Trong Phượng tù hoàng, không có nhân vật nào hoàn toàn tốt cũng không có nhân vật nào hoàn toàn xấu. Kẻ nào cũng có những mưu lợi toan tính cho riêng mình. Trong dàn nhân vật nam đồ sộ của bộ phim, có lẽ gây ấn tượng cho người xem nhất, bên cạnh một Dung lang quân dịu dàng như nước, thì chắc hẳn là bạo chúa Lưu Tử Nghiệp. Đây là một nhân vật vô cùng phức tạp, có lúc đáng hận, lại có lúc đáng yêu. Lưu Tử Nghiệp đã chết ở tập 12, thọ 16 tuổi, vậy cuộc đời ngắn ngủi của vị hoàng đế nhà Tống này có gì đáng nhớ?
Hôn quân nổi tiếng trong lịch sử được tái hiện trên phim…
Lưu Tống Tiền Phế Đế (449 - 465), tên húy Lưu Tử Nghiệp, biểu tự Pháp Sư, là hoàng đế thứ 6 của triều Lưu Tống. Lưu Tử Nghiệp lên ngôi khi ở độ tuổi thiếu niên, nổi tiếng bạo lực, hoang dâm và máu lạnh, vô số lần giết hại đại thần, tàn sát thân tộc. Tiền Phế Đế bị ám sát chỉ khoảng một năm sau khi đăng cơ. Sống trên đời vỏn vẹn 16 năm, ngồi trên ngai vàng chỉ 1 năm, Lưu Tử Nghiệp đã kịp ghi lại dấu ấn với hậu thế bằng tai tiếng của một hôn quân tàn bạo bậc nhất trong lịch sử.
Ngay từ tập 1, Lưu Tử Nghiệp đã lộ rõ tính cách tàn nhẫn, giết người không chớp mắt, kể cả người thân.
Hắn thản nhiên giết hại đại thần vì dâng chiếu can gián, đến cả hộ quốc tướng quân Thẩm Khánh Chi một lòng trung thành, đã hơn 80 tuổi cũng bị hắn ban rượu độc, chết oan ức, tức tưởi.
Cái gì cũng có nguyên do…
Sinh ra trong hoàng tộc, ít có đứa trẻ nào lớn lên trong sạch, lương thiện tuyệt đối. Lưu Tử Nghiệp cũng vậy. Hắn không phải bẩm sinh máu lạnh, mà là do hoàng cung không có tình người.
Tuổi thơ của Lưu Tử Nghiệp chỉ là một màu đen. Thân là thái tử, lại là con của hoàng hậu nhưng không được phụ hoàng sủng ái. Tiên đế thường xuyên trách mắng Lưu Tử Nghiệp, định phế bỏ thái tử, thay Tân An Vương Lưu Tử Loan lên thay.
Khi phụ hoàng rời cung, hắn bị sủng phi của phụ hoàng - Ân quý phi - xích cổ như chó, bị đệ đệ Lưu Tử Loan coi như ngựa cưỡi lên, bị các đại thần lạnh nhạt bỏ mặc lúc bị trói ba ngày ba đêm bên hồ nước… Các huynh đệ tỷ muội cũng không ai muốn chơi cùng một “phế nhân”.
Theo lịch sử ghi lại, Lưu Tử Nghiệp khi còn nhỏ tuổi còn bị ông bác Lưu Thiệu tống giam, suýt thì giết chết.
Với một tuổi thơ khủng khiếp như thế, không lạ lùng khi Lưu Tử Nghiệp bị bóp méo nhân cách, trở nên tràn ngập oán hận, tàn độc không có tính người. Cũng dễ hiểu vì sao Lưu Tử Nghiệp sai chặt đầu Lưu Tử Loan và đào xác Ân quý phi.
Sủng ái tỷ tỷ vô điều kiện
Chút nhân tính duy nhất còn sót lại trong lòng Lưu Tử Nghiệp chính là tình cảm dành cho a tỷ ruột của hắn - Sơn Âm công chúa Lưu Sở Ngọc.
Có thể nói, trên đời khó có người có thể yêu thương và sùng bái chị mình “lên trời” như Lưu Tử Nghiệp. Hắn đối xử với thiên hạ tàn bạo bao nhiêu, với tỷ tỷ lại dịu dàng và yêu chiều bấy nhiêu, ân sủng đến mức hoang đường.
