Bối cảnh phim diễn ra tại kinh đô điện ảnh vào những năm đầu tiên sau Thế chiến II, xoay quanh một nhóm những nhà làm phim trẻ với hành trình đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho những người gốc Phi, gốc Á hoạt động trong lĩnh vực này. Cùng với sự giúp đỡ của những bậc tiền bối, họ đã làm nên một cuộc cách mạng giúp thay đổi cái nhìn của xã hội về những người yếu thế.
Mặc dù lấy cảm hứng từ cái chết đầy bi thương của nữ diễn viên Peg Entwistle vào năm 1932, nhưng Hollywood đã được cải biên theo hướng đầy bất ngờ, thể hiện óc sáng tạo tuyệt vời của những nhà làm phim. Phải thừa nhận rằng phim sở hữu một kịch bản rất thông minh. Mọi chi tiết đều xuất hiện có mục đích. Mọi sự thay đổi đều được xử lý, chọn lọc kỹ lưỡng để đảm bảo chúng mang một ý nghĩa nào đó và khán giả có thể cảm nhận được rõ ràng nhất.
Với 7 tập phim, mỗi tập dài từ 45-55 phút, Hollywood có rất nhiều tuyến truyện chạy xen kẽ nhau nhưng bộ phim vẫn đảm bảo được sự cân bằng tuyệt đối. Trong đó nổi bật nhất chắc chắn là nỗ lực đòi quyền bình đẳng sắc tộc trong lĩnh vực điện ảnh nói riêng và trong xã hội nói chung.
Nằm trong thời kỳ vàng son, Hollywood của những năm 1940 hiện lên trong mắt người ta bằng vô số mỹ từ hào nhoáng và đẹp đẽ, khiến bất cứ ai cũng muốn được trao cơ hội trở thành ngôi sao. Nhưng không phải ai cũng được công nhận dù họ có tài năng đến đâu, đơn giản vì nạn phân biệt chủng tộc đã, đang và vẫn luốn là vấn đề nhức nhối trong xã hội Mỹ.
Phim không chỉ tái hiện thành công bầu không khí của thập kỷ đó, mà còn thẳng thắn phơi bày bức tranh kỳ thị sắc tộc, điều mà Hollywood vẫn còn đang phải đối mặt ở hiện tại. Khán giả thấy được mức độ khủng khiếp của vấn đề này. Nó tàn phá suy nghĩ của con người và gây chia rẽ cộng đồng. Do đó những gì bộ phim này đem lại quả thực giống như khúc khải hoàn, không chỉ cho những người da màu mà còn đối với tất cả nhóm người yếu thế khác.
Là ao ước của rất nhiều người, Hollywood hiện lên qua những mỹ từ hào nhoáng và đẹp đẽ. Nhưng có những thứ chỉ người trong cuộc mới hiểu và đáng buồn thay, chỉ khi bước chân vào đó rồi chúng ta mới thấy nó xấu xí thế nào.
Cách mà con người ta sẵn sàng thực hiện để mưu sinh ở chốn phồn hoa. Cách mà những diễn viên mới vào nghề lọt vào mắt xanh của nhà sản xuất. Cách mà mọi thứ vận hành ở Hollywood. Tất cả những điều ấy đều biến kinh đô điện ảnh trở thành một nơi tệ nạn dưới vỏ bọc của tiền tài và danh vọng.
Thế nhưng thay vì buông những lời đả kích gay gắt, tất cả những gì Hollywood làm chỉ là phủ lên đó chất trào phúng cực kỳ duyên dáng, giúp cho bộ phim luôn giữ được màu sắc tươi sáng, nhịp điệu nhẹ nhàng, tếu táo. Nó giúp cân bằng lại tính nghiêm trọng mà sự kỳ thị sắc tộc và kỳ thị giới mang đến.
Là một tác phẩm về kinh đô điện ảnh, Hollywood tất nhiên là một bộ phim vô cùng thú vị với những ai làm việc trong lĩnh vực này. Nó vẽ ra cho người xem bức tranh toàn cảnh về những gì diễn ra ở đây và cách để sản xuất ra một bộ phim, từ khâu kịch bản, casting, dựng bối cảnh, phát hành và thậm chí cả xử lý khủng hoảng. Có lẽ chưa bao giờ quy trình sáng tạo ở Hollywood lại hiện lên chân thực và hấp dẫn đến thế.
Dàn nhân vật từ trẻ đến già của Hollywood đều là những mảnh ghép tuyệt vời cho câu chuyện mang đậm tính nhân văn này. Tính cách của họ được xây dựng đúng với những gì mà người xem hình dung về một người làm trong lĩnh vực điện ảnh. Và trên tất cả, điều khiến cho họ trở nên đặc biệt chính là khát vọng phá bỏ rào cản xã hội, rào cản của chính bản thân để đấu tranh cho điều đúng đắn.
Những người xuất hiện trong Hollywood, dù họ nói gì, làm gì và thể hiện điều gì, khán giả cũng không thể coi đó là xấu vì suy cho cùng, mọi hành động đều có lý do chính đáng. Bởi cái ác duy nhất trong bộ phim này chính là quan điểm lệch lạc, cổ hủ mà xã hội trước kia để lại, khiến những người của thế hệ hiện tại buộc phải nghe theo hoặc họ sẽ luôn sống dưới sức ép của đám đông và dư luận. Nhưng không vì thế mà chúng ta mất đi niềm tin vào một thế giới công bằng và tốt đẹp. Hollywood đã chứng minh nghệ thuật là con đường ngắn nhất để thay đổi suy nghĩ và tạo nên sự đồng cảm.