Tưởng tượng, tầm chừng chục năm nữa, khi thành phố này đã phát triển hiện đại đến mức mà người dân nơi đó đã quên béng đi nơi đây đã từng cũ kĩ và đẹp đẽ như thế nào, thì hi vọng người ở tương lai hãy tìm đến phim Song Lang. Toàn bộ thước phim kéo dài hơn 90 phút, như một cuộc băng tua chậm về những ngày Sài Gòn năm 80, của những người đang tất bật sống trong ấy và tất nhiên - hai nhân vật chính của tác phẩm.
Chỉ nói Song Lang dừng ở mức hay thì có vẻ quá thiệt thòi cho tác phẩm và ê kíp - bởi vì những giá trị mà đoàn làm phim đã, đang và sẽ mang đến cho khán giả, đến nay vẫn chưa có bộ phim Việt nào có thể đảm đương…
Hai nhân vật nam chính trong phim, được xây dựng vừa quen thuộc, nhưng cũng vừa lạ lùng, hai mảnh đời ngỡ như chả bao giờ chạm mặt, bỗng một ngày va vào nhau để rồi cứ lưu luyến lại bên nhau theo từng nhịp phách của chiếc song lang. Ừ, thì chính đạo diễn đã khẳng định: đấy là mối tinh giữa hai người con trai với nhau đấy!
Nhưng xuyên suốt mạch phim, với sự dẫn dắt khéo léo và đầy tinh tế, ý nhị - ta đã thấu cảm được chân lí: tình yêu đơn giản chỉ là tình yêu, chả cần là giữa ai, chỉ khi hai con tim cùng run lên một nhịp đập, thế là đủ. Âu nếu ai cũng có thể thấu hiểu được chân lí đơn giản đến mức… khó hiểu này, cuộc đời đã không còn là cuộc đời nữa.
Ngay ở những năm 80 vẫn còn định kiến cũ hằn sâu trong những nếp nghĩ, đã có hai người đàn ông, Linh Phụng (Isaac) và Dũng (Liên Bỉnh Phát), tìm đến với nhau, là người yêu hay là tình tri kỉ mến mộ, giờ đây cũng chả còn mấy quan trọng nữa. Dũng bước ra từ một gia đình có truyền thống cải lương truyền đời với cả cha lẫn mẹ theo nghiệp mà tổ ban cho, nhưng cuối cùng lại bước vào con đường đòi nợ thuê đầy máu và tiếng van xin, gào thét.
Linh Phụng xuất thân từ một gia đình tỉnh lẻ, rồi tự bén duyên với ánh đèn cải lương từ tận lúc nào. Ta có thể thấy, kết thúc của phận đời này chính là mở đầu cho cuộc đời khác - thế nhưng, mảnh đất Sài Gòn đã run rủi để bằng cách nào đó, họ vẫn gặp nhau, dưới ánh đèn rực rỡ của sân khấu cải lương, để rồi mở ra những câu chuyện khiến ta day dứt, khiến ta mỉm cười nhẹ nhõm để rồi là nỗi ám ảnh không nguôi.
Để rồi, cả hai đều có những giằng xé nội tâm đau đến toạc máu, một bên là cuộc chiến giữa bản tính thiện lương và cái ác không khoan nhượng, bên còn lại là giữa nghệ thuật chân chính với sự thật nghiệt ngã của cuộc đời.
Chia sẻ với truyền thông, đạo diễn Leon Lê cho biết, anh chưa đủ tầm để mang đến một Sài Gòn năm 60, và hoàn toàn không có cảm xúc với những tòa nhà chọc trời đang ngày ngày mọc lên mảnh đất của thế kỉ 21 - thế nên anh tìm đến thành phố này những năm 80. Vì sao lại là năm 80? Đối với anh, đó là thời gian mà Sài Gòn đẹp nhất, nơi mà anh có thể đặt toàn bộ trái tim và tình yêu của mình vào đó, để có thể thỏa mình sáng tạo nghệ thuật.
Thật vậy, thành phố này những năm ấy đã mất đi vẻ phù hoa hào nhoáng của một “Hòn ngọc Viễn Đông” một thuở, cũng chưa đến thời gian chuyển mình như thời điểm hiện tại - Sài Gòn những năm 80 có sự bức bối và ngột ngạt nhất định, của một cô gái lưỡng lự trước ngã ba đường, chưa thể thoát ra mà nhất quyết không muốn trở vào lề lối.
Thế nhưng, ngay quãng thời gian nhá nhem trước công cuộc Đổi Mới ấy, hàng triệu người dân nơi đây vẫn sống, nhịp sống vẫn hối hả, đô thị vẫn sáng đèn, các phận người vẫn vặn xoắn vào nhau, vừa khốc liệt nhưng cũng vừa mê đắm đến lạ lùng.
Ở Song Lang, là những thước phim ám vàng và ám xanh của khu Chợ Lớn, một “tiểu khu” cực kì đặc biệt được thành phố ấp ôm trong lòng. Khu Chợ Lớn dường như có một “văn hóa quyển” rất riêng, thở một hơi thở rất khác so với các nơi còn lại trong thành phố.
Khi bạn xem phim, những tưởng bạn chỉ muốn mình mọc thêm vài đôi mắt và vài đôi tai, để có thể nhìn ngắm kĩ hơn và trọn vẹn hơn, để có thể nghe tường tận hơn từng thanh âm, dù chỉ là nhỏ nhất trong phim. Ở đây, Song Lang đã đặt người xem đến một cảnh giới cao hơn của thưởng thức điện ảnh, đó là đưa người xem thực sự sống trong bầu không khí ấy.
Sống bằng tất cả các giác quan, đúng như vậy.
Mở to mắt để thấy những tòa nhà loang lổ, những chung cư ẩm thấp với ánh đèn vàng vọt chất chứa trong mình hàng trăm, hàng nghìn mảnh đời từ tứ xứ tụ về mưu sinh. Căng tai thật kĩ để uống vào trong lòng những bài hát về Hà Nội hào sảng và tràn đầy niềm tin được phát trên những chiếc loa phát thanh rè rè vào buổi sáng - để rồi khi màn đêm phủ xuống, nhịp sống nghệ thuật Sài Gòn lại trở về với thứ vốn có: những nhạc khúc bolero ủy mị như thấm đẫm vào từng ngõ ngách của thành phố này.
Rồi khướu giác và vị giác cũng phải căng ra trước mùi tô hủ tíu mì người Hoa thơm lừng bốc ra nghi ngút từ một xe mì lắp đầy các bức tranh gương vẽ Điêu Thuyền, Lữ Bố với chả Dương Quý phi, trước bầu không khí cứ lãng đãng mùi nhang tỏa ra từ một Hội quán Hoa kiều gần đó. Và chạm, chỉ muốn chạm vào từng mảnh đời, từng cuộc sống lướt qua vùn vụt trên màn ảnh rộng để tự nhủ rằng tất cả đã thực sự hiện hữu, một cách đẹp đẽ nhưng cũng đầy dữ dội.
Và cuối cùng, nghệ thuật cải lương đã được Song Lang tái hiện một cách khó có thể tuyệt vời hơn. Chả cần đâu những triết lí cao xa, siêu hình mà những bộ óc thông thái mới có thể hiểu nổi - rất đời, xoáy mạnh và thẳng vào trong trái tim của.
Khi thước phim cuối cùng vừa mới chiếu lên màn ảnh, đó là giây phút khán giả tại rạp sẽ hụt đi một nhịp tim, rồi sẽ có hàng chục câu hỏi sẽ bám lấy khán giả mãi về sau, rồi ai cũng sẽ thả hồn theo một hướng suy nghĩ riêng về số phận từng nhân vật. Thiết nghĩ đó cũng là lúc Song Lang đã thành công và đi vào trái tim người xem, và sẽ ở đấy trong vòng bao lâu, âu cũng chỉ là duyên, chớ nên cưỡng cầu…
Nhưng với người viết, vẫn đang nặng lòng với Song Lang, chỉ có thể thốt lên một câu: “Rồi sau đó, khi ánh đèn sân khấu cải lương dần bị quên lãng, liệu rạp cải lương Thiên Lý có còn sáng đèn để tỏa sáng những phận đời khóc cười trên sân khấu và khán đài chứ?”
Phim Song Lang sẽ khởi chiếu từ 17/08/2018 trên toàn quốc. Hãy kiểm tra ngay lịch chiếu nhé.