Gần đây, những bom tấn cổ trang bị “tồn kho” đã lâu nay bỗng nhiên có “động tĩnh” trở lại. Trước tiên là Ba Thanh truyện - bộ phim từ khi khai máy đã gặp không ít sóng gió. Sau scandal của Cao Vân Tường, bộ phim tạm định sẽ phát sóng vào mùa hè năm nay trên đài Đông Phương và Giang Tô Vệ Thị. Tiếp theo đó, tác phẩm được nhà nhà mong chờ - Như Ý truyện cũng “rục rịch” có thông tin được lên sóng vào ngày 14 tháng 8 trên đài Đông Phương và Giang Tô Vệ Thị theo khung giờ chiếu tuần, số tập của Như Ý truyện từ 99 tập sẽ giảm xuống còn 88 tập.
Phim cổ trang vướng phải lệnh cấm nghiêm ngặt, nửa đầu năm 2018 không có tác phẩm cổ trang nổi bật nào lên sóng.
Có thể nói năm 2018 là một năm không mấy “bùng nổ” trong lĩnh vực phim ảnh của Trung Quốc. Chớp mắt cũng đã trôi qua nửa năm, thế nhưng màn ảnh nhỏ trong nửa năm này lại không hề có một tác phẩm nào có rating vượt mức 2%. Điều kỳ lạ hơn nữa là từ đầu năm đến nay, ngoại trừ bộ phim cổ trang Lang Nha Bảng: Phong khởi trường lâm được phát sóng vào khung giờ vàng của đài Bắc Kinh, thì không còn tác phẩm cổ trang nào được phát sóng trong khung giờ vàng, kể cả bộ phim cổ trang đại chế tác đang “làm mưa làm gió” hiện nay - Phù Dao.
Tất cả phim cổ trang lâm vào tình cảnh như vậy, chủ yếu do hai lý do chính sau đây. Đầu tiên là bởi sự ảnh hưởng của lệnh cấm khắc nghiệt của Tổng cục Điện ảnh Trung Quốc. Theo đó, quy định trong lệnh cấm yêu cầu tổng số tập của phim cổ trang phát sóng trong khung giờ vàng trên đài truyền hình không được vượt quá 15% tổng thời lượng phát sóng trong khung giờ năm đó. Điều này có nghĩa mỗi đài truyền hình trong vòng một năm chỉ được phát sóng nhiều nhất là 110 tập phim cổ trang. Thế nhưng, số tập những bộ phim cổ trang càng quay càng nhiều, điển hình như Đại đường vinh diệu 92 tập, Như Ý truyện 88 tập, Ba Thanh truyện 66 tập.
Lý do còn lại chính là phim cổ trang phát sóng trong khung giờ vàng của đài truyền hình có định mức nhất định. Lấy ví dụ tiêu biểu nhất là hai bom tấn bộ Như Ý truyện và Ba Thanh truyện đều được phát sóng trên đài Đông Phương và Giang Tô. Một bộ 88 tập, bộ còn lại cũng dài không kém - 66 tập. Nếu như cả hai không thực hiện việc cắt giảm bớt đi số tập thì buộc nhà đài phải chọn lựa duy nhất một trong hai tác phẩm chiếu trên khung giờ vàng.
Bộ phim cổ trang dễ “bùng cháy” màn ảnh nhỏ hơn những bộ phim có đề tài hiện thực
Không khó để phát hiện ra thị trường phim truyền hình nửa đầu năm 2018 không có nhiều bộ phim “bùng nổ”, rating của đại đa số phim truyền hình nửa năm này đều “dậm chân” dưới 1%. Lang Nha Bảng chi Phong khởi trường lâm trước khi phát sóng đã nhận được vô số bình luận thể hiện sự háo hức của khán giả, thế nhưng rating thu về lại không hề cao và “bùng nổ” màn ảnh nhỏ như mong đợi. Nhớ lại những năm trước đây, thị trường truyền hình luôn có những bộ phim cổ trang làm “bùng nổ” không chỉ thị trường Trung Quốc mà vươn tầm cả Châu Á và quốc tế, ví dụ như Võ Mỵ Nương truyền kỳ vào năm 2014, Mị Nguyệt truyện năm 2015, Cẩm tú Vị Ương năm 2016, Đại đường vinh diệu, Tam sinh tam thế: Thập lí đào hoa năm 2017.
Tuy rằng trong danh sách các tác phẩm làm bùng nổ màn ảnh nhỏ có những bộ phim đề tài hiện thực như Danh nghĩa nhân dân, Nửa đời trước của tôi, thế nhưng theo thống kê rating trên màn ảnh nhỏ, những tác phẩm với đề tài hiện thực có tỉ lệ gây “bùng nổ” thấp hơn rất nhiều so với thể loại phim cổ trang.
Từ phương diện nội dung, đại đa số biên kịch ở Đại Lục đối với đề tài hiện thực cuộc sống thiếu đi sự quan sát thực tế, khiến ội dung kịch bản ngày càng khác xa với hiện thực. Còn đề tài cổ trang thì lại khác, ngoại trừ tiểu thuyết cổ điển của Trung Quốc ra, thì những tác phẩm IP lớn trên mạng của Trung Quốc hiện nay có thể nói là “nhiều vô tận”. Từ đây biên kịch có thể dựa vào những ý tưởng gốc của truyện để có thể phát triển thêm về nội dung phim
Dưới góc nhìn truyền thông, những bộ phim cổ trang dễ dàng nổi tiếng và thu hút đề tài hơn so với hiện đại. Motif diễn viên nổi tiếng tham gia tác phẩm chuyển thể lớn, số tiền đầu tư khổng lồ và mức giá bán bản quyền sản phẩm cao sẽ quyết định phương thức chiếu đài và sự tuyên truyền rộng rãi. Nếu như Như Ý truyện và Ba Thanh truyện có thể phát sóng thì việc hai bộ phim này trở thành tác phẩm làm “bùng cháy” màn ảnh nhỏ năm 2018 là chuyện sớm muộn.
Phim cổ trang “đại nam chủ” dần dần trở nên phổ biến
Tổng cục điện ảnh đối với lệnh cấm phim cổ trang ngày càng nghiêm ngặt, thế nhưng tương lai sau này của phim cổ trang vẫn sẽ rất rộng mở. Chỉ có điều, do sự ảnh hưởng của những lệnh cấm và chính sách mà hiện giờ càng ngày càng có nhiều bộ phim cổ trang không đi theo con đường “đại nữ chủ” nữa mà thay vào đó là bắt đầu xu hướng “đại nam chủ”. Tính đến hiện nay, dựa theo tổng kết sơ bộ đã có 11 bộ phim cổ trang “đại nam chủ”, trong đó bao gồm Vũ động càn khôn, Đấu phá thương khung, Tướng dạ, Khánh dư niên, Thiên hạ trường an, Trường An 12 canh giờ, Cửu châu phiêu miểu lục, Tào Tháo,…
Có thể thấy rằng cho dù lệnh cấm của Tổng cục điện ảnh Trung Quốc có nghiêm khắc đến đâu thì phim cổ trang vẫn là thể loại được mọi người mong chờ và đón nhận nhất.