Tại sao Tử Nghiệp lại yêu thương chị mình đến thế? Bởi trong quá khứ tuổi thơ bị mọi người bỏ mặc của hắn, chỉ có duy nhất a tỷ thương hắn, duy nhất a tỷ chơi với hắn, duy nhất a tỷ quỳ xuống cầu xin phụ hoàng đừng đánh hắn…
Vì vậy trong lòng Pháp Sư hình thành một tình cảm cao hơn cả tình yêu, đó là tình thân, là sự dựa dẫm và sự kính trọng vô bờ bến với Sơn Âm công chúa.
Việc mà Lưu Tử Nghiệp làm tốt nhất trong đời, chắc chắn chính là làm em trai. Hắn là một em trai ngoan điển hình, chị bảo sao làm vậy, không bao giờ cãi lời.
Khi bị ám sát sắp chết đến nơi, hắn vẫn ôm khư khư bình cá a tỷ tặng, không dám làm hư tổn dù chỉ một chút, mặc kệ bản thân bị thương. Bất chấp hiểm nguy đến tính mạng, Pháp Sư vẫn ở nguyên chỗ cũ, sợ a tỷ không tìm thấy.
Pháp Sư tin tưởng và thương yêu tỷ tỷ của mình vô điều kiện. So với một Dung Chỉ tâm cơ thâm sâu, so với một Hoàn Viễn nặng mối thù nhà, so với một Vương Ý Chi phóng khoáng tự do, so với một Tiêu Biệt ủ mưu đoạt vị, so với một Thiên Như Kính mang gánh nặng “làm theo thiên mệnh”,… thì tình cảm chân thành và giản đơn của Lưu Tử Nghiệp đáng trân trọng biết bao.
Hoàng cung lạnh lẽo vô tình, tình cảm ruột thịt gắn kết vô điều kiện như thế này thật sự hiếm có. Nếu so với tình cảm của anh em nhà Dung Chỉ, thì tình cảm của Pháp Sư với a tỷ của hắn chính là “một trời một vực”.
Ngay cả khi a tỷ chĩa cung tên vào người hắn, Lưu Tử Nghiệp không hề phản kháng, chỉ có đôi mắt ngỡ ngàng và bất lực nhắm lại cam chịu. A tỷ muốn tính mạng hắn, Pháp Sư cho tỷ.
Sau này khi ở trong tình huống ngược lại, dù hận a tỷ đến đâu, khi nhìn thấy tấm áo khoác ngày xưa của mình khoác lên người Sở Ngọc, Lưu Tử Nghiệp vẫn không thể xuống tay. Trong một bộ phim mà hầu như mọi mối quan hệ tình cảm đều tràn ngập toan tính mưu lợi, tình cảm vô tư thuần khiết của Pháp Sư dành cho a tỷ là tình cảm chân thành nhất sưởi ấm khán giả giữa muôn trùng mưu kế giả tạo chốn hoàng cung.
Một mặt, người ta hả hê khi hôn quân bị tiêu diệt, thiên hạ được thái bình. Mặt khác, người ta xót xa cho Pháp Sư. Hắn ngây thơ biết bao, đến phút cuối cũng chưa từng nghi ngờ a tỷ là gián điệp. Cái kết tuy đau xót, nhưng hợp lý cho một bạo chúa đánh mất lòng người
Kết
Lưu Tử Nghiệp - một nhân vật hai mặt phức tạp được thể hiện sống động qua diễn xuất tinh tế của Trương Dật Kiệt, khiến khán giả vừa ghét, vừa thương, vừa xót, để lại ấn tượng vô cùng sâu đậm. Khi Nero - vị hoàng đế thứ năm của vương triều La Mã, một bạo chúa nổi tiếng trong lịch sử, chết do sức ép của Viện Nguyên Lão, có một ai đó đã bí mật đặt lên mộ y một bông hồng, thể hiện sự tôn trọng những đóng góp của bạo chúa này cho nghệ thuật sân khấu.
Liệu sẽ có ai đặt lên mộ Lưu Tử Nghiệp một bông hồng?