Bố già bản điện ảnh có cốt truyện hoàn toàn độc lập với phiên bản chiếu mạng hồi năm ngoài, lấy bối cảnh ở một khu phố nghèo, xập xệ, có phần bất ổn, phức tạp, nhưng ẩn đằng sau đó là chan chứa tình yêu thương. Nhân vật chính Ba Sang (Trấn Thành) sống cùng con trai Quắn (Tuấn Trần) và con gái nuôi Bù Tọt (Ngân Chi), tạo thành bộ ba "tạo sóng tạo gió", nhốn nháo, vì trái tính trái nết. Trong khi người bố vất vả với nghề chở hàng thuê, thì Quắn ôm mộng trở thành ngôi sao trên mạng xã hội.
Về ưu điểm, Bố già là một bộ phim gia đình đầy nhân văn và giàu ý nghĩa, thông điệp cũng rõ ràng về thân phận con người, dù bạn giàu hay nghèo, dù bạn bao nhiêu tuổi đó là, "hãy sống cho chính mình đi", và "hãy trả lại sự cân bằng cho vạn vật, để tạo tiền đề cho những điều tốt đẹp xảy ra", điều khán giả đã cần sau series Nắng. Chúng ta cũng thấy những lát cắt rất đỗi bình dị, chân thực đến từ những mảnh đời xuất thân nghèo khó, "đặc sản" của Vũ Ngọc Đãng. Chính vì thế, nếu đi xem phim với người thân, và muốn cảm nhận cuộc sống với đầy đủ cung bậc của "người nghèo thì phải khóc", thì Bố già là sự lựa chọn vô cùng phù hợp.
Tất nhiên, phim của Trấn Thành thì không chỉ có nước mắt chua chát, cay đắng, mà còn xen lẫn đâu đó là những tiếng cười, nó đem đến phong vị rất đời, duyên dáng... Những màn tung hứng của những cây hài "có số có má" như Trấn Thành, Ngọc Giàu, Tuấn Trần, Lê Giang... vừa bài bản, vừa ngẫu hứng khiến mạch phim không bị kéo chùng hay bi lụy quá nhiều. Bé Ngân Chi vẫn duy trì phong độ như thời Nắng 3.
Diễn xuất của Trấn Thành trong Bố già xúc động, không màu mè, đặc biệt là trong trường đoạn bộc bạch "Vì tao thương mày mà" khi tranh cãi với đứa con Quắn (Tuấn Trần) về vấn đề hiến thận. Phần còn lại của phim, anh diễn ổn, trơn tru, dù chỉnh thoảng hơi gồng và cứng và cách nhả thoại đâu đó phảng phất bóng dáng của Cua lại vợ bầu.
Tuấn Trần cũng đã có vai diễn điện ảnh tốt nhất từ trước tới nay khi nhập vai một nhân vật vẻ ngoài ngổ ngáo, nóng nảy, cạn cợt, có phần trẻ trâu, nhưng bên trong là người tình cảm, sâu sắc, trọng tình trọng nghĩa.
Điểm trừ của Bố già đến từ việc hơi sa đà theo dòng tự sự của nhân vật Sang khá nhiều lần, khiến cho phim bị lan man ở khúc đầu, tạo cảm giác hơi nhàm, và đang xem Cô dâu tám tuổi. Ngoài ra vì có hơi nhiều nhân vật, nên mạch phim Bố già cũng bị khuấy loãng, mất tập trung. Thậm chí, mâu thuẫn của cặp cha con Sang - Quắn bị "Cải lương" và kịch hóa ở khá nhiều phân đoạn, trước khi bùng nổ ở đoạn hiến thận.
Công bằng mà nói, Bố già đã làm quá tốt ở khâu "lấy nước mắt người xem" khi đi sâu vào những vấn đề nguyên bản nhất của tình thân bằng lối làm phim tuy có phần an toàn, nhưng lại thực tế, mang màu sắc phim TVB Hongkong những năm 90. Cộng với đó là tên tuổi của một dàn diễn viên chắc tay dẫn dắt.
Nếu so với bản chiếu mạng, bản điện ảnh súc tích, có cao trào hơn thấy rõ, đặc biệt là trong cách xây dựng mâu thuẫn và cách xử lí mâu thuẫn giữa các cặp vợ - chồng, cha - con. Thực sự Bố già đã có một sức sống độc lập và tốt hơn webdrama - dù cho phiên bản kia không hề tệ.
Bố già hiện đã ra rạp từ 5,6/3 với những suất chiếu sớm.