Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Review 'Doctor Sleep' (Ký ức kinh hoàng): Phần hậu truyện xứng tầm với 'The Shining'

Mặc dù vẫn chưa đưa ra được câu trả lời thích đáng lý giải cho những điểm mâu thuẫn giữa nguyên tác của Stephen King và phiên bản điện ảnh của Stanley Kubrick, nhưng khi đứng độc lập, "Doctor Sleep" vẫn xứng đáng được công nhận là một tác phẩm kinh dị xuất sắc.

Bộ phim The Shining do Stanley Kubrick làm đạo diễn là phiên bản điện ảnh được chuyển thể từ tiểu thuyết kinh dị cùng tên của nhà văn Stephen King được xem là một trong những tác phẩm kinh điển nhất mọi thời đại của thể loại kinh dị. Câu chuyện theo chân cậu bé Danny Torrance nay đã trưởng thành (do Ewan McGregor đảm nhận) và phải chống chọi với những tổn thương tâm lý hình thành trong quá khứ. Danny trở thành một kẻ nghiện rượu giống như cha cậu và tìm mọi cách để đè nén khả năng ngoại cảm của bản thân (được gọi với cái tên là “shining).

Sau này, Danny tìm đến một thị trấn nhỏ ở Frazier, New Hampshire và nhận công việc tại một bệnh viện, dùng khả năng của mình để giúp đỡ những bệnh nhân đang cận kề cái chết. Tại đây, Danny gặp Abra Stone (do Kyliegh Curran đảm nhận)- một cô gái trẻ mang trong mình năng lực “shining” mạnh mẽ khiến cô trở thành mục tiêu của hội True Knot - một tà giáo săn giết những cá thể sở hữu “shining” để sinh tồn và kẻ cầm đầu là Rose the Hat (do Rebecca Ferguson đảm nhận). Abra cố gắng thuyết phục Danny cùng hợp tác với cô để chống lại Rose, nhưng để làm được điều đó, Danny sẽ phải vượt qua được nỗi sợ của bản thân để đối diện với quá khứ kinh hoàng năm xưa.

Qua bàn tay của đạo diễn kiêm biên kịch Mike Flanagan (Gerald's Game, Haunting of Hill House), Doctor Sleep của King mang dáng dấp như một tấm gương lạnh lẽo soi rọi những sang chấn kinh hoàng trong tuổi thơ của nhân vật chính và những con quỷ đó vẫn tiếp tục đeo đuổi anh không dứt, kể cả khi đã trưởng thành. Kỹ thuật quay phim của Michael Fimognari và phần nhạc phim đến từ The Newton Brothers đã góp phần không nhỏ tạo nên bầu không khí chủ đạo ám ảnh, rợn người của bộ phim.

Ở một số phân đoạn, Doctor Sleep của Flanagan lại mang phong cách đặc trưng của đạo diễn Stanley Kubrick (ví dụ như hai cảnh quay liên tiếp hòa tan vào nhau theo kiểu gợn sóng) và tiếng tim đập dồn dập được sử dụng như nhạc nền xuyên suốt bộ phim để tạo cảm giác thấp thỏm, hồi hộp cho khán giả. Tuy vậy, ở hai phần ba thời lượng đầu, Doctor Sleep không hề khiến người xem cảm thấy đây là một phiên bản rập khuôn của phần một.

Ngay cả khi Mike tái hiện lại những khoảnh khắc quan trọng, mang tính mấu chốt trong The Shining thì chúng vẫn được thực hiện từ một góc nhìn hoàn toàn mới mẻ - cũng chính là góc nhìn của Danny. Phong cách của đạo diễn Mike được nhận xét là đi theo hướng “mưa dầm thấm lâu”, từ từ len lỏi theo thời gian và cuối cùng ngự trị trong tâm lý người xem, rất thích hợp với phong cách của nguyên tác, chứ không dồn dập mạnh mẽ, áp đảo người xem như Stanley Kubrick.

Doctor Sleep dành hầu hết thời lượng hai tiếng rưỡi để tập trung khắc họa sự đối lập giữa hai phe thiện-ác. Sự đấu tranh tâm lý của Danny và tình bạn đặc biệt với cô bé Abra được khéo léo đặt cạnh những âm mưu săn đuổi nham hiểm của tà giáo True Knot, tạo nên thế cân bằng cho bộ phim và cũng khiến người xem dễ nhập tâm hơn bởi độ “mượt” của câu chuyện. Ewan McGregor có nhiều đất diễn để thể hiện khả năng lột tả nội tâm một nhân vật phức tạp như Danny.

Anh liên tục bị đẩy vào cuộc chiến không khoan nhượng với chính bản thân, phải tìm cách đối mặt với những con quái vật trong quá khứ để có thể dùng năng lực ngoại cảm giúp đỡ người khác. Nhân vật phản diện Rose the Hat do Rebecca thể hiện cũng để lại nhiều ấn tượng vì không ai ngờ một ác nhân chuyên sát hại trẻ em lại có thể gợi lòng thương cảm từ khán giả đến vậy.

Doctor Sleep đã có thể trở nên hoàn hảo nếu như phần cao trào của Flanagan thực sự mang tính đột phá và tạo nên sự khác biệt đối với The Shining của Kubrick. Tiếc thay, đến một phần ba thời lượng còn lại của bộ phim, Doctor Sleep lại đi vào vết xe đổ như rất nhiều phần hậu truyện - đó là tái sử dụng quá đà những khoảnh khắc kinh điển của phần trước với mục đích mang lại một bầu trời hoài niệm cho khán giả, nhưng cuối cùng chỉ nhận được phản ứng là những cái thở dài ngao ngán. Ngoài ra, cái kết mà Danny nhận được sau những cố gắng hòa giải với người cha trong ký ức khiến người xem cảm thấy “sai sai” bởi sự khác biệt một trời một vực giữa Jack Torrance trong tiểu thuyết của King và trong phim của Kubrick.

Công bằng mà nói, đạo diễn Mike xứng đáng nhận được lời khen vì không phải ai cũng đủ năng lực để chuyển thể tác phẩm của Stephen King, mà trong khi tác phẩm đó lại còn chịu rất nhiều áp lực từ cái bóng của người đi trước là Stanley Kubrick. Bên cạnh đó, Mike cũng dành nhiều thời gian công sức đầu tư tìm hiểu và khai thác rất hiệu quả những chủ đề nhạy cảm như quá trình hồi phục sau sang chấn tâm lý và sợi dây liên kết với gia đình. Doctor Sleep tuy không hoàn hảo nhưng có thể nói bộ phim đã chạm rất gần đến ngôi vị một siêu phẩm kinh dị.

Bộ phim bắt đầu được khởi chiếu tại các cụm rạp trên toàn quốc từ 08/11/2019.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Anh Anh

Được quan tâm

Tin mới nhất
Giải mã sức hút của show 'Hành Trình Kỳ Thú' đang phát trên MyTV