Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Review 'The Platform' của Netflix: Bước vào Hố, bạn sẽ là người trên, kẻ dưới, hay sẽ ngã xuống?

The Platform - Tựa phim giật gân mới nhất trên Netflix đã mang đến cơn ác mộng sinh tồn mới, một sự kết hợp giữa CUBE và Parasite.

Xem qua trailer chính thức của The Platform.

Ở thời điểm hiện tại khi đại dịch COVID-19 đang hoành hành và chưa có bất kì chuyển biến tích cực nào, thì các nền tảng phim trực tuyến đều đang hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu xem phim tại nhà của khán giả. Nắm bắt được thị hiếu đó, Netflix đã mang đến tựa phim The Platform do Tây Ban Nha sản xuất, lấy đề tài sống còn, trong đó các nhân vật bị cô lập trong một địa điểm ghê rợn, chết chóc và phải tìm ra lời giải để cứu lấy chính mình.

The Platform sẽ là hành trình của anh chàng Goreng (Iván Massagué) tham gia chiếc Hố - một cấu trúc kì lạ phân tầng còn có tên là Trung tâm Tự quản Thẳng đứng do Ban Điều hành tạo nên. Tại đó, anh gặp gỡ nhiều con người khác nhau sống ở các tầng cao thấp khác nhau, và cứ mỗi tháng mọi người đều sẽ được bố trí vào tầng mới. Tưởng rằng đây chỉ là một cuộc khảo nghiệm nào đó để đạt được chứng chỉ, nhưng thông qua lời của bạn cùng tầng Trimigasi (Zorion Eguileor), chiếc Hố này là một cơn ác mộng đáng sợ hơn bề ngoài rất nhiều.

Poster chính thức của The Platform.

Thuộc thể loại giật gân pha lẫn những yếu tố xã hội gay gắt, The Platform đã gây ấn tượng mạnh tại LHP Toronto, một sản phẩm kết hợp giữa CUBE Parasite, thể hiện rõ những vấn đề nhức nhối trong việc phân biệt đối xử giữa tầng lớp này với tầng lớp kia, và giữa những người cầm quyền đối với dân chúng.

Những hệ quả của việc cô lập xã hội

The Platform là một tựa phim sống còn có lồng ghép các triết lý xã hội khá rõ ràng và dày đặc, từ lối thiết kế của Hố theo dạng xếp tầng nhằm mô phỏng các cấp bậc trong xã hội, đến mối quan hệ giữa con người với con người, giữa người trên và kẻ dưới, giữa kẻ được lợi và những ai gặp trở ngại.

Nhân vật chính Goreng.

Là một địa điểm hoàn toàn cô lập với thế giới bên ngoài, một nơi ảm đạm với những bức tường xám xịt lạnh lẽo, thế nhưng những nhân vật chủ chốt của phim lại tự nguyện lựa chọn bước chân vào đây. Goreng và Miharu đều có cho mình những mục đích riêng để chấp nhận thử thách này, như để được cấp chứng chỉ hay bỏ hút thuốc. Lớn lao hơn, nhân vật Imoguiri vốn là nhân viên thuộc Ban Điều hành, người giữ nhiệm vụ chiêu mộ những người khác vào Hố. Quá mỏi mệt và nhận ra công việc bấy lâu của mình lại tàn ác đến thế, cô cùng chú chó nhỏ quyết định tham gia và ra sức “cảm hóa”, xây dựng khối đoàn kết giữa con người ngay bên trong Hố.

Sự cô lập gần như tuyệt đối của Hố khỏi xã hội đã làm bộc lộ những bản ngã sâu thẳm nhất bên trong con người. Thiếu thốn nhu yếu phẩm, thiếu thốn những mối quan hệ, những mối bận tâm riêng, con người trở nên cô độc, vô vị, dần dần nảy sinh nhiều hệ quả như trầm cảm, rối loạn cảm xúc, ảo giác, mơ mộng, phát tác xung đột, trở nên hung hãn mất kiểm soát, sự ích kỉ, sau đó là tự giết mình hay giết người khác.

Imoguiri bước vào Hố để tìm lại sự tốt đẹp bên trong chính mình.

Đó đều là những thứ mà bất cứ ai tham gia Hố đều trải qua, là một trò chơi nguy hiểm tàn khốc rất nhiều so với tưởng tượng. Cũng giống như trong Alice in Borderland, những trò chơi thuộc chất bài Cơ đều đánh mạnh vào tâm lý, buộc con người phải đưa ra những lựa chọn khó khăn nhất. Bị nhốt trong Hố, dường như ai ai cũng không có ý tưởng gì cho việc thoát ra ngoài, vì họ đều nghĩ rồi họ sẽ thoát, dẫn đến lối sống suồng sả bất chấp, không còn có thể tư duy, suy nghĩ để tìm kế thoát thân, để rồi cứ mắc kẹt mãi trong vòng quay thay tầng đến khi bỏ mạng.

Nạn tin giả và thao túng

Bên cạnh sự phân biệt đối xử được thể hiện rõ qua việc phân tầng, The Platform của Netflix còn tập trung vào vấn nạn tin giả và thao túng tâm trí con người. Ban Điều hành đã thật sự tạo nên một trò chơi chết người với lớp vỏ bọc hoàn hảo từ lúc bắt đầu, với những luật lệ đơn giản như vào mỗi tháng thì mọi người sẽ được đổi sang tầng mới, cao hơn hay thấp hơn, hay thang máy đồ ăn di chuyển từ trên xuống vào mỗi ngày.

Những luật lệ phân tầng khiến ai ai cũng phát điên.

Chỉ bấy nhiêu luật lệ đơn giản thế thôi cũng là đủ để những con người nơi đây phát điên. Một bàn ăn to lớn có thể nuôi sống hơn 300 tầng mỗi ngày nếu biết san sẻ lại cạn sạch khi còn chưa đến tầng 100, hay tin đồn về việc Ban Điều hành sẽ không cho ai dưới 16 tuổi vào trong đã khiến kế hoạch của cô gái Miharu bị đảo lộn. Một tin tức giả được truyền đi sẽ gây nhiễu, khiến con người xao nhãng khỏi mục tiêu thật sự, nhiều người còn bị cuốn theo nó và quên đi thực tại và đánh mất tinh thần sáng suốt.

Miharu có một mục tiêu riêng ở tầng dưới cùng nhưng rồi cũng bỏ mạng.

Có thể thấy, chẳng một ai từng nghĩ đến việc tìm cách trốn thoát khỏi đây (trừ Baharat), đều chấp nhận như sự hiển nhiên và chờ đón cái chết tìm đến. Đó, là khi nhân vật chính Goreng tìm đến cốt lõi thật sự của chiếc Hố, và tầm quan trọng của sự hợp tác tạm thời và hi sinh vì mục đích chung - hai chi tiết không thể thiếu trong bất kì tựa phim trò chơi sống còn nào.

Đoạn kết với thông điệp hợp tác mạnh mẽ giữa biến cố

May mắn thay, The Platform không hoàn toàn u ám, tiêu cực và lạc lối đến thế. Goreng đã cật lực đấu tranh để duy trì khát vọng thay đổi hệ thống, vượt qua lằng ranh giữa nhân tính và thú tính để không tự sát hay tự ăn thịt chính mình. Cùng với đó, anh đã chọn ở lại Hố và chấp nhận cái chết, hay nói đúng hơn là một sự hi sinh to lớn vì bức tranh chung, cũng giống như sự ra đi tự nguyện của Baharat và Imoguiri để một người khác có thể đạt được mục đích sau cùng, một hi vọng sáng ngời về tương lai trong hình hài một cô bé nhỏ nhắn.

Cô bé nhỏ ở tầng cuối cùng chính là “thông điệp”.

Việc lựa chọn giúp đỡ cô bé leo lên được Tầng 0 và trốn thoát là một thông điệp mà các nhân vật khác muốn gửi gắm đến thế giới, rằng các thế hệ con trẻ sau này không nhất thiết phải hứng chịu những hậu quả do chính tiền nhân gây ra. Thêm vào đó, nếu con người biết nghĩ cho kẻ khác nhiều hơn, mọi thứ đã có thể trở nên vô cùng đơn giản và thoải mái hơn rất nhiều.

Giữa thời điểm dịch bệnh hiện nay, thông điệp này càng thể hiện rõ ràng hơn cả. Một chút quan tâm, sẻ chia từ người này sang người kia chính là thứ dinh dưỡng giúp nuôi lớn sức lực và niềm tin chống trả lại virus, thể hiện trực tiếp hay thông qua âm nhạc, giải trí để lan tỏa sự tích cực, đó là nguồn động lực to lớn nhất, là sự hợp tác, gắn kết trong bối cảnh cách ly của xã hội, cũng như trong The Platform, chính sự liên kết (dù cho giả tạo và tạm thời) giữa các cá thể đã đem đến chiến thắng chung, và chỉ một quyết định nhỏ, một cử chỉ nhỏ của một cá nhân thôi cũng là đủ để quyết định thời thế sinh tử của những người còn lại.

Cái kết của The Platform khiến nhiều người không ngừng suy ngẫm.

Nhìn chung, The Platform ghi điểm nhờ cách thể hiện độc đáo một ý tưởng quen thuộc, một cuộc chạy đua sống còn khốc liệt và máu me đúng chất giật gân, nhưng việc thể hiện quá rõ ràng và dày đặc những thông điệp xã hội có lẽ sẽ khiến một bộ phận khán giả ngán ngẩm. Cái kết mở của phim cũng sẽ khó mà làm hài lòng nhiều người, khi bí ẩn về Ban Điều hành, về Hố, và liệu việc gửi cô bé lên tầng 0 có thật sự khiến cục diện thay đổi hay không, đó đều sẽ là những bí ẩn mãi mãi bị chôn vùi.

The Platform đã có mặt trên trang xem phim trực tuyến Netflix.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Đông Hải

Được quan tâm

Tin mới nhất