Vào giữa năm 2017, dư luận xôn xao chuyện Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) được cổ phần hóa bởi Tổng Công ty Vận tải thuỷ Vivaso - một đơn vị doanh nghiệp không hề liên quan hay có bất cứ kinh nghiệm gì về lĩnh vực nghệ thuật. Trước đó, việc đấu giá cổ phần với một cổ đông duy nhất tham dự (Vivaso) theo một quy trình vội vã, không công khai đầy đủ, và với mức giá rẻ không tưởng khiến nhiều người tỏ ra nghi ngờ, lên tiếng yêu cầu Chính phủ vào cuộc điều tra.
Ngày 1/12/2017, một lãnh đạo Thanh tra Chính phủ cho biết công tác thanh tra quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam đã hoàn tất. Tuy nhiên, bởi nhiều lý do, kết quả thanh tra chỉ được trình lên Chính phủ chứ không hề công khai trước dư luận. Kể từ đó đến nay, vụ việc dần lắng xuống và Tổng Công ty Vận tải thủy Vivaso vẫn nắm quyền sở hữu Hãng phim truyện Việt Nam một cách hợp pháp.
Gần một năm trôi qua, khán giả bất ngờ nhận được tin Hãng vẫn chưa hề có bất kỳ một dự án phim ảnh mới nào kể từ khi được Vivaso tiếp quản. Theo cuộc trò chuyện của phóng viên VTC với Quốc Tuấn, nam diễn viên cho biết: “Khi mà đơn vị của ông Thủy Nguyên vào thì toàn Hãng tê liệt hết”. Cán bộ nhân viên không có việc làm, cũng chẳng có một phim nào được ra mắt.
Giải thích về việc Hãng phim đóng băng mọi hoạt động, diễn viên Quốc Tuấn cho rằng: “Bởi vì bản thân ông Thủy Nguyên không hề có chuyên môn gì về điện ảnh, và thêm nữa là ông ta có đam mê gì đâu, làm gì mà có phim gì. Ông ta cũng không có một đồng nào để bỏ vào đây cả, thậm chí quỹ lương vẫn là tiền của anh em của Hãng còn lại đấy chứ”.
Được biết, từ khi Hãng phim chuyển đổi sang hình thức cổ phần hóa thì mọi người đều không có hoạt động gì cả, chỉ duy nhất khối văn phòng và một số bộ phận bên kỹ thuật như phục trang, bảo quản máy,… còn làm việc. Không có gì để làm, nhưng mỗi người kể từ đạo diễn, diễn viên, nhân công đều phải tới Hãng phim truyện để lăn dấu vân tay chấm công.
Chưa hết bức xúc về vấn đề trên, mới đây, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam lại tiếp tục ra quyết định cắt bảo hiểm liên quan đến lương của các cán bộ tại Hãng phim. Điều này lập tức tạo nên một làn sóng phẫn nộ, bất bình từ dàn diễn viên và đạo diễn.
Đạo diễn Nguyễn Đức Việt thuộc Hãng phim cho biết, trước khi thực hiện cổ phần hóa, Tổng Công ty Vận tải thủy Vivaso đã ký cam kết giữ lương và bảo hiểm, cũng như mọi phúc lợi hiện tại của cán bộ, nhân viên trong 3 năm. Vậy nên, nếu chiếu theo những gì Vivaso đưa ra thì việc làm của họ đã hoàn toàn sai.
Theo chính sách mới mà Vivaso đưa ra, chỉ những người làm việc tại Hãng hơn 14 ngày/tháng mới được quyền tham gia bảo hiểm y tế. Mà trên thực tế, chỉ có bảo vệ, lao công mới có đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu này, bởi lẽ hầu hết những người còn lại đều không có việc gì để làm trong suốt thời gian đó. Đối với mỗi cá nhân đạo diễn, diễn viên, đó dường như là một thách thức, “một cú đấm” thật mạnh của Vivaso giáng xuống toàn bộ nhân viên trong Hãng.
Thời gian về trước, Tổng Công ty Vận tải thủy Vivaso từng gây xôn xao dư luận và bức xúc cho người của Hãng phim truyện Việt Nam khi sử dụng những lời lẽ mạt sát, miệt thị các nghệ sĩ, nhân viên trong Hãng. Thậm chí, chủ nhân Vivaso - ông Thủy Nguyên còn thẳng thừng khẳng định “Hãng phim là cái chợ trời từ trước khi tôi đến. Nó chết từ lâu rồi”, hay châm biếm nghệ sĩ Quốc Tuấn là Chí Phèo, “đi đâu cũng khóc như mưa, khéo tới đây có nơi nghệ sĩ đau xót quá… rồi treo cổ sợ chết”…
Chẳng biết Vivaso giúp đỡ những gì cho Hãng phim truyện Việt Nam để thoát khỏi tình cảnh như “cái chợ trời” hay cần được cứu sống, nhưng tính đến thời điểm hiện tại, dường như toàn bộ nhân viên trong Hãng đều rơi vào tình trạng mất nhiều hơn được. Với tình huống này, người trong cuộc - những đạo diễn, nghệ sĩ và nhân viên Hãng phim cũng chỉ biết mờ mịt nhìn về tương lai phía trước, không biết “ông lớn” trong ngành vận tải thủy làm cách nào để lèo lái con thuyền “anh cả đỏ” cập bến an toàn như đã hứa.