Phim Ảnh

Review 'Run – Trốn chạy': Kịch tính trong từng nhịp phim, chỉn chu không một chi tiết thừa

Châu Hải Bình
Chia sẻ

Với cách dẫn dắt câu chuyện gãy gọn và thông minh, Run đã đem đến một trải nghiệm điện ảnh hồi hộp đến tuyệt vời, tới mức ngồi xem phim sẽ có cảm giác như đang thở oxy vậy.

*Lưu ý: bài viết có tiết lộ nội dung phim.

Năm 2018, đạo diễn trẻ Aneesh Chaganty khiến cả thế giới chao đảo bằng siêu phẩm trinh thám Searching. Nếu đã xem bộ phim này, chắc chắn bạn sẽ phải thán phục trước cách anh tạo dựng bầu không khí nặng nề, gò bó nhưng cực kỳ lôi cuốn. Sang đến Run, khán giả một lần nữa được trải nghiệm cảm giác đó với mức độ kịch tính và hấp dẫn chạm tới mức hoàn hảo.

Run xoay quanh cuộc sống cô độc của hai mẹ con Diane – Chloe ở vùng ngoại ô thành phố. Từ khi sinh ra Chloe đã bị liệt hai chân và mang trong mình nhiều căn bệnh khác khiến cuộc sống gặp vô vàn khó khăn. Do đó Diane đã quyết định tự mình nuôi dạy con gái tại nhà và bao bọc cô hết mực. Tuy nhiên tình yêu thương đến cực đoan của mẹ khiến Chloe cảm thấy nghi ngờ và dần khám phá ra những bí mật mà Diane đang che giấu.

Trước tiên, Run đã khắc họa cho người xem vô cùng chi tiết cuộc sống thường nhật của cô bé Chloe. Đó là những liều thuốc, những bài tập trị liệu kéo dài từ ngày này qua tháng khác đều như vắt tranh. Đó là cuộc sống tẻ nhạt trong không gian bị giới hạn và rất ít thú vui tiêu khiển. 

Từ nền móng đó, đạo diễn đã phát triển Run theo hướng kinh dị, tâm lý cực kỳ thuyết phục. Việc sử dụng một cách tinh tế màu sắc và tiếng động trong phim đã biến ngôi nhà vốn rất thân thương trở nên ngột ngạt, tăm tối giống như một nhà tù. Nếu để ý bạn sẽ thấy nhiều lần ngôi nhà của nhân vật xuất hiện trong không gian tĩnh lặng, cô quạnh như ngụ ý về sự tù túng, bức bối và không lối thoát mà Chloe đang phải trải qua.

Chuyển động của máy quay cũng là yếu tố giúp làm tăng độ kịch tính. Góc nhìn của khán giả khi thì chậm rãi lướt ngang qua từng vật thể như đang tìm kiếm, rình rập thứ gì đó, khi lại quay ngoắt rất nhanh kèm theo tiếng động chói tai gây hoảng hốt. Kết hợp với nhịp phim gấp gáp, dồn dập, khán giả sẽ phải nín thở theo dõi từng cử động nhỏ nhất của nhân vật.

Thiết kế bối cảnh và cách dựng phim của Run cho chúng ta thấy được mức độ chỉn chu của ekip sản xuất. Không một chi tiết nào bị thừa. Chúng xuất hiện rải rác khắp nơi nhằm đưa ra những gợi ý và dẫn dắt tới các sự kiện tiếp theo, dần dần giúp khán giả hình dung ra được động cơ của từng nhân vật.

Để làm nên thành công của bộ phim không thể không nhắc đến màn thể hiện của cặp đôi nhân vật chính. Được mệnh danh là nữ hoàng của dòng phim kinh dị, Sarah Paulson dễ dàng chinh phục khán giả với vai diễn người mẹ cực đoan Diane. Ẩn sau vẻ ngoài dịu dàng, lời nói ngọt ngào của cô là sự điên loạn, hoang dại và ánh mắt sặc mùi nguy hiểm. 

Nhưng chúng ta đã nói về tài năng của Sarah Paulson quá nhiều rồi. Ở Run, spotlight thực sự lại dành cho nữ diễn viên trẻ Kiera Allen trong vai Chloe. Ở ngoài đời, cô cũng là một người khuyết tật, chính vì thế mà thao tác với xe lăn hay những cử động của cô là vô cùng nhuần nhuyễn và thuyết phục. Điều này cũng khiến khán giả thán phục trước mức độ lăn xả của Allen khi cô liên tục phải lăn lê, trườn bò và thực hiện những cảnh khó nhằn.

Đạo diễn Aneesh Chaganty đã đem đến cho Run sự cân bằng tuyệt vời giữa yếu tố nghệ thuật và giải trí. Tuy không có nhiều đột phá so với tác phẩm đầu tay nhưng Run chắc chắn là trải nghiệm điện ảnh đáng đồng tiền bát gạo với đầy đủ sự kịch tính, hấp dẫn mà bạn đang tìm kiếm.

Run – Trốn chạy khởi chiếu từ 20/11/2020.

Chia sẻ

Bài viết

Châu Hải Bình

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất