Phim Ảnh

Review 'Solo: Star Wars ngoại truyện' - Thanh xuân dữ dội của Han Solo

Anh Anh
Chia sẻ

Mặc dù Han Solo thuộc hàng nhân vật chính nhưng lại không được đầu tư khai thác tiểu sử như nhiều nhân vật khác trong series "Star Wars".

Nhân vật Han Solo do nam diễn viên gạo cội Harrison Ford đảm nhận lần đầu ra mắt khán giả trong tập phim Star Wars năm 1977 với chỉ một câu giới thiệu bản thân rất đơn giản: “Tôi là thuyền trưởng của tàu Millennium Falcon”. Qua năm tháng, những thông tin liên quan đến Han Solo mặc dù được tiết lộ nhưng lại là với tần suất cực kỳ ít, ví dụ như việc Han toàn lựa những anh hùng máu mặt trên giang hồ để quỵt tiền, hay việc anh đang nợ nần chồng chất và còn bị truy nã khắp dải ngân hà, nhưng tuyệt nhiên lại chẳng có thông tin nào về cuộc đời trước đây của Han. Nhân vật này được khán giả đánh giá là một kẻ cực kỳ ngạo mạn, lúc nào cũng khinh khỉnh, chỉ quan tâm đến lợi nhuận trong những phi vụ làm ăn (mà hầu hết là phạm pháp), nhưng lại là một con người có năng lực và thường bất ngờ trung thành vào phút chót.

Solo là phần hậu truyện thứ năm của loạt phim Star Wars và được sản xuất bởi Disney nhằm giải thích cho người hâm mộ hiểu rõ hơn về câu chuyện đằng sau một nhân vật mang tính biểu tượng như Han Solo. Từ sau khi mua lại bản quyền Star Wars với cái giá không nhỏ là bốn triệu USD, Disney quyết tâm phải tận dụng triệt để mối đầu tư này nên đã ngay lập tức lên kế hoạch khai thác những câu chuyện lớn nhỏ khác nhau trong vũ trụ Star Wars, và đó lý do cho sự ra đời của tập phim ngoại truyện dành cho nhân vật Han Solo với cái tên cực kỳ ngắn gọn: Solo. Bộ phim có nhiều chi tiết thú vị như: lần đầu Solo gặp Chewbacca khi còn trẻ, lần đầu Solo được lái chiếc Falcon, hay chuyến phiêu lưu mạo hiểm vào vùng siêu không gian trứ danh mang tên Kessel Run,…

Thực ra mà nói, phần ngoại truyện này của Han Solo cũng không thực sự cần thiết. Mặc dù có một số chi tiết thừa thải nhưng bộ phim vẫn được nhiều người đánh giá là hấp dẫn, vui nhộn, đi kèm nhiều pha hành động cực kỳ ảo diệu, mãn nhãn, trong đó đương nhiên là không thể thiếu sự xuất hiện của quái vật và người máy rồi. Nói tóm lại là bộ phim chỉ đơn giản mang tính chất phiêu lưu mạo hiểm chứ không phức tạp rối rắm hay “drama gia đình” như những tập phim Star Wars trước.

Bộ phim do Lawrence Kasdan làm biên kịch và Ron Howard ngồi ghế đạo diễn (từng làm đạo diễn cho 21st Jump Street) bắt đầu với khung cảnh trên Corellia - một hành tinh công nghiệp cực kỳ hỗn loạn của phe Đế Quốc. Chính vì thế, Han Solo (Alden Ehrenreich) và cô bạn gái Qi’ra (Emilia Clarke) đều mong chờ cơ hội trốn thoát khỏi vùng đất ác nghiệt này.

Giữa cuộc đào tẩu, Han và Qi’ra tách riêng, Han tham gia phe Đế Quốc để trở thành một phi công. Kế hoạch của Han không thành công và anh phải liên tục trôi nổi từ hành tinh này đến hành tinh khác. Bộ phim đã tái hiện lại nhiều cảnh kinh điển như một trận hỗn chiến mang phong cách Paths Of Glory của đạo diễn Stanley Kubrick, hình ảnh một băng cướp tàu làm ta liên tưởng đến Runaway Train, hay khung cảnh sa mạc hoang dã mang đậm màu sắc Mad Max,… cùng nhiều chi tiết liên tưởng khác đã góp phần không nhỏ tạo nên một chuyến hành trình dài tận 135 phút.

Trong cuộc phiêu lưu của mình, Han đã gặp được Chewbacca - một người bạn vô cùng quan trọng với anh sau này. Lúc này, Chewbacca đang ôm mối hận với Đế Quốc vì tộc Wookie bị đối xử không ra gì. Trên đường đi, cả hai đã hợp tác với Becket - thủ lĩnh một băng cướp, Rio - một phi công và Val - một cô gái. Nhiệm vụ của họ là lấy được Coaxium để làm nhiên liệu cho chiếc tàu.

Có thể nói, bộ phim Solo có bầu không khí thư giãn dễ chịu hơn những bộ phim Star Wars khác. Trong Solo không hề có những “thế lực hắc ám” như Death Star mà câu chuyện chỉ đơn giản xoay quanh một nhóm những kẻ ngoài vòng pháp luật cùng nhau liên thủ làm chuyện phạm pháp. Phong cách tươi mới của Solo cũng được truyền tải thành công bởi màn trình diễn của dàn diễn viên tài năng. Han Solo trong phần ngoại truyện là một gã tinh quái, sống có lý tưởng, dành một tình yêu chân thành cho Qi’ra, bên trong là con người dễ mềm lòng, hoàn toàn khác hẳn với hình ảnh một Han Solo ngạo mạn, chẳng quan tâm bất kỳ ai và thường xuyên mỉa mai Thần Lực trong những bộ phim Star Wars trước đó.

Trong khi Rogue One bị nhiều khán giả chê là khô khan, thiếu tính hài hước thì Solo lại thừa sức đáp ứng nhu cầu giải trí. Ngoài ra, cốt truyện của Solo đương nhiên là vẫn liên quan đáng kể tới Star Wars và đặc biệt còn có sự góp vui của một gương mặt khiến nhiều người hâm mộ cho rằng Disney đang đặt tham vọng tiếp tục mở rộng thêm vũ trụ điện ảnh Star Wars.

Trailer phim Solo: Star Wars ngoại truyện.

Nói tóm lại, Solo tuy chỉ là một bộ phim ngoại truyện nhỏ nhưng các nhà làm phim lần này lại làm ăn rất có tâm. Solo có thể nói là không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu giải trí của phần đông khán giả mà còn khiến thành phần fan lâu năm cảm thấy thỏa lòng mát dạ khi được chứng kiến nhân vật yêu thích của mình được sống lại lần nữa trên màn ảnh lớn.

Chia sẻ

Bài viết

Anh Anh

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất