Là một cường quốc lớn trên đấu trường quốc tế, thế nhưng Trung Quốc thường xuyên nhận được những cái lắc đầu “không chịu đâu” mỗi khi nhắc đến vấn đề bản quyền. Cụ thể là trong lĩnh vực phim ảnh, chủ đề vi phạm tác quyền giờ đây không còn quá xa lạ đối với khán giả ở đây. Từ những ngõ ngách, phố phường cho đến trên cách trang mạng Internet, đâu đâu cũng tồn tại loại hình mua bán, tàng trữ phim ảnh chưa được thông qua bản quyền từ nhà sản xuất.
Mặc dù gần đây, vấn đề vi phạm bản quyền đã được thắt chặt hơn bởi các “ông lớn” như Baidu, Alibaba và Tencent, thế nhưng đây không phải là vấn nạn một sớm một chiều có thể triệt phá được. Trong những ngày qua, các tín đồ Potterhead của dòng phim Harry Potter đã dậy sóng khi chứng kiến bộ phim truyền hình Phù Dao Hoàng hậu (tựa gốc: Legend of Fu Yao) sử dụng kha khá các tình tiết trong Harry Potter và Chiếc cốc lửa (Harry Potter and the Goblet of Fire).
Với độ dài 66 tập và được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên, Phù Dao Hoàng hậu là series phim cổ trang kể về nữ tài kiệt Mạnh Phù Dao (do Dương Mịch thủ vai) - đệ tử của Huyền Nguyên kiếm phái chuyên giảng dạy về kiếm thuật và pháp thuật.
Sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu đây lại là một siêu phẩm kiếm hiệp tranh bá khác của Hoa ngữ, tuy nhiên chi tiết gây tranh cãi lại chính là cuộc thi Thiên đấu được tổ chức tám năm một lần trong phim. Để tham dự kì thi, thí sinh phải ném mảnh giấy đăng ký có thấm máu của mình vào trong vạc đồng. Một khi đã chính thức tham gia, các sĩ tử không còn cách nào khác mà phải vượt qua ba vòng thi cam go và đầy hiểm nguy để chứng tỏ bản lĩnh và ghi danh sách sử.
Không cần đến phiên các Potterhead, mà ngay cả những ai từng yêu quý thế giới phép thuật của nữ tác giả J. K. Rowling cũng sẽ nhận ra Thiên đấu của Phù Dao Hoàng hậu chẳng khác gì cuộc thi Tam pháp thuật của Harry Potter and the Goblet of Fire. Trường hợp của Phù Dao cũng giống y như Harry Potter, cả hai đều không đủ điều kiện tham gia. Mảnh giấy của Phù Dao đã bị một ai đó tự mình ném vào để hãm hại cô, tương tự như cách mà Moody Mắt Điên đã làm để đẩy Harry vào cuộc thi chết chóc.
Thực chất, đây không phải lần đầu tiên các tác phẩm của J. K. Rowling bị các biên kịch Trung Quốc “xài ké” mà không xin phép. Trước đây, cộng đồng Potterhead từng một phen tá hoả vì một loạt các bộ truyện Harry Potter “nhái” do Trung Quốc xuất bản như Harry Potter và Chú rồng tản bộ (Harry Potter and the Hiking Dragon), Harry Potter và Đế quốc Trung Hoa (Harry Potter and the Chinese Empire), thậm chí còn có Harry Potter và… Chiếc phễu khổng lồ (Harry Potter and the Big Funnel).
Những cái tên có vẻ nực cười, nhưng chẳng ai có thể cười lâu khi biết được những quyển sách “made in China” này đã bán được hơn triệu bản. Sự việc này là hồi chuông báo động, trở thành một thực trạng đáng lên án, và dĩ nhiên trong thời buổi ngày nay J. K. Rowling hoàn toàn có quyền lên tiếng cáo buộc tội trạng trên.
Tính đến hiện tại, phía Phù Dao Hoàng hậu vẫn chưa có bất cứ động thái nào nhằm giải thích cho sự “trùng hợp” với Harry Potter và Chiếc cốc lửa. Nếu đoàn làm phim Phù Dao Hoàng hậu vẫn dửng dưng không chịu hợp tác, J. K. Rowling có thể đệ đơn lên toà theo Luật Bản quyền và Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh. Trước đó, hãng phim lớn Disney cũng từng thành công khi kiện bên sản xuất của bộ phim The Autobots do sao chép y khuôn hình tượng của Lightning McQueen trong Cars.
Đứng trước một cái tên đang rất hot trong làng phim ảnh Hoa ngữ là Phù Dao Hoàng hậu, phía J. K. Rowling có lẽ sẽ gặp không ít khó khăn nếu như muốn kiện đến cùng. Tuy nhiên, luật pháp nghiêm minh chắc chắn sẽ không quay lưng với người lương thiện. Mong rằng J. K. Rowling và thế giới phép thuật của cô sẽ giành lại những gì thuộc về mình, mang chính nghĩa về lại cho ngôi trường Hogwarts thân yêu.