Ngày nay, cùng với sự phát triển ngày một rộng rãi của nền công nghiệp điện ảnh Trung Quốc, nhiều công ty sản xuất, đoàn làm phim vừa và nhỏ liên tiếp nhau ra đời với mong muốn phát hành những tác phẩm điện ảnh phù hợp với thị trường. Để có được kinh phí làm phim, nhiều công ty lựa chọn cách kêu gọi sự tài trợ đến từ các nhãn hàng, thương hiệu sản phẩm khác nhau với một điều kiện tiên quyết chính là… gián tiếp quảng cáo sản phẩm trên chính bộ phim đó.
Không thể phủ nhận rằng việc tích hợp quảng cáo sản phẩm để kiếm được nguồn tài trợ cho phim ảnh là một lựa chọn thông minh đối với nhà sản xuất và các nhãn hàng. Thế nhưng chúng cũng mang lại không ít hậu quả tiêu cực cho cả hai bên được phản ánh bởi chính những khán giả xem truyền hình. Cùng điểm lại những tác phẩm điện ảnh lạm dụng việc quảng cáo sản phẩm “quá đà” và tìm hiểu lợi ích cũng như bất lợi mà hành động này đem lại đối với các bên liên quan.
Đạo mộ bút ký
Sản xuất năm 2015, với sự tham gia của nhiều diễn viên nổi tiếng như Dương Dương, Lý Dịch Phong, Đường Yên,… Webdrama Đạo mộ bút ký chuyển thể từ bộ tiểu thuyết cùng tên của Nam Phái Tam Thúc, phim được tài trợ chính bởi nhãn hàng nước uống tăng lực Redbull.
Chẳng khó để nhận ra phim được Redbull tài trợ, bởi lẽ lon nước uống tăng lực dường như xuất hiện một cách dày đặc ở bất cứ tập nào trong cả bộ phim.
Trùng sinh chi danh lưu cự tinh
Một bộ webdrama khác phát hành từ đầu năm nay, Trùng sinh chi danh lưu cự tinh được thực hiện bởi đoàn làm phim Trung Quốc kết hợp với nhãn hàng mỹ phẩm Pond’s.
Là tác phẩm đã được “ngôn tình hóa” dựa theo nội dung của bộ tiểu thuyết đam mỹ nổi tiếng Trùng sinh chi danh lưu cự tinh của Thanh La Phiến Tử, bộ phim xoay quanh những cuộc tranh đấu, thị phi trong giới nghệ sĩ và cuộc tình đầy trắc trở của anh chàng nam chính Vân Tu (Mã Khả thủ vai). Trong phần đầu bộ phim, Vân Tu phải tham dự một buổi casting để chọn lựa thực tập sinh mới cho công ty ESE dưới sự chấm điểm của ban giám khảo và sự trợ giúp đắc lực của… Pond’s.
Bất khả kháng lực
Chịu chung số phận với những tác phẩm kể trên, mới đây, bộ phim đam mỹ Bất khả kháng lực cũng vừa được công chiếu trên mạng với những hình ảnh quảng cáo “quá lố” của hãng điện thoại Meitu và ứng dụng tin nhắn Paipai.
Chỉ trong hơn 40 phút của tập phim, hình ảnh hai nam diễn viên chính cầm lên chiếc điện thoại để chụp ảnh, nhắn tin, gọi điện quá nhiều lần khiến khán giả cảm thấy vô cùng ngán ngẩm. Thậm chí nhiều người xem tự hỏi diễn viên đang nói chuyện hay chiếc điện thoại mới là nhân vật chính của bộ phim.
Thậm chí hãng sản xuất còn cho quay một đoạn quảng cáo giữa cặp đôi nam chính sau khi khoàn thành bộ phim.
Sam Sam đến rồi! - Bên nhau trọn đời
Không chỉ có tác phẩm chiếu mạng, thậm chí những bộ phim truyền hình cũng chẳng thể thoát khỏi bàn tay của các nhà tài trợ. Tiêu biểu trong số đó, hai bộ phim nổi tiếng Sam Sam đến rồi! và Bên nhau trọn đời được khán giả vô cùng yêu thích đều âm thầm lăng xê cho sản phẩm rượu nhẹ Trung Quốc Rio.
Quảng cáo sản phẩm tràn lan trên phim ảnh - Tốt xấu chuyện nhà tài trợ
Vì không có đủ kinh phí sản xuất, các công ty giải trí, điện ảnh buộc phải kêu gọi nguồn tài trợ từ bên ngoài. Ngược lại, các nhãn hàng nổi tiếng lại muốn sản phẩm của mình ngày càng được phổ biến hơn trên các phương tiện truyền hình, đại chúng, đặc biệt là đến tay giới trẻ hiện nay. Lựa chọn hợp tác là một vấn đề tất yếu khiến cả hai bên cùng có lợi. Sự thực chứng minh rằng sản lượng rượu Rio bán ra đầu năm 2014, khi bộ phim Sam Sam đến rồi! đang trong thời gian công chiếu đột nhiên tăng vọt. Việc đưa thương hiệu sản phẩm xuất hiện trong phim ảnh đã thực sự đem lại hiệu quả tích cực cho nhà tài trợ bộ phim.
Thế nhưng ngược lại, càng về khoảng thời gian gần đây, khán giả cũng như chính hai bên liên quan đều bắt đầu nhận ra mặt bất lợi của việc quảng cáo sản phẩm một cách tràn lan trên phim ảnh. Thời gian dành cho quảng cáo quá nhiều khiến người xem không khỏi ngán ngẩm, mất tập trung, làm cho bộ phim trở nên nhàm chán. Bên cạnh đó, việc liên tục lia máy quay về phía các sản phẩm quảng cáo khiến nội dung phim bị loãng, nhân vật trở nên gượng gạo vì luôn phải cố gắng phô ra những sản phẩm mà nhà tài trợ yêu cầu. Nhanh chóng nhận ra vấn đề ngày càng nghiêm trọng, người xem bắt đầu la ó, tỏ thái độ khó chịu với đoàn làm phim và nhà tài trợ. Đến cuối cùng chỉ thu được một bộ phim với chất lượng không cao khiến khán giả kém hài lòng và thậm chí có ác cảm với những sản phẩm được quảng cáo.
Kết
Việc hợp tác để làm phim và quảng bá sản phẩm giữa các công ty điện ảnh và nhà tài trợ đích thực là một lựa chọn hữu ích không thể chối cãi. Tuy nhiên, thực hiện ra sao để cho chất lượng phim không bị giảm sút và sản phẩm được quảng bá trong phim cũng tạo được thiện cảm từ phía khán giả lại là một vấn đề không hề đơn giản. Mong rằng các đoàn làm phim cũng như nhà tài trợ sẽ có được cái nhìn đúng đắn cũng như quyết định khôn ngoan khi chấp nhận phương thức hợp tác có phần mạo hiểm trong các tác phẩm điện ảnh sau này.