Quy tụ dàn diễn viên đầy thực lực, Ngôi nhà bươm bướm là sản phẩm điện ảnh rất được mong chờ kể từ khi tung ra đoạn trailer đầu tiên. Thoạt nhìn, tựa phim chuyển thể từ vở kịch La Cage Aux Folles mang màu sắc LGBT cùng câu chuyện xoay quanh hai nhân vật do NSƯT Thành Lộc và Quang Minh thủ vai.
Tuy nhiên, theo như chia sẻ đến từ đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh thì Ngôi nhà bươm bướm còn có nhiều điều ẩn chứa hơn chỉ là một cặp đôi đồng tính. Và đúng như vậy, tác phẩm đánh dấu sự trở lại của đạo diễn Lô tô đã chiến thắng nhiều hơn thế, khi khắc họa chân thật tình yêu, tình thân cùng tầm quan trọng của gia đình.
Một “ngôi nhà bươm bướm” tràn đầy màu sắc
Dù thành công trong việc nhấn mạnh những tình huống xung đột gia đình, nhưng vẫn không thể phủ nhận rằng Ngôi nhà bươm bướm là một tác phẩm truyền cảm hứng đến cộng đồng LGBT theo một cách rất riêng, chưa từng có tại thị trường điện ảnh Việt.
Thay vì khai thác những khúc mắc hay bi kịch trong mối tình giữa hai người nam - một mô-tuýp đã quá đỗi quen thuộc khi nhắc đến đề tài LGBT, Ngôi nhà bươm bướm đã đặt mốc xuất phát ở thời điểm khi cả hai đối tượng đã về chung một nhà, sống cùng nhau suốt nhiều năm và đã có con.
Ông Cường và “bà” Hân đã bước vào độ tuổi trung niên, bên cạnh còn có đứa con trai trưởng thành là Hoàng (Liên Bỉnh Phát) đang sắp sửa lấy vợ. Từ đây, mọi rắc rối lại bắt đầu nảy sinh, khi gia đình 2 bên gặp mặt nhau, và sự khác biệt giữa những con người sống cách nhau hàng ngàn cây số đã dẫn đến một đêm tiệc cười ra nước mắt theo đúng nghĩa đen.
Cuộc sống của những người thuộc cộng đồng LGBT không thiếu những chông gai, thử thách nhất là đến từ bậc sinh thành. Tuy nhiên, trong khi nhiều tựa phim vẫn còn loay hoay, mắc kẹt trong những từ khóa như “come out”, “tình cảm thiếu niên”,… thì Ngôi nhà bươm bướm đã ngang nhiên bước ra khỏi ranh giới ấy, mang lại một tình huống mới lạ nhưng cũng vô cùng thực tế, đó chính là những cặp bố mẹ đồng tính và những đứa con của họ. Sự thể hiện đầy duyên dáng của Thành Lộc và Quang Minh lại làm người xem thấy dễ chịu, tự nhiên như bất cứ cặp vợ chồng trung niên nào khác.
Ngoài ra, phim còn đề cập đến một khía cạnh khác, có phần hào nhoáng, hiện đại và vẫn còn mới lạ đối với khán giả Việt, đó chính là drag queen. Sự hiện diện của những “nữ hoàng” trong bộ diễn phục rực rỡ, lấp lánh lung linh đã đại diện cho chữ T trong LGBT - cộng đồng người chuyển giới.
Ngôi nhà bươm bướm vô cùng tài tình không chỉ tôn vinh những con người dám sống thật với chính bản ngã của mình, mà còn truyền tải thông điệp văn minh về khái niệm drag queen vốn đã trở thành một loại hình giải trí chuyên nghiệp và chính thống tại các quốc gia phương Tây, đơn cử là show truyền hình thực tế RuPaul's Drag Race rất được giới trẻ ưa thích.
Nhìn chung, ở khía cạnh câu chuyện đồng tính thì Ngôi nhà bươm bướm đã làm được điều mà những phim cùng thể loại khác chưa hề làm được, đó là đặt dấu chấm hết tươi đẹp cho câu chuyện tình nam - nam thanh xuân (vốn đã là một sự tiến bộ bên cạnh quá nhiều các tựa phim có cái kết bi đát, hay tệ hơn, một cái kết mở lười nhác và nhàm chán), đồng thời lấy đó là mốc khởi đầu cho một chương mới với đầy những rắc rối và biến cố đời thường, cũng là nội dung chính của phim.
Sau tất cả, tình yêu mới là đơn thuần đáng quý nhất
Ngôi nhà bươm bướm hé lộ đoạn trailer cùng câu chuyện “chạy bầu” tưởng chừng như khá quen thuộc trong thế giới phim rom-com của Việt Nam. Điều đó thể hiện phía sản xuất đã vô cùng khôn ngoan khi “che giấu” toàn bộ sự thật và cốt truyện chính để tạo bất ngờ cho khán giả, rằng tất cả những gì trong trailer chỉ là bề nổi của phim.
Gia đình của Hoàng và Mai (Hoàng Yến Chibi) không thể nói là trái ngược nhau, và là khác biệt nhau đến độ ngỡ ngàng. Có thể thấy, bố mẹ của Mai (do Hồng Đào và Xuân Trường thủ vai) là người miền Bắc khá truyền thống và gia giáo, trong khi gia đình Hoàng vốn dĩ sống trong Nam, mang tư tưởng cởi mở. Điều đặc biệt hơn, Hoàng lại là con của một gia đình đồng tính, sống trong một ngôi nhà có bố và “mẹ” là người đứng đầu mà một quán bar diễn drag queen. Hay nói vui, Hoàng chính là “trai thẳng” duy nhất trong vòng khu “16 mét 50” đổ lại.
Ở đây, khán giả có thể phần nào mường tượng được sự xung đột đến từ tư tưởng, cách sống và cách cảm thụ nhân sinh giữa nhà trai và nhà gái, trong đó nhà gái lại có thể có xu hướng cực đoan hơn. Đây cũng là nguyên do chính dẫn đến sự chần chừ trong việc cưới sinh của cặp nam nữ trẻ tuổi, nhưng không phải bằng việc lên án rằng “Hoàng có 2 người cha”, mà đến từ việc phía người lớn chưa có một tần số chung để thấu hiểu và cảm thông lẫn nhau. Điều đó hoàn toàn thể hiện ở cái kết chắc chắn sẽ khiến người xem mỉm cười viên mãn, rằng trên đời vẫn còn nhiều điều dung dị và tốt đẹp.
Diễn xuất của dàn diễn viên gạo cội có tên tuổi thật sự đã làm bật lên cốt truyện và tuyến nhân vật mang nhiều nét độc đáo riêng biệt. Đặc biệt nhất chính là vai của Thành Lộc khi anh có thể coi là trung tâm của gần như mọi điều trớ trêu trong phim. Thế nhưng, cũng chính anh là biểu tượng đã vượt lên trên tất cả mọi hiềm nghi, định kiến để khẳng định tầm quan trọng của “tình yêu” trong cuộc sống, rằng tình yêu, dù đồng tính hay dị tính thì cũng chẳng có gì khác hay hơn thua nhau, vẫn rất đáng quý và đáng trân trọng, cũng giống như tình yêu giữa Mai và Hoàng vô cùng thuần khiết và chân thành.
Ngôi nhà bươm bướm đã hoàn toàn rời xa và thoát ly khỏi một phim LGBT thông thường, trở thành bộ phim hài - lãng mạn gia đình thuần túy, trong đó chứa đựng nhiều thông điệp mà bất cứ ai khi xem, dù cho ở độ tuổi, giới tính hay tầng lớp nào cũng sẽ tìm thấy sự đồng cảm trong đó. Tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, sự hi sinh của cha mẹ dành cho con cái và cả sự cảm thông giữa người với người đều là những bài học đắt giá, không bao giờ “lỗi mốt” đặc biệt là trong thế giới hiện đại, khi con người đang dần đánh mất nhiều giá trị nhân văn trong sự phát triển chóng mặt của khoa học công nghệ.
Ngôi nhà bươm bướm chính thức công chiếu vào ngày 30/8/2019.