nhưng khi sư tử chết đi, xác thân ta hoà vào cây cỏ, và linh dương ăn cỏ đấy, con trai” là triết lý sâu sắc về sự cân bằng tinh tế mà vị vua vĩ đại dạy cậu con trai đang khao khát trở thành người kế vị.

Tuy nhiên, việc giữ nguyên kịch bản cũ khiến The Lion King phiên bản live-action trở nên thiếu tính đột phá và bất ngờ đối với người xem. Khán giả không có cơ hội trông đợi một plot-twist hay thay đổi đáng giá nào ở nửa cuối phim.

Bên cạnh đó, sự chân thực về hình ảnh vô tình đánh mất nét kỳ ảo từng có trong phiên bản hoạt hình. Người hâm mộ không còn được chiêm ngưỡng khung cảnh thảo nguyên mênh mông được bao phủ bởi những vầng ánh sáng kỳ diệu cùng hòa lẫn, ánh mắt sáng quắc của Scar khi thể hiện tham vọng cùng bầy đàn linh cẩu chiếm ngôi vương của anh trai, hay cảnh trở lại hoành tráng của vị vua chân chính vùng đất Xứ Vua.

Ngoài ra, chân dung của những nhân vật trong phim cũng không còn sống động, dễ thương với những biểu cảm nói, cười như các nhân vật hoạt hình. Điều đó vô tình khiến Simba mất đi nét tinh lanh ngày còn bé và kém oai phong khi trưởng thành.

The Lion King là câu chuyện gắn liền với tuổi thơ khán giả thế hệ 9x và đến nay vẫn chưa mất đi sức hấp dẫn. Với bàn tay tạo dựng kỳ công của đạo diễn Jon Favreau, phiên bản live-action giờ đây sẽ là tác phẩm đẹp dành cho những đứa trẻ thời nay, với các triết lý sâu sắc còn vẹn nguyên ý nghĩa.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Grassie

Được quan tâm

Tin mới nhất