Đảm bảo người xem sẽ được trải qua hàng loạt các cung bậc cảm xúc, từ cười lăn cười bò, hồi hộp, lo lắng, sợ hãi cho đến không kìm được nước mắt trước cái cách mà các nhân vật chính phải đối mặt với một kết cục không thể tránh khỏi. Mặc dù chú trọng đào sâu vào tâm lý nhân vật nhưng Toy Story 4 vẫn đảm bảo được sự hài hòa chứ không bị ủy mị quá mức.
Những chủ đề được khai thác lần này có lẽ hơi “nghiêm túc” quá so với một bộ phim dành cho trẻ em nhưng cuối cùng thì ai cũng phải trưởng thành, thay đổi là điều không tránh khỏi và chúng ta cũng không cần phải sợ hãi hay bài xích nó như cái cách mà nhiều người vẫn đang làm.
Mạch truyện của Toy Story 4 chia làm nhiều phần ở những mốc thời gian khác nhau. Bộ phim bắt đầu với một thời điểm trong quá khứ, rồi nhanh chóng “nhảy” đến hiện tại khi Woody (Tom Hanks) phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Cậu không còn là món đồ chơi ưa thích của Bonnie (Madeleine McGraw) và năm tháng trôi qua, chỉ nằm bám bụi một góc trong tủ đồ. Lần đầu tiên, Woody trở thành món đồ chơi bị bỏ lại, không được chủ nhân ngó ngàng đến, nhưng cậu chưa bao giờ mất đi tình yêu và sự trung thành đối với những đứa trẻ. Bonnie sắp sửa đi mẫu giáo và Woody hết sức lo lắng. Thế là cậu quyết định bám theo để đảm bảo một ngày đầu tiên đi học tốt đẹp hết mức có thể cho cô bé.
Ban đầu, Bonnie gặp kha khá rắc rối, nhưng rồi cô bé cảm thấy rất hạnh phúc với những tác phẩm thủ công mình vừa làm được. Forky (Tony Hale) là món đồ chơi yêu thích mới của Bonnie nhưng cậu lại không được thông minh cho lắm. Woody phải liên tục đuổi theo Forky để thuyết phục cậu ta là một món đồ chơi, và trò mèo đuổi chuột này càng trở nên gay cấn hơn bao giờ hết khi gia đình Bonnie đi cắm trại. Tại đây, Woody gặp lại người bạn cũ đã mất liên lạc từ lâu (Annie Potts lồng tiếng) và mọi chuyện trở nên rắc rối hơn bao giờ hết.
Ngoài những nhân vật cũ thì Toy Story 4 cũng giới thiệu một số lượng không nhỏ các gương mặt mới. Những đồ chơi mới này khiến cho mạch phim trở nên vui tươi hơn, nhưng đồng thời cũng đáng sợ hơn những tập trước. Trong đó, Forky nhận được rất nhiều sự chú ý vì là tâm điểm hài hước của bộ phim. Đặc biệt “John Wick” Keanu Reeves xuất hiện và ngay lập tức chiếm spotlight với vai Duke Caboom - một diễn viên đóng thế lái mô tô người Canada.
Bên cạnh đó, vai phản diện Gabby Gabby (Christina Hendricks) sẽ khiến nhiều khán giả nhỏ tuổi cảm thấy kinh hãi với câu chuyện thực sự đằng sau nhân vật này. Nhìn chung, lần này, Toy Story 4 tập trung hướng đến những khía cạnh tăm tối hơn, trong đó có rất nhiều phân đoạn gây ấn tượng mạnh (thậm chí là ám ảnh) như để nhắc nhở trẻ em rằng thế giới ngoài kia không phải chỉ toàn màu hồng mà thực chất đáng sợ đến nhường nào. Trước đó, khán giả chưa bao giờ nghĩ rằng lại có ngày cảm thấy muốn “nhảy dựng” khỏi ghế khi xem một bộ phim Toy Story.
Vấn đề then chốt mà Toy Story 4 muốn đề cập đến chính là sự trưởng thành. Woody, Buzz (Tim Allen) và cả nhóm không còn là những món đồ chơi như xưa nữa. Trong ba tập trước, chúng luôn hướng về cậu chủ Andy. Bonnie tuy nhận được tình thương không kém nhưng vẫn có gì đó rất khác biệt so với Andy. Những món đồ chơi trước giờ vẫn mong muốn đem đến điều tốt đẹp nhất cho chủ nhân của mình, nay lại phải đối mặt với thách thức không hề nhỏ. Chủ đề nổi bật nhất của Toy Story 4 chính là “nhân sinh quan” của những món đồ chơi khi phải tìm kiếm giá trị thực sự và mục đích tồn tại của bản thân. Đây là khía cạnh tương đối phức tạp, nếu làm không khéo sẽ dễ gây nhàm chán nhưng vẫn được xây dựng thành công, đâu ra đấy bởi bàn tay tài hoa của các nhà làm phim.
Trước đây, Pixar cũng nhận phải nhiều phản hồi từ phía phụ huynh là quá “tăm tối, tuyệt vọng” đối với một bộ phim hoạt hình hướng đến đối tượng trẻ em (ví dụ các tác phẩm kinh điển như Up hay Inside Out). Một lần nữa, Toy Story 4 lại chạm đến trái tim người xem, chúng ta sẽ phần nào thấy được chính mình trong hành trình trưởng thành, lối suy nghĩ của các nhân vật khi phải đối mặt với những thay đổi trong cuộc sống và sau cùng, nhận được một hồi kết xứng đáng cho cuộc hành trình đầy cảm xúc này.
Mỗi bộ phim Toy Story đều là những bước tiến so với tập trước, và điều này không phải lúc nào cũng xảy đến đối với các loạt phim đình đám. Nếu Toy Story 4 thực sự là tập cuối thì bộ phim đã đặt một dấu chấm hết thỏa đáng hơn bao giờ hết, khép lại một chặng đường dài đầy hoài niệm, một khung trời tuổi thơ đáng nhớ của biết bao thế hệ 9x. Đây thực sự là một tác phẩm xuất sắc trên nhiều phương diện, xứng đáng nhận được sự khen ngợi từ phía người xem và là bộ phim mà bạn nhất định không thể bỏ lỡ, dù có ở độ tuổi nào đi chăng nữa. Đặc biệt, nếu có thể, khán giả cũng nên dành chút thời gian để ngồi lại, chờ xem phần credit để có thể cảm nhận Toy Story 4 một cách trọn vẹn nhất.
Toy Story 4 bắt đầu khởi chiếu tại các cụm rạp trên toàn quốc từ 21/06/2019.