Phim Ảnh

'Địa đạo cá sấu tử thần': Giật gân, máu me và cực kỳ ám ảnh

Grassie
Chia sẻ

Phim "Địa đạo cá sấu tử thần" là trường hợp hiếm hoi có sự đánh giá khác biệt giữa khán giả đại chúng và giới chuyên môn. Trái ngược với số điểm tích cực từ các chuyên gia, phim chỉ nhận được số điểm 6,6/10 từ gần 11 nghìn đánh giá của người xem đại chúng. 

Bộ phim Địa đạo cá sấu tử thần (tựa tiếng Anh: Crawl) là một trong những trường hợp đặc biệt của màn ảnh rộng thế giới trong tháng 8. Tác phẩm cùng lúc kết hợp hai thể loại phổ biến nhưng chưa từng được khai thác cùng nhau trước đó: thảm họa thiên nhiên và quái vật săn mồi. Phim không được trình chiếu sớm cho giới phê bình nhưng lại nhận được số điểm đánh giá tích cực trên chuyên trang tổng hợp Rotten Tomatoes: 83% nhận xét tích cực từ 136 chuyên gia điện ảnh.

Tác phẩm của đạo diễn kiêm biên kịch Alexandre Aja cũng là trường hợp hiếm hoi có sự khác biệt về đánh giá giữa khán giả đại chúng và giới chuyên môn. Trái ngược với số điểm tích cực từ các chuyên gia, phim Địa đạo cá sấu tử thần chỉ nhận được số điểm 6,6/10 từ gần 11 nghìn đánh giá của người xem đại chúng.

Giật gân, nghẹt thở và kinh dị 

Chuyện phim Địa đạo cá sấu tử thần theo chân Haley (Kaya Scodelario đảm nhận) sau khi quay về nhà mình tại Florida, Mỹ để tìm kiếm người cha mất tích, mặc dù các nhà chức trách đã phát lệnh di tản do có cơn bão lớn đổ bộ. Cô gái trẻ không ngờ được bọn cá sấu khát máu men theo dòng nước tấn công căn nhà, khiến hai cha con mắc kẹt giữa cơn bão đang ngày một lớn và đám cá sấu hung hãn. Bộ phim là hành trình chống lại quái vật săn mồi cùng với thảm họa thiên nhiên của hai cha con, đồng thời những hiểu nhầm của hai người cũng dần được gỡ bỏ.

Điểm tạo nên sự khác biệt của bộ phim Địa đạo cá sấu tử thần với những tác phẩm khai thác đề tài thảm họa thiên nhiên và quái vật săn mồi khác là tính quyết liệt. Đạo diễn kiêm biên kịch Alexandre Aja sẵn sàng gắn nhãn R (không dành cho khán giả dưới 17 tuổi) cho bộ phim, mặc dù điều này sẽ giới hạn đối tượng người xem đến rạp. Cũng vì vậy, đạo diễn người Pháp thoải mái tung hoành với những trường cảnh bạo lực khủng khiếp, khiến khán giả “sốc tận óc” vì mức độ bạo lực và máu me.

Trước hết, đạo diễn bộ phim Địa đạo cá sấu tử thần xây dựng một bối cảnh “hoàn hảo”, tạo nên thế bế tắc cho hai cha con trong chính ngôi nhà của mình. Đám cá sấu khát máu vẫn còn đang chầu chực ở bên ngoài và nhạy cảm với mọi tiếng động dưới nước. Lối thoát duy nhất lên trên cạn đã bị chặn đứng. Haley và người cha chỉ có một chỗ trú thân an toàn duy nhất bên trong những ống nước. Thế nhưng cơn bão ngày càng lớn, không bao lâu nữa thôi nước sẽ dâng ngập đầu hai nguời.

Những tình tiết giật gân, kịch tính nối nhau liên tiếp cứ thế tạo nên không khí ngộp thở đến kinh hãi. Mỗi bước di chuyển của cô gái trẻ Haley khiến khán giả không dám thở mạnh. Thế rồi mạch phim đột ngột bị đẩy lên cao với những trường cảnh tấn công quyết liệt của đám cá sấu. Các cảnh quay bạo liệt với sự cộng hưởng của hình ảnh và âm thanh làm người xem choáng ngợp. Máu me, vết thương hở, màn tấn công rợn người của quái vật săn mồi được lột tả chân thật, tạo nên nỗi ám ảnh dai dẳng xuyên suốt bộ phim.

Kịch bản dễ đoán, cảm xúc chưa được đẩy lên cao trào

Song song với chuyến hành trình giành giật mạng sống từ lũ quái vật săn mồi, giữa bờ vực sống chết, hai cha con hóa giải được mâu thuẫn kìm nén nhiều năm trong mối quan hệ. Cha Haley luôn dành quá nhiều thời gian để thúc ép cô luyện tập. Trong khi đó, Haley tự cho mình là nguyên nhân khiến cha mẹ đổ vỡ hôn nhân.

Nhưng người cha thực chất đã nhìn ra tinh thần chiến đấu và bản lĩnh ở con mình từ khi còn nhỏ. Và chính cô cũng là sợi dây kết nối giữa cha mẹ. Tình phụ tử càng trở nên sâu sắc hơn khi nguy hiểm dâng cao, chính những lời động viên của cha đánh thức tiềm năng để Haley vượt qua chính mình.

Bộ phim Địa đạo cá sấu tử thần sở hữu nền tảng khá tốt với ý tưởng kết hợp giữa thử thách chết người và sợi dây phụ tử xuyên suốt tác phẩm. Tuy vậy, diễn xuất của cặp đôi Kaya Scodelario và Barry Pepper chưa thực sự đẩy cảm xúc của khán giả lên cao. Nhiều phân cảnh thổ lộ tình cảm vẫn còn tỏ ra khiên cưỡng, hời hợt cảm xúc nhưng nặng tính triết lý.

Không những thế, tác phẩm của đạo diễn Alexandre Aja vẫn còn khá dễ đoán. Khán giả chỉ giật mình vì những màn tấn công đột ngột của đám quái vật nhưng không thực sự bất ngờ. Tuy nhiên, đây cũng là đặc điểm chung của các bộ phim thảm họa thiên nhiên và quái vật.

Tác phẩm Địa đạo cá sấu tử thần gây chú ý ngay từ cái tên. Ý tưởng thực chất không phải hai cha con lạc đến địa đạo cá sấu, mà đám quái vật săn mồi đã biến chính ngôi nhà của họ trở thành địa đạo tử thần. Bộ phim sớm thu về doanh thu khả quan cho nhà sản xuất và theo đạo diễn Alexandre Aja cùng nhà sản xuất lừng danh Sam Raimi, cả hai đã tính đến chuyện đi đường dài, tiếp tục phát triển ý tưởng và biến đây trở thành thương hiệu điện ảnh mới.

https://www.youtube.com/watch?v=xYwC4oxldL0

Chia sẻ

Bài viết

Grassie

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất