Sau một năm không mấy khởi sắc của phòng vé, mùa phim Tết Tân Sửu đang được kì vọng rất lớn sẽ vực lại nền công nghiệp điện ảnh với nhiều tên tuổi lừng lẫy và triển vọng trăm tỷ như Bố Già, Lật Mặt 48h, Gái già lắm chiêu V, Trạng Tí, thế nhưng càng đến gần Tết mọi chuyện càng trở nên u ám và đáng lo ngại hơn bao giờ hết.
Ngay từ cuối tháng 1, sau khi phát hiện những ca bệnh COVID-19 tại Chí Linh Hải Dương và Vân Đồn Quảng Ninh, kéo theo sau đó là một số rạp tại các tỉnh đã lần lượt ngưng hoạt động phòng chống dịch là Hải Dương, Hạ Long, Hải Phòng, Bắc Ninh, đã khiến giới làm phim và nhà rạp bồn chồn lo lắng. Khi thị trường tại các tỉnh thành này bị đóng băng, là nguy cơ mất trắng doanh thu tại các địa phương này sẽ ảnh hưởng đáng kể tới phòng vé, đặc biệt là Bắc Ninh và Hải Phòng là hai nơi có đóng góp đáng kể vào tổng doanh thu toàn ngành. Tại Bắc Ninh, cụm rạp Lotte được xem là nơi có doanh số cao nhất miền Bắc của hệ thống này, trong khi tại Hải Phòng cả CGV, Lotte, Galaxy đều có rạp và luôn có lượng khách ổn định.
Mọi việc bắt đầu trở nên tồi tệ hơn khi tới Bình Dương thông báo tạm ngưng hoạt động chiếu phim, với 3 rạp CGV và 2 rạp Lotte. Nằm ở khu vực có đông dân cư, khán giả thường xuyên xem phim và đặc biệt là có xu hướng ưu tiên xem phim Việt như Bình Dương, việc mất trắng doanh số tại đây là cú đánh bồi mạnh mẽ vào tham vọng trăm tỷ của tất cả các nhà sản xuất.
Đến ngày 2/2, Gái già lắm chiêu V bất ngờ thông báo hoãn lịch chiếu phim, bất chấp việc quảng bá rầm rộ và bài bản trước đó nhiều tháng liên tục, đang được khán giả chú ý, quan tâm cũng như khá chờ đợi sự trở lại của bộ đôi đạo diễn Nam Cito và Bảo Nhân. Hiệu ứng domino dời lịch của các phim Tết đang hiển hiện hơn bao giờ hết nhưng với những thông tin khống chế dịch hiệu quả tại một số tỉnh thành, khán giả, nhà rạp và nhà sản xuất cũng yên tâm phần nào để ổn định tâm lý và chuẩn bị cho việc ra mắt phim mùa Tết.
Đồng thời, việc Gái già lắm chiêu V dời lịch khỏi Tết khiến lịch phim trở nên bớt chật chội và gay gắt hơn khi chỉ còn 3 phim Việt tranh nhau miếng bánh Tết lúc này. Trong khi ước tính khoảng trên 80% thị trường vẫn còn được bảo toàn với các thị trường chính như TPHCM, Hà Nội, Đồng Nai, Cần Thơ hay Nha Trang.
Cập nhật liên tục trên mạng xã hội sẽ thấy đoàn làm phim Bố già tổ chức xuất quân nội bộ ‘lấy phong thủy’ chờ ngày ra phim. Trong khi Lật mặt 48h gấp rút triển khai việc trưng bày quảng bá mạnh mẽ thêm tại các điểm rạp, nơi chỗ trống của Gái già lắm chiêu V đang bỏ lại trống trải hơn bao giờ hết để rốt ráo tiếp cận thu hút khán giả khi Tết ngày một cận kề. Trong khi đó, Trạng Tí cũng liên tục tung ra các nội dung truyền thông, tổ chức chiếu phim thử giới hạn để có những đánh giá tích cực ban đầu, chuẩn bị tạo sức lan tỏa nội dung hấp dẫn cho bộ phim trong quá trình đẩy số sắp tới.
Thế nhưng thông tin đến vào tối ngày 8/2 khi TPHCM ra thông báo tạm ngưng hoạt động của rạp chiếu phim để phòng chống dịch COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp và đáng lo ngại đã khiến cơ hội phim Tết ra rạp mong manh hơn bao giờ hết. Tại TPHCM, CGV có khoảng 20 rạp, Lotte có 9 rạp, Galaxy có 9 rạp và các rạp khác cũng khoảng 10 rạp, chiếm khoảng 25% tổng số rạp chiếu phim trên cả nước và ước tính chiếm khoảng 40% tổng doanh số phòng vé rạp.
Rõ ràng việc chống dịch là ưu tiên hàng đầu lúc này và thời gian tạm ngưng hoạt động của rạp tại TPHCM tới khi nào vẫn là ẩn số chưa có lời đáp. Nếu các rạp TPHCM không thể trở lại sớm thì nguy cơ đánh rơi mất một nửa thị trường còn lại của các bộ phim Tết là không thể tránh khỏi, đó là chưa kể tới tâm lý e ngại tới rạp hơn của khán giả tại các địa phương cũng khiến thị trường phim rạp thêm co hẹp sức mua lại.
Tính đến chiều tối ngày 8/2, dạo qua website đặt vé của CGV hay Lotte, chúng ta vẫn dễ dàng nhận thấy lịch chiếu của Trạng Tí và Lật mặt:48h đã sớm được lên cho thời gian từ mùng 1 Tết. Trong đó Trạng Tí với giấy phép P (phổ biến cho mọi đối tượng) còn Lật mặt: 48h mở bán với quy định C18 (phổ biến cho khán giả đủ 18 tuổi trở lên), còn Bố già vẫn chưa xuất hiện trên lịch chiếu rạp. Các vị trí trưng bày hiển thị tại cụm rạp cũng dày đặc cả 3 phim Việt này, khâu quảng bá PR tại điểm bán có thể nói đã hoàn thành gần như trọn vẹn.
Khâu hậu kỳ vận chuyển cũng đã gấp rút đến những bước cuối chỉ chờ phim khởi chiếu mà thôi trong những ngày cuối cùng của năm. Có thể nói, cả 3 phim đều chuẩn bị và đã sẵn sàng chiếu rạp nên bất kỳ sự thay đổi nào lúc này cũng sẽ khiến công sức và chi phí trước đó trở nên vô nghĩa hoàn toàn.
Đối với Trạng Tí và Lật mặt, có lẽ thiệt hại sẽ nặng nề hơn khi cả 2 phim đều bị dời lịch từ tháng 4/2020 qua Tết năm nay nên nếu có sự thay đổi nữa sẽ khiến nhà sản xuất và phát hành thêm một lần tốn chi phí cho khâu quảng bá lại. Mặt khác các phim Việt hiện nay hầu hết đều là phim được đầu tư từ nhiều nguồn, nên chôn phim lại tiếp kéo theo nhà đầu tư không thể thu hồi vốn, nhà tài trợ không thể đạt được mong muốn về truyền thông phổ cập… sẽ kéo theo một loạt những công việc và có thể là những rắc rối khác mà khó lường trước được.
Nhưng nếu quyết tâm tiếp tục trụ rạp và ra phim từ mùng 1 Tết thì cả 3 phim sẽ đứng trước một thị trường đã bị teo tóp và bóp méo lại rất nhiều khi gần như mất trắng thị trường TPHCM là thị trường lớn nhất, doanh số cao nhất cho tất cả phim Việt chiếu rạp từ xưa tới nay.
Có lẽ ngay lúc này, một bộ phim dũng cảm như Tiệc trăng máu trước đây sẽ nên cân nhắc tiếp tục ra rạp vừa để cứu nguy thị trường đang dần teo tóp, vừa giúp các rạp còn hoạt động hiện nay có phim mới chiếu phục vụ khán giả mùa Tết hay sẽ là một lựa chọn an toàn hơn khi chờ đợi thêm một thời gian nữa và chen chúc vào lịch phim Việt cũng rất dày đặc sắp tới, câu trả lời chỉ có thể chờ đợi nhà rạp và nhà phát hành cùng nhìn lại và ra quyết định khi Tết đang gần bao giờ hết